Cải thiện hạ tầng cho sản xuất cà phê
Là đơn vị phát triển theo mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ nông nghiệp và du lịch Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) hiện có khoảng 369 thành viên liên kết cùng với hơn 100 thành viên nằm ngoài liên kết.
Với tổng diện tích gần 500 ha cà phê, năng suất cà phê năm nay của HTX khoảng 4 tấn nhân/ha, tổng sản lượng đạt khoảng gần 2.000 tấn. Giá cà phê ở thời điểm hiện tại dao động khoảng 41.000 – 42.000 đồng/kg, nếu được giữ nguyên đến cuối vụ hoạch, xem như người dân thắng lợi lớn.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông phấn khởi cho biết, trước khi bước vụ thu hoạch, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp để tiêu thụ khoảng 1.000 tấn nhân và 800 tấn cà phê tươi. Như vậy, HTX không còn lo vấn đề tiêu thụ mà chỉ tập trung vào sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Theo ông Thanh, để có được thành quả này là nhờ sự hỗ trợ đầu tư rất lớn từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSat).
Ông Thanh kể, ngay khi mới thành lập HTX vào năm 2018, ông đã đi nhiều nơi để tìm hiểu một số mô hình phát triển HTX và biết được dự án VnSat đang hỗ trợ người dân trồng cà phê rất hiệu quả.
Thấy vậy, ông làm đơn gửi lên Ban Quản lý Dự án VnSAT Gia Lai để được hỗ trợ. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) lại không nằm trong vùng dự án nên không được hỗ trợ. Với quyết tâm đem lại quyền lợi cho các thành viên trong HTX, ông Thanh tiếp tục làm đơn gửi ra Bộ NN-PTNT, Ban Quản lý Dự án VnSat Trung ương để được tham gia dự án.
Đến cuối năm 2019, HTX Ia Mơ Nông mới chính thức được Dự án VnSat hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm theo hình thức đối ứng 50/50. Thời gian đầu, Dự án VnSat đầu tư thử nghiệm 4,5 ha và thấy rất hiệu quả. Đến giai đoạn này, dự án đã hỗ trợ đầu tư cho HTX được 62 ha hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa tận gốc.
Cùng thời điểm đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, Dự án VnSat còn hỗ trợ tập huấn về sản xuất và tái canh cà phê bền vững. Theo đó, tất cả các thành viên trong HTX đều được tập huấn về cách trồng và chăm sóc cây cà phê sao cho hiệu quả để tăng năng suất, chất lượng.
Để hướng đến mô hình phát triển cà phê bền vững, trong hợp phần thứ 2, Dự án VnSat tiếp tục hỗ trợ đầu tư cho HTX các trang thiết bị máy móc sơ chế và chế biến cà phê chất lượng cao. Đặc biệt, mới đây, dự án đã đầu tư HTX hơn 6 km đường bê tông đi vào khu sản xuất cà phê của các thành viên với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
Tại Kon Tum, Dự án VnSat đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp công bằng Pô Kô (huyện Đắk Hà) phát triển mô hình cà phê bền vững thông qua công tác tập huấn về tác canh bền vững, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… cho gần 100 nông hộ sản xuất, với tổng diện tích khoảng 180 ha.
Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ mô hình tưới nước tiết kiệm cho 2 nông hộ với tổng diện tích 4 ha, hỗ trợ một phần kinh phí mua máy móc nhằm nâng cao năng lực sản xuất cà phê chất lượng cao. Dự án VnSat cũng hỗ trợ một phần kinh phí giúp HTX phát triển website quảng bá sản phẩm.
Hiệu quả từ chuỗi giá trị liên kết cà phê
Đánh giá về chuỗi liên kết sản xuất cà phê bền vững, ông Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX Ia Mơ Nông cho rằng, nếu dự án VnSat kéo dài thêm thời gian hỗ trợ và mở rộng cho nhiều người dân tham gia hơn nữa, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn ngành cà phê.
Cụ thể, với việc đầu tư mô hình tưới tiết kiệm cũng như các hệ thống máy móc sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao, sẽ đem lại lợi nhuận rất lớn cho người dân. Chẳng hạn trước đây chưa có máy chế biến cà phê, người dân chủ yếu bán cà phê nhân xô, lợi nhuận thu lại không cao. Còn hiện tại, HTX chỉ cần hướng dẫn cho người dân đợi cà phê chín 80% mới thu hoạch, sau đó qua hệ thống máy móc chế biến, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều.
