| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương đầu tư cho 'tai mắt' của ngành thủy sản

Thứ Sáu 18/05/2018 , 08:01 (GMT+7)

Được đánh giá như “tai mắt” của ngành thủy sản, việc khẩn trương tăng cường đầu tư các hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thậm chí mang tính quyết định để Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra phán quyết có lợi nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.

Thiết bị quan trọng giúp EU gỡ “thẻ vàng”

Từ năm 2012, với sự đồng ý của Chính phủ, dự án Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh Movimar đã được Bộ NN-PTNT triển khai. Đây là hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá bằng công nghệ kết nối vệ tinh, với nhiều ứng dụng, trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, hành trình tàu cá hoạt động trên biển. Việc Việt Nam sớm trang bị thiết bị Movimar cho tàu cá có thể xem là đi tắt đón đầu, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EU cho thủy sản Việt Nam.

16-17-56_dscf5613
16-17-56_dscf5603
Trung tâm điều khiển thông tin của hệ thống Movimar tại Cục Kiểm ngư (Ảnh: Trần Long)

Cụ thể, trong số các khuyến nghị của chính EU về chống đánh bắt IUU, có quy định rất quan trọng đó là bắt buộc các tàu cá đánh bắt xa bờ (nhất là tàu cá trên 20m) phải lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá. Với các tính năng của mình, hệ thống Movimar hiện nay là hệ thống duy nhất của ngành thủy sản đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của EU trong giám sát hành trình tàu cá nhằm chống các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, cơ quan quản lí có thể chủ động kiểm tra và giám sát được đối với từng tàu cá có lắp thiết bị, đồng thời quản lí và cập nhật được nhật trình khai thác của các tàu thông qua nhật ký khai thác điện tử được tích hợp vào bộ thiết bị Movimar. Qua đó cho phép truy xuất được một cách chi tiết, rõ ràng nhất về nguồn gốc các loài thủy sản được đánh bắt.

Theo Tổng cục Thủy sản, ngoài hệ thống Movimar, từ năm 2016 đến nay, một dự án trang bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác là thiết bị VX-1700 có tính năng tương tự như Movimar cũng đã được triển khai lắp đặt cho 10.644 tàu cá trên cả nước. Như vậy, đã có tổng số 13.644 tàu cá đánh bắt xa bờ trên cả nước được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình khai thác theo khuyến nghị của EU.

Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước đã có 3.000 tàu cá được lắp đặt thiết bị Movimar đầu cuối trên phạm vi 28 tỉnh ven biển, là công nghệ hiện đại nhất thế giới về giám sát tàu cá và hải dương. Trong khu vực Đông Nam Á hiện chỉ có 2 quốc gia là Việt Nam và Indonesia đang sở hữu công nghệ Movimar.

Mặc dù vậy theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, hiện cả nước có tổng số tàu cá khai thác xa bờ lên tới trên 30 nghìn tàu. Vì vậy thời gian qua, Tổng cục Thủy sản đã hướng dẫn cho các địa phương rà soát, lắp đặt và tăng cường công tác quản lí đối với thiết bị Movimar. Theo đó, thiết bị Movimar đã được thu hồi và điều chuyển sang các tàu cá đánh bắt xa bờ thực sự có nhu cầu.

Đặc biệt, thiết bị phải được lắp đặt theo từng tổ đội khai thác xa bờ. Theo đó, hiện 3.000 thiết bị Movimar và đã được lắp đặt cho 3.000 tổ đội (mỗi tổ đội từ 7 - 10 tàu). Hiện cả nước có khoảng 6.000 tổ đội khai thác, như vậy cùng với trên 10 nghìn thiết bị VX-1700 mới được đầu tư, thì cơ bản các tổ đội khai thác và số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ trên cả nