| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam cần chiến lược chinh phục thị trường Halal nghìn tỷ USD

Thứ Năm 13/07/2023 , 19:22 (GMT+7)

Thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn, tốc độ phát triển nhanh tại khắp các châu lục, tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy định Halal ngày càng nghiêm ngặt.

'Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, Tiềm năng và Thách thức' do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức chiều 13/7. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Hội thảo về thị trường Halal: Khái niệm, Tiềm năng và Thách thức” do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) và Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức chiều 13/7. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cơ hội và thách thức

Theo bà Lý Kim Chi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm (FFA), hiện nay, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông - châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.

Nhu cầu về sản phẩm Halal gia tăng mạnh không chỉ vì sự tăng nhanh của dân số Hồi giáo, mà còn phản ánh xu hướng nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Halal, do đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Nền công nghiệp Halal (ngành công nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo) hứa hẹn là một trong những ngành xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam không những tại thị trường Malaysia mà còn tại các thị trường Hồi giáo khác.

Thông tin của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia (MITI), kim ngạch xuất khẩu Halal năm 2022 của Malaysia đạt 59 tỷ RM (Ringgit), tăng 23 tỷ RM tương đương với gần 64% so với năm trước đó. Malaysia kỳ vọng ngành công nghiệp Halal sẽ đạt được 113 tỷ RM vào năm 2030, đóng góp 8% GDP vào năm 2025

Thực phẩm và đồ uống là mặt hàng xuất khẩu chính trong nền kinh tế Halal với gần 28 tỷ RM trong tổng số giá trị các mặt hàng halal xuất khẩu là 47%, tăng 58% so với năm 2021. Tiếp đến là nguyên liệu Halal, mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân, dầu dừa và hóa chất công nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới có quy mô rất lớn khi phục vụ khoảng 2 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới. Quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028. Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo.

Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC). Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới, nằm ở vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn. Tuy nhiên, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của các doanh nghiệp ta vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá.

Mỗi năm, nước ta có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm", ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM nhận định.

Theo bà Lý Kim Chi, Việt Nam có nhiều lợi thế và là nước xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Đặc biệt, vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia hay Malaysia,… những quốc gia Hồi giáo đông dân này sẽ là một trong những thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch FFA Lý Kim Chi cho rằng, các tiêu chuẩn và quy định Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.

Hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal

Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia cho hay, thực phẩm Halal không chỉ không có thịt lợn hoặc không có cồn, mà nguồn thịt hoặc gia cầm cũng phải từ động vật được cho phép tiêu thụ (gà, gia súc, cừu) và phải được giết mổ theo quy tắc Hồi giáo để biến chúng thành Halal.

Vì vậy, cần tiêu chuẩn hóa trong khâu vệ sinh và đảm bảo sạch sẽ. Trong khi đó, động vật ăn thịt, động vật lưỡng cư (như ếch), côn trùng không phải là Halal. Ngoài ra, bất kỳ sự nhiễm bẩn nào từ các nguyên tố bị cấm hoặc chất bẩn cũng khiến thực phẩm không phải là Halal.

Về mặt đóng gói/bảo quản, thực phẩm không phải Halal và thực phẩm Halal phải được bảo quản riêng biệt để tránh bị nhiễm bẩn. Toàn bộ dây chuyền sản xuất phải hợp vệ sinh và không gây hại cho sức khỏe.

Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Wong Chia Chiann, Tổng lãnh sự quán Malaysia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"Doanh nghiệp Việt Nam muốn được chứng nhận Halal phải có đủ thông tin và kiến thức đâu là sản phẩm được phép và không được phép theo luật Hồi giáo, ví dụ gạo là được phép và thịt lợn thì không được phép.

Các sản phẩm Halal và không Halal không thể được sản xuất trong cùng một dây chuyền sản xuất. Việc loại bỏ một thành phần không phải Halal sẽ không làm cho sản phẩm trở thành Halal trở lại. Tất cả nguồn thực phẩm, quy trình vệ sinh cần phải được chứng minh trong quá trình chứng nhận Halal", bà Wong Chia Chiann lưu ý.

