Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) là Tổ chức thực hiện Hệ thống chứng chỉ rừng Quốc gia (VFCS) theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia được Tổ chức Chứng nhận rừng quốc tế (PEFC) công nhận vào tháng 10/2020.
Mục tiêu của VFCO là thúc đẩy quản lý rừng bền vững, đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường về quản lý rừng gắn với các yêu cầu về bảo vệ môi trường, chống suy thoái đất, đa dạng sinh học, giảm nhẹ và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2020), VFCO đã phối hợp chặt chẽ với PEFC và các bên liên quan để thúc đẩy quản lý rừng bền vững, đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp ở Việt Nam và đã đạt được các kết quả đáng ghi nhận.
Trước hết là đã hoàn thiện các cơ sở pháp lý cho vận hành VFCS và VFCO; tổng diện tích rừng đạt chứng nhận quản lý rừng bền vững là 120.000 ha, chiếm 35% tổng diện tích rừng được chứng nhận và 50 chứng chỉ PEFC CoC.
Đã xây dựng 10 tiêu chuẩn và hướng dẫn về thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; cập nhật 6 tiêu chuẩn; chuyển ngữ và áp dụng các tiêu chuẩn của PEFC về chuỗi hành trình sản phẩm, bao gồm các tiêu chuẩn và hướng dẫn cập nhật của PEFC.
Đã xây dựng các hướng dẫn về thực hiện trách nhiệm giải trình (DDS), tiêu chuẩn ISO/IEC 17021-1:2015 cho công nhận Tổ chức chứng nhận theo VFCS và các hướng dẫn về sản xuất cây giống lâm nghiệp, kỹ thuật lâm sinh rừng trồng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan, sử dụng hóa chất và quản lý chất thải, kỹ thuật khai thác tác động thấp, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo nhóm, điều tra rừng và đánh giá đa dạng sinh học …
Đào tạo 150 lượt người về tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và 47 người về chuỗi hành trình sản phẩm cho các tổ chức chứng nhận và bên liên quan; tổ chức và tham gia quảng bá tại 20 hội thảo, hội nghị; phát hành các tài liệu truyền thông về VFCS và PEFC …
Trong thời gian tới, VFCO, các đối tác và các bên liên quan sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tăng cường tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế, hướng tới hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, góp phần đóng góp hiệu quả vào mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.