Từ nguồn số liệu điều tra nguồn lợi hải sản hiện có do Viện nghiên cứu Hải sản điều tra, thu thập trong 15 năm trở lại đây có giá trị thực tiễn rất cao. Các kết quả nghiên cứu về bãi giống, bãi đẻ và mùa sinh sản của các loài hải sản đã cung cấp căn cứ khoa học cho việc đề xuất hình thành các khu vực bảo vệ nguồn giống hải sản ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, những số liệu này cũng đã giúp cơ quan chức năng tiến hành đồng bộ, chuẩn hoá, phân tích xác định và lựa chọn được bộ tiêu chí phân loại vùng biển theo chức năng sinh thái dựa trên mức độ đáp ứng dữ liệu theo không gian và thời gian. Đồng thời đã xác định được 15 phân vùng sinh thái và 3 phân vùng quản lý nghề cá phù hợp với đặc điểm đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở vùng biển Việt Nam.
Trên cơ sở đó, các nguyên tắc và phương thức khai thác hải sản ở từng phân vùng sinh thái, phân vùng quản lý nghề cá cũng đã được xác định dựa trên các mục tiêu tổng thể của tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá là: Bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ nguồn giống hải sản và bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá.
Theo Viện Nghiên cứu Hải sản, các chuyến điều tra đã thu thập số liệu thực địa và xây dựng các báo cáo chuyên đề đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản và hoạt động nghề cá cũng như xây dựng danh mục các loài hải sản kinh tế, quý hiếm, đặc hữu cần bảo vệ. Từ các kết quả đạt được xây dựng bộ giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học phù hợp với đặc điểm và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Riêng ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ, số liệu nghiên cứu được thu thập từ 20 chuyến khảo sát trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ bằng lưới kéo đáy trong thời gian nghiên cứu giai đoạn V của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy nguồn lợi hải sản ở khu vực này tương đối đa dạng, với số lượng loài và nhóm loài bắt gặp trong các chuyến điều tra bằng lưới kéo đáy cao, chiếm ưu thế bởi các loài cá tạp và các loài cá nổi nhỏ.
Từ khảo sát có thể khẳng định, năng suất, mật độ nguồn lợi ở giai đoạn hiện nay được duy trì tương đối ổn định nhưng mức độ giảm sút của nguồn lợi là rất rõ rệt, đặc biệt so với các năm ở giai đoạn (2006- 2010).
Trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính trung bình trên 40 nghìn tấn, chất lượng nguồn lợi không có sự thay đổi nhiều giữa các năm. So với các giai đoạn trước đây có xu hướng tiếp tục suy giảm.
Nguồn lợi hải sản hiện đang chiếm ưu thế bởi các loài cá tạp và các loài cá nổi nhỏ, một số loài chiếm ưu thế lớn nhất trong các chuyến điều tra như: cá sơn, cá song nhật, cá bánh đường, mực ống trung hoa, cá nục sồ, cá mối thường, cá liệt, cá hố, cá mối vạch, cá chim gai,...
Hiện nay, hầu hết các loài có giá trị kinh tế cao ở vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ đang bị khai thác với hệ số cao. Tổng sản lượng hải sản khai thác ở vùng đánh cá chung giai đoạn V dao động trong khoảng 26.000 - 45.000 nghìn tấn. Sản lượng khai thác bền vững tối ưu ở vùng đánh cá chung ước tính khoảng 10.100 nghìn tấn/quý.
Theo đánh giá của Viện nghiên cứu Hải sản, thành phần và đặc điểm phân bố của trứng cá, cá con trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ giai đoạn V không có sự thay đổi so với giai đoạn trước đây. Khu vực tập trung cao nhất là vùng biển phía Bắc vùng đánh cá chung, tiếp theo là khu vực giữa vịnh và thấp nhất là vùng cửa vịnh, mật độ trứng cá cá con có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng đến lượng bổ sung tiềm năng.
Việc đánh giá được hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản hàng năm trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ là cơ sở điều chỉnh số lượng tàu thuyền và đề xuất các giải pháp quản lý nghề cá bền vững trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
"Các kết quả đánh giá hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản trong vùng đánh cá chung giai đoạn V đã được nhóm chuyên gia nguồn lợi Việt Nam - Trung Quốc thống nhất. Những nghiên cứu được Ủy ban liên hiệp nghề cá Vịnh Bắc bộ đánh giá cao và sử dụng làm cơ sở khoa học quan trọng nhất trong đàm phán điều chỉnh cường lực khai thác trong vùng đánh cá chung", một nhà khoa học trong nhóm điều tra nguồn lợi hải sản chia sẻ.