| Hotline: 0983.970.780

Khai thác "mỏ vàng" phụ phẩm, chất thải ngành thủy sản

Thứ Hai 11/01/2021 , 13:22 (GMT+7)

Phụ phẩm khổng lồ của ngành thủy sản sẽ là “mỏ vàng” nếu được tái sử dụng. Đồng thời giải quyết được bài toán ô nhiễm, nâng cao giá trị toàn chuỗi ngành hàng tôm.

Hướng tới ngành thủy sản tuần hoàn

Hiện nay, ngành hàng thủy sản quan trọng hàng đầu của ĐBSCL chính là chế biến tôm và cá tra để xuất khẩu, với nguồn nguyên liệu chủ yếu là thủy sản nuôi trồng quy mô công nghiệp. Quá trình nuôi thâm canh, cũng như chế biến tôm và cá tra sẽ thải ra lượng lớn chất thải, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Những sản phẩm phụ trong quá trình chế biến từng là thứ bỏ đi, gây ô nhiễm môi trường, nay đã được quan tâm thu hồi, chiết xuất làm ra sản phẩm mới có giá trị, tạo ra sinh kế…

Quá trình nuôi thâm canh, cũng như chế biến tôm và cá tra sẽ thải ra lượng lớn chất thải, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Ảnh: Trung Chánh.

Quá trình nuôi thâm canh, cũng như chế biến tôm và cá tra sẽ thải ra lượng lớn chất thải, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Ảnh: Trung Chánh.

Theo quy hoạch của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), diện tích nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL đến năm 2020 đạt gần 760 ngàn ha, trong đó nuôi nước ngọt là 125 ngàn ha, riêng cá tra nuôi công nghiệp là 7.200 ha, còn lại là nuôi mặn lợ (chủ yếu nuôi tôm). Riêng quy hoạch đối với con tôm đến năm 2020, toàn vùng thả nuôi là 650 ngàn ha, sản lượng thu hoạch từ 700 – 825 ngàn tấn.

Theo Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (chương trình KH-CN cấp Quốc gia giai đoạn 2014-2019), Viện Môi trường và Tài Nguyên (IER – Đại học Quốc gia thành phố HCM) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị ngành chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL”.

Mục tiêu tổng quát của đề tài là đánh giá hiện trạng phát thải, tác động môi trường, đồng thời đề xuất và triển khai mô hình sinh thái hướng đến khép kín dòng vật chất và năng lượng, nhằm giảm thiểu tác động môi trường, góp phần gia tăng chuỗi giá trị ngành hàng chế biến thủy sản ở ĐBSCL.

TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng IER cho biết đối với vùng nuôi cá tra công nghiệp, nước thải qua quá trình tiền xử lý có thể tận dụng tưới cho lúa, bắp, cây họ đậu, rau màu. Bùn thải đáy ao qua quá trình composting, dùng nuôi trùn quế. Xác cá chết trong quá trình nuôi được thu gom, sấy khô làm bột cá chế biến thức ăn gia súc.

Bùn thải từ nhà máy chế biến, qua quá trình composting, dùng để bón cho cây. Nước thải qua xử lý, lọc biochar, tưới cho cây công trình đô thị. Đầu, da, xương, mỡ bụng, nội tạng cá… chế biến bột cá, Snack da cá, làm dầu ăn, biodiesel, tinh dầu cá (Omega 3), Calogen, Gelatin, thực phẩm chức năng… 

Nuôi tôm quảng canh trên ruộng, luân canh vụ lúa để xử lý chất hữu cơ tồn đọng. Ảnh: Trung Chánh.

Nuôi tôm quảng canh trên ruộng, luân canh vụ lúa để xử lý chất hữu cơ tồn đọng. Ảnh: Trung Chánh.

Thực tế, tại vùng nuôi cá tra tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, nông dân đã biết tận dụng nước thải từ ao nuôi cá tra công nghiệp để tưới cho lúa, cây trồng, mang lại hiệu quả cao. Mô hình này vừa góp phần xử lý nước thải ao nuôi cá, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, vừa giảm được lượng phân bón cho cây trồng.   

Đối với vùng nuôi tôm, bùn thải từ ao nuôi công nghiệp có thể tận dụng sản xuất biogas, vỏ tôm lột (xi-phông đáy ao) thu gom, phơi khô chế biến thức ăn. Nuôi tôm quảng canh trên ruộng, luân canh lúa để xử lý chất hữu cơ tồn đọng. Nước thải, bùn thải từ nhà máy chế biến tôm qua quá trình Composting, lọc biochar dùng để bón, tưới cho cây công trình đô thị.

Các sản phẩm phụ như đầu, vỏ tôm tận thu chế biến bột tôm xay nhuyễn, chiết xuất Chitin, Chitosan, dịch đầu tôm. Từ đó, áp dụng công nghệ để làm ra mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, chất dẫn dụ sinh học, phân bón hữu cơ… Sản phẩm phụ ngành tôm cũng có thể thủy phân dịch đầu tôm thành các axit amin sử dụng cho cây trồng và vật nuôi. Chiết xuất chất Chitosan đưa vào phân bón hữu cơ khoáng, giúp tăng hiệu lực phân bón.