Ông Machdares Samael, Quyền trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP.HCM cho biết, Halal đã mở rộng ra tất cả các loại thực phẩm như sữa, bánh, kẹo, đồ ăn sẵn, thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, dược phẩm, du lịch, khách sạn... Đáng chú ý, có những sản phẩm trước đây không phải tuân theo tiêu chuẩn Halal nhưng gần đây buộc phải đáp ứng tiêu chuẩn này như thủy sản nuôi, nông sản, trà, cà phê…

“Tại một số nơi, nước dùng để chế biến sản phẩm Halal cũng đòi hỏi phải có chứng nhận Halal. Do đó, Halal giờ đây không chỉ mang yếu tố tôn giáo hay an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn mang yếu tố bản sắc và thương hiệu Hồi giáo.

Hiện nay, các tiêu chuẩn Halal ngày càng hoàn thiện, mở rộng ra nhiều nhóm hàng và siết chặt về chất lượng trong đó có các mặt hàng thủy sản nuôi trồng, trà… sẽ tác động ngày càng sâu sắc đến hàng hóa xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam”, ông Machdares Samael nói.

Sản phẩm nha đam và thạch dừa của G.C Food đạt chứng nhận Halal và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới với vùng nguyên liệu lớn tại Ninh Thuận, Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Sản phẩm nha đam và thạch dừa của G.C Food đạt chứng nhận Halal và đã xuất khẩu đến 20 quốc gia trên thế giới với vùng nguyên liệu lớn tại Ninh Thuận, Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đến nay, Việt Nam chưa có cơ quan nhà nước cấp chứng nhận về tiêu chuẩn Halal, thay vào đó là một số tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal.

Do có nhiều hệ thống tiêu chuẩn Halal trên thế giới nên các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam buộc phải làm việc với nhiều tổ chức chứng nhận Halal của các nước để được chấp nhận chứng nhận Halal, khiến cho chi phí cấp chứng nhận tăng lên.

Các chi phí đó cuối cùng do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Halal phải gánh chịu, từ dó làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau, các tổ chức chứng nhận Halal của Việt Nam hiện chưa tiếp cận yêu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp Halal thế giới.

Đội ngũ kiểm định viên theo dõi hoạt động sản xuất các mặt hàng Halal còn có những hạn chế nhất định. Các tổ chức tư nhân cấp chứng nhận Halal của ta cũng chưa đủ khả năng tài chính để kết nối thường xuyên với các tổ chức công nhận Halal thế giới.

Về phần mình, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal gặp khó khăn trong đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt, nguồn nguyên liệu an toàn cho đến các khâu đóng gói, vận chuyển, bảo quản… theo tiêu chuẩn Halal. Điều này nếu không được giải quyết, sẽ hạn chế khả năng doanh nghiệp Việt Nam trong việc giữ và mở rộng thị trường Halal.

Thị trường Halal đầy tiềm năng, vừa là thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc các nước Hồi giáo quyết tâm hệ thống hóa tiêu chuẩn Halal một mặt đang tạo ra rào cản đối với hàng hóa xuất khẩu vào các thị trường này nhưng cũng sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhanh nhạy, biết tận dụng cơ hội và thích ứng được với bối cảnh mới.

Chia sẻ về kinh nghiệm tuân thủ sản xuất sản phẩm theo yêu cầu chứng nhận Halal, ông Nguyễn Đăng Hiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH SX&TM Tân Quang Minh, cho biết, người Hồi giáo chỉ mua sản phẩm Halal như một bằng chứng về đức tin mà Allah cho phép sử dụng sản phẩm đó.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần lưu ý không nói về các tôn giáo khác nhau, không quảng cáo hình ảnh nhạy cảm (phụ nữ, tôn giáo khác) trên bao bì sản phẩm, phương thức thanh toán hay dùng D/P, chuyển tiền, đặt cọc, trước, ít dùng L/C; bao bì sản phẩm phải có tiếng Ả Rập, người Ả rập thích tiếp xúc trực tiếp với đối tác kèm mẫu hàng.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.