| Hotline: 0983.970.780

Khai mở thị trường Halal nghìn tỷ USD ở các nước Hồi giáo

Thứ Ba 31/10/2023 , 17:12 (GMT+7)

Tiềm năng thị trường Halal toàn cầu rất lớn, cả về quy mô, mức tăng dân số, chi tiêu..., là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở thị trường tại các nước Hồi giáo.

Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan (thứ 2 từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng các đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt chứng nhận Halal. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan (thứ 2 từ phải sang), Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cùng các đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đã đạt chứng nhận Halal. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cơ hội & thách thức

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới còn nhiều dư địa, được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Hiện có hơn 2 tỷ người Hồi giáo sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 57 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), chiếm 25% dân số thế giới. Đặc biệt, người dân theo đạo Hồi chiếm số đông ở khu vực châu Á (62%), nhất là trong khối ASEAN.

Theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), chi tiêu cho thực phẩm Halal của cộng đồng Hồi giáo toàn cầu ngày càng tăng cao, dự kiến đạt 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050.

Đây là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, các du khách Hồi giáo đến kinh doanh và du lịch tại Việt Nam, góp phần phát triển đất nước và tăng cường hợp tác với 57 quốc gia thuộc OIC.

Chia sẻ tại Diễn đàn "Hợp tác và phát triển ngành Halal trong khối ASEAN” ngày 31/10, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam luôn được sự quan tâm sâu sát của Chính phủ, các Bộ, ngành. TP.HCM cũng đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất, tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững.

“Thành phố luôn có các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal, đặc biệc là đối với lĩnh vực thực phẩm. TP.HCM có nhiều tổ hợp dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho người theo Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp thành phố đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng”, ông Hoan thông tin.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) nhìn nhận, dù thị trường Halal rộng lớn, là cơ hội cho doanh nghiệp thực phẩm tăng kim ngạch xuất khẩu, tuy nhiên thực tế xuất khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp vào thị trường này mới chỉ ở bước đầu khai phá, chưa có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường này.

“Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản nhưng ở dạng thô, sơ chế và chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở tốp 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 - 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu”, bà Chi nhìn nhận và cho biết thêm, bình quân, mỗi năm Việt Nam có 50 doanh nghiệp được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, bánh kẹo, đồ ăn chay.

Theo các doanh nghiệp, thị trường Halal đầy tiềm năng, nhưng để chinh phục được thị trường này còn nhiều thách thức. Đơn cử như doanh nghiệp muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức, đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo Luật Hồi giáo. Ví dụ, gạo được phép, còn thịt heo thì không được phép. Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền...

Mặt khác, giấy chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal gặp khó khăn trong đầu tư nhân sự, dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động lấy được chứng nhận Halal để không chỉ phục vụ người Hồi giáo tại Việt Nam mà còn hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã chủ động lấy được chứng nhận Halal để không chỉ phục vụ người Hồi giáo tại Việt Nam mà còn hướng đến xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hệ sinh thái Halal toàn cầu

Tổng Lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP.HCM Agustaviano Sofjan cho biết, Indonesia có số dân theo đạo Hồi lớn nhất thế giới với hơn 236,5 triệu người, chiếm hơn 86% dân số nước này. Indonesia không chỉ sở hữu tiềm năng là thị phần tiêu thụ thực phẩm Halal lớn nhất, mà còn có tiềm năng trở thành nhà sản xuất thực phẩm Halal lớn nhất nhờ nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú.

Theo ông Agustaviano Sofjan, chuỗi giá trị Halal từ nông trại tới bàn ăn không chỉ đơn thuần là việc có một nhãn Halal được dán lên sản phẩm. Mà quan trọng nhất là truy xuất nguồn gốc, xác thực để đảm bảo không tồn tại hàng giả, không có sản phẩm Halal bị nhiễm bẩn trong chuỗi giá trị Halal.

Để khai thác những cơ hội trong thị trường Halal, theo ông Agustaviano Sofjan, các quốc gia thành viên của ASEAN nên nhìn nhận Halal như một cách thức thúc đẩy nền kinh tế. “Sự hợp tác và cộng tác là con đường duy nhất để chúng ta đạt được những thành tựu tốt nhất trong việc phát triển một hệ sinh thái ngành công nghiệp thực phẩm Halal bền vững trong khu vực”, ông Agustaviano Sofjan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Rosmizah Binti Mat Jusoh - Lãnh sự Thương mại, Tổng Lãnh sự quán Malaysia tại TP.HCM (MATRADE) cũng cho rằng, các nước trong khu vực ASEAN nên hợp tác cùng nhau để cung cấp nhiều loại sản phẩm từ các quốc gia vào thị trường Halal toàn cầu, cũng như phát triển hệ sinh thái Halal.

Muốn vậy, các nhà sản xuất và người tiêu dùng toàn cầu phải có nhận thức tốt hơn về các sản phẩm và dịch vụ Halal, từ đó mới mang lại lợi thế cạnh tranh các sản phẩm Halal từ khu vực ASEAN.

"Chúng tôi đã ký một biên bản hợp tác giữa Singapore và Việt Nam vào năm 2022 để giúp phân phối các sản phẩm thực phẩm Halal trên các thị trường tương ứng. Cùng với đó, chúng tôi còn tạo điều kiện kết nối kinh doanh và chuyển giao công nghệ thực phẩm cho Việt Nam. Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam cũng hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore để giúp thiết lập các cuộc đối thoại và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Jason Yeo, Phó chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Singapore tại Việt Nam cho hay.

Theo bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 33 doanh nghiệp đạt chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là cà phê, gạo, hạt điều, trái cây sấy, nông sản, thủy sản chế biến, bánh kẹo, nước ép trái cây...

"Sở Công thương và Sở NN-PTNT luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Halal. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Vừa qua, tỉnh Long An phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu cho các sản phẩm của Long An, trong đó có nhiều doanh nghiệp từ Singapore, Ấn Độ, Indonesia, UAE... đã tham gia trực tiếp và trực tuyến, từ đó tạo được mối quan hệ giao thương rất tốt cho các doanh nghiệp Long An", bà Lệ cho hay.

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...