"Giải pháp xanh" nâng cao giá trị ngành hàng

Theo Viện Nguyên cứu Hải sản, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ sản xuất ra 1 tấn tôm thành phẩm, sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải. Trong khi đó, đầu tôm và vỏ tôm có rất nhiều chất có thể tận dụng làm ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nếu được thu gom và tận dụng sản xuất, có thể chiết xuất Chitin, Chitosan, khoáng, protein, làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm cho người, thức ăn chăn nuôi, phân bón. Sản xuất túi nhựa sinh học, làm vật liệu nhựa bền và tự phân hủy, nước mắm từ dịch tôm…

Chất chiết xuất Chitosan từ phụ phẩm tôm được xem là giải pháp “xanh”, có khả năng kháng khuẩn và nhiều chức năng độc đáo khác với khả năng ứng dụng rộng rãi. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chitosan là giải pháp đa chức năng, có thể áp dụng cho cả vòng đời của cây: từ xử lý hạt giống, bảo vệ cây trồng đến bảo quản sau thu hoạch… Chitosan chính là nguồn nguyên liệu xanh, bền vững và hiệu quả cho nhu cầu thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ ngày càng tăng hiện nay.

Theo VNF, trong quá trình chế biến tôm, chỉ có 55-65% của con tôm được sử dụng, còn lại 35-45% phần còn lại được coi là phụ phẩm, bị bỏ đi. Ảnh: Trung Chánh.

Theo VNF, trong quá trình chế biến tôm, chỉ có 55-65% của con tôm được sử dụng, còn lại 35-45% phần còn lại được coi là phụ phẩm, bị bỏ đi. Ảnh: Trung Chánh.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) là đơn vị đi đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm phụ từ ngành tôm. VNF đang có 2 nhà máy hoạt động tại Cà Mau và Hậu Giang, nơi có nhiều nhà máy chế biến tôm.

Giai đoạn 2017-2020, sản lượng tôm chế biến nước ta ước đạt khoảng 832 ngàn tấn/năm, ước đã thải ra khoảng 291-735 ngần tấn phụ phẩm tôm (35-45% trọng lượng con tôm).

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD (giai đoạn 2021-2025), sản lượng tôm chế biến sẽ tăng lên hơn 1,1 triệu tấn/năm. Cùng với đó, lượng phụ phẩm tôm cũng tăng lên từ 403-519 ngàn tấn.

Theo đánh giá của đại diện VNF, trong quá trình chế biến tôm, chỉ có 55-65% của con tôm được sử dụng, còn lại 35-45% phần còn lại được coi là phụ phẩm, bị bỏ đi. Trong khi đó, phụ phẩm tôm chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có giá trị, có thể được chiết xuất và áp dụng trong nhiều lĩnh vực, tạo ra giá trị mới cao hơn nhiều lần.

VNF tin rằng, dinh dưỡng và giá trị không chỉ dừng lại ở thịt tôm, vốn là trọng tâm của ngành chế biến tôm hiện nay. Mô hình sản xuất không chất thải cho phép thu hồi và tái sử dụng nguồn dinh dưỡng bị lãng phí, tối ưu hóa giá trị gia tăng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Từ đó, VNF đã tạo nên một danh mục sản phẩm độc đáo, da dạng với tính thương mại hóa cao chỉ từ nguyên liệu vỏ, đầu tôm.

Sản phẩm tiên phong của VNF, Protein tôm thủy phân đã được chứng minh là một giải pháp giúp gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, với trọng tâm là phục vụ chăn nuôi. Protein tôm thủy phân có tiềm năng lớn để thay thế bột cá (vốn được khai thác từ tự nhiên, thiếu bền vững) và các thành phần khác trong thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, Protein tôm thủy phân cũng có rất nhiều tiềm năng ứng dụng cho cây trồng, với vai trò cung cấp dinh dưỡng dễ hấp thu và là chất kích thích sinh học tự nhiên.

Ứng dụng Chitosan và axit amin chiết xuất từ phụ phẩm ngành tôm, Green Stars đã sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

Ứng dụng Chitosan và axit amin chiết xuất từ phụ phẩm ngành tôm, Green Stars đã sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Trung Chánh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Green Stars cho biết, ứng dụng Chitosan và axit amin chiết xuất từ phụ phẩm ngành tôm, đơn vị đã sản xuất ra nhiều sản phẩm phục vụ nông nghiệp như: phân bón trung vi lượng, phân bón hữu cơ khoáng, phân bón hữu cơ, phân bón lá PK có chất điều hòa sinh trưởng… Các sản phẩm này đang được cung ứng ra thị trường, cũng như liên kết cung cấp vật tư đầu vào trong các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trên cây lúa, mô hình thực nghiệm bón phân hữu cơ chế biến từ phụ phẩm ngành tôm, tại hộ nông dân Nguyễn Thanh Nhàn, xã An Tức, Tri Tôn, An Giang trong vụ hè thu 2020 đạt được nhiều kết quả rất tốt.

Về mặt môi trường, đã giảm thiểu việc bón phân hóa học, giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ hoạt động nông nghiệp. Hiệu quả kinh tế, giảm chi phí đầu tư, tăng năng xuất lúa. Lúa hàng hóa làm ra là dòng sản phẩm sản xuất theo hướng hữu cơ, tăng giá bán và hoàn toàn có thể chế biến xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Bình luận mới nhất