“Bình thường 1 kg cà phê tươi khoảng 8.000 đồng, nhưng giờ chúng tôi sẵn sàng mua lại với giá 8.500 đồng/kg. Như vậy, 1 ha cà phê sẽ tăng thêm lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng”, ông Thanh nói và cho biết, việc đường bê tông được Dự án VnSat hỗ trợ đầu tư, đưa vào sử dụng sẽ tạo ra chuỗi giá trị vô cùng lớn cho vùng sản xuất cà phê của các thành viên trong HTX.
Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chụ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp công bằng Pô Kô cho biết, mô hình sản xuất cà phê bền vững của dự án VnSat giúp các nông hộ tham gia có định hướng và kế hoạch phát triển rõ ràng và bền vững hơn. Trong đó, việc áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm hay đầu tư máy móc cũng giúp các tổ chức tham gia dự án tiết kiệm nguồn lực trong sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Trước khi tham gia Dự án VnSat, bản thân HTX Pô Kô cũng đã định hướng theo con đường phát triển cà phê bền vững. Qua quá trình tham gia một số tiểu dự án của Dự án VnSat, HTX đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, HTX được tập huấn kỹ và khoa học hơn về canh tác cà phê bền vững, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, năng lực sản xuất được nâng cao. Đồng thời, HTX cũng chủ động hơn trong tìm kiếm đầu ra và hình thành mối liên kết giá trị với người mua hàng, có định hướng rõ hơn về hoạt động quảng bá, hoạt động bán hàng”, bà Huyền Anh nói và cho biết, các HTX, tổ chức khác tham gia Dự án VnSat cũng nhận được ít nhiều tác động tích cực từ dự án mang lại.
Ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VnSat tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay các tổ chức nông dân, HTX đã và đang hoạt động hiệu quả qua sự hỗ trợ từ Dự án VnSat, điển hình như các HTX Ia Mơ Nông, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Đắk Krông (huyện Đăk Đoa), HTX Xây dựng – Thương mại và Dịch vụ Phượng Hoàng, HTX Nông nghiệp – Thương mại và Dịch vụ du lịch sinh thái Hàm Rồng…
Điều này đã góp phần nâng cao giá trị cho cây cà phê, giúp người dân sản xuất cà phê tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, gắn kết người dân với doanh nghiệp nhằm nâng cao được giá trị sản phẩm.
Theo đánh giá của Dự án VnSat Kon Tum, các mô hình sản xuất cà phê bền vững được Dự án VnSat hỗ trợ có chi phí sản xuất giảm khoảng 20 - 25% về lượng phân đạm, thuốc trừ sâu, lượng nước tưới. Trong khi đó, năng suất tăng khoảng 20% và lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20% so với các hộ không tham gia mô hình của dự án VnSat.
Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án VnSat Kon Tum cho biết, hiện dự án đang hỗ trợ cho 17 tổ chức nông dân được tập huấn, nâng cao năng lực tổ chức và quản lý. Các tổ chức này đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư, phân bón và bao tiêu sản phẩm cà phê cho nông dân.
Nhờ đó, sản phẩm cà phê sau thu hoạch của tất cả các thành viên trong các tổ chức nông dân được tiêu thụ, không bị thương lái ép giá, sản phẩm cà phê đạt chất lượng cao hơn. Từ đó, nâng cao giá trị của cây cà phê, góp phần phát triển ngành hàng cà phê bền vững tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Dự án VnSat Gia Lai, từ năm 2015 đến 2020, đã có 6 huyện với 20 tổ chức nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ từ dự án. Theo đó, số hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững là 4.496 hộ/10.233 ha, số hộ tham gia tái canh cà phê bền vững là 5.385 hộ/5.469 ha.
Dự án VnSat tại Kon Tum cũng đã triển khai tại 3 huyện Đắk Hà, Đắk Glei và Kon Plông với tổng số hộ dân tham gia dự án là 4.530 hộ/4.126 ha. Trong đó, số hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững là 3.119 hộ/3.388 ha, số hộ tham gia tái canh cà phê bền vững là 1.411 hộ/738,7 ha.