| Hotline: 0983.970.780

Lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Chủ Nhật 22/11/2020 , 17:45 (GMT+7)

Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đa dạng, có mặt trên 180 quốc gia. Lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, hạt nhân quan trọng là doanh nghiệp và người nông dân.

Ông Lê Quốc Thanh và ông Nguyễn Hồng Lam chủ trì hội nghị. Ảnh: HA.

Ông Lê Quốc Thanh và ông Nguyễn Hồng Lam chủ trì hội nghị. Ảnh: HA.

Ngày 22/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm tổ chức Hội nghị xúc tiến phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Khó khăn, thách thức nhưng sẽ lan tỏa mãnh liệt

Hội nghị do ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm chủ trì. Với 3 báo cáo, 9 tham luận và rất nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại diện các địa phương và các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN-PTNT, hội nghị tập trung bàn các giải pháp nhằm lan tỏa phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Theo ông Lê Quốc Thanh, Việt Nam là nước nông nghiệp có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, có thể tạo ra nguồn sinh khối, nguyên liệu phong phú, có nhiều vùng rừng núi tự nhiên, chủ yếu canh tác quảng canh, chưa bị ảnh hưởng của ô nhiễm hóa chất, rất phù hợp cho trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ. Tính đến hết năm 2019, diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã đạt hơn 237.000 ha, tăng rất mạnh so với 53.000 ha vào năm 2016. Đã có 46 tỉnh thành đang sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hoàn thiện các đề án sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 17.168 hộ, 97 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó có 60 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đặc biệt các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam rất đa dạng, có mặt trên 180 quốc gia, chứng minh rằng nông nghiệp hữu cơ đã vượt tầm quốc gia, vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc và các nước EU... Chúng ta đang đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN về nông nghiệp hữu cơ.

“Nhu cầu nông nghiệp hữu cơ trên thế giới ngày càng lớn, nhận thức được điều này, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp hữu cơ để thông qua đó tuyên truyền, chuyển giao, lan tỏa mạnh mẽ phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”, ông Lê Quốc Thanh nói.   

Kết quả chuyển giao các mô hình nông nghiệp hữu cơ, theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt như mô hình liên kết sản xuất lúa gạo hữu cơ theo chuỗi giá trị tại một số địa phương như: Sơn La 70ha, Vĩnh Phúc 70ha, Thừa Thiên Huế 160ha... Mô hình ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau theo hướng hữu cơ. Mô hình sản xuất chè an toàn nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thâm canh chè an toàn và liên kết chuỗi chế biến, tiêu thụ nguyên liệu. Mô hình phục hồi vườn tiêu bị bệnh chết chậm bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp tại một số tỉnh Tây Nguyên.

Các mô hình của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia liên tục được nhân rộng ở các địa phương và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, tổng kết cho thấy, các mô hình đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là hoạt  động thông tin tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ...

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Thanh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn những khó khăn, thách thức như: quy trình sản xuất hữu cơ khá khắt khe, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng vật nuôi thấp, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định, do vậy đa số nông dân chưa có nhu cầu chuyển sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hoặc sản xuất còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có định hướng rõ về địa bàn, đối tượng cây trồng, vật nuôi cụ thể. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Đề án Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam theo Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường xây dựng các mô hình, đào tạo và hợp tác quốc tế về nông nghiệp hữu cơ, tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền, tăng cường hợp tác PPP nhằm Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học...

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: HA.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản. Ảnh: HA.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, để nông nghiệp hữu cơ thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới vấn đề cốt lõi nhất vẫn là thay đổi tư duy. Cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy từ xin cho thành tư duy phụng sự, kiến tạo cho doanh nghiệp để phát triển. 

“Theo kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về phát triển nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình, các vùng trọng điểm về nông nghiệp hữu cơ, phải có điểm sáng để xây dựng lòng tin để từ đó nhân rộng ra các vùng, các địa phương. Tiếp tục tuyên truyền tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, mở rộng thị trường. Chúng ta tin tưởng người tiêu dùng sẽ từng bước thay đổi nhận thức”, ông Toản nói.

Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân trung tâm

Tham dự hội nghị, các đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia đều nhìn nhận, trong hành trình lan tỏa nông nghiệp hữu cơ, ngoài cơ quan quản lý nhà nước thì hạt nhân quan trọng là doanh nghiệp và người nông dân. Vai trò của những doanh nghiệp như Tập đoàn Quế Lâm là cốt lõi. Nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đều khẳng định, kể từ khi tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã có những thay đổi rất rõ rệt. Trong đó vai trò của Tập đoàn Quế Lâm được đánh giá là doanh nghiệp lan tỏa nông nghiệp hữu cơ hàng đầu hiện nay.

Tặng thưởng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thành tích xuất sắc. Ảnh: HA.

Tặng thưởng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thành tích xuất sắc. Ảnh: HA.

Từ hai năm nay ông Nguyễn Quốc Trịnh ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An đã hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ. Từ 400 trụ thanh long tím hồng vào năm 2018, đến nay mô hình đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3 ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường từ 7 - 15%, mỗi vụ thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Tương tự, năm 2015, Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Vinh (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ký hợp tác liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm trên diện tích ban đầu là 24 ha với 102 hộ. Tổng kết mô hình cho thấy, trồng lúa hữu cơ có lãi cao hơn từ 4,5 đến 9 triệu đồng/ha/vụ, hàng năm tăng thêm thu nhập cho người dân từ 200-230 triệu đồng. Những kết quả tích cực trên, hợp tác xã Đông Vinh tiếp tục vận động người dân mở rộng thêm 100 ha để liên kết sản xuất bền vững đồng thời tham gia chuỗi chăn nuôi hữu cơ ứng dụng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm.

Các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân lan tỏa nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: HA.

Các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân lan tỏa nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: HA.

Ông Nguyễn Thanh Vĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho biết, con đường mà Tập đoàn Quế Lâm lựa chọn và thực thi luôn song hành, ủng hộ chủ trương của ngành nông nghiệp đưa ra, đó là một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau và một nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì. Điều đáng mừng là phong trào sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngày càng lan rộng, điều đó cho thấy con đường làm nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm đã không còn đơn độc.

Chính nhờ sự thay đổi về nhận thức, nhờ các mô hình chăn nuôi và trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ do Tập đoàn Quế Lâm triển khai đã mang lại đa hiệu quả. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Tập đoàn Quế Lâm trên diện tích gần 60.000ha các loại cây trồng, năm 2019 có 39 tỉnh trên diện tích hơn 73.000ha thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000ha. Đây là những kết quả rất đáng trân trọng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Có 5 hiệu quả rõ rệt mà những người nông dân tham gia liên kết với Tập đoàn Quế Lâm nhận thấy. Đó là mỗi người tham gia thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hữu cơ theo quy trình của Tập đoàn Quế Lâm đã chủ động cả đầu vào và nắm rất rõ đầu ra, tất cả đều cảm nhận được một khi đã đồng hành với Tập đoàn Quế Lâm thì sẽ thu được tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng sản phẩm cao, ổn định. Hoạt động sản xuất bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên tối đa, nâng cao độ phì của đất và hệ sinh thái. Được tham gia vào chuỗi sản xuất với công nghệ áp dụng tiên tiến nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

“Hiệu quả thấy rõ nhất đó là chênh lệch giá bán của sản phẩm giữa sản xuất bình thường và sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ luôn chênh nhau từ 7 - 10% (cây công nghiệp), từ 10 - 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa). Còn về chăn nuôi hữu cơ luôn bán giá cao hơn từ 15 - 20%”, ông Vĩnh khẳng định.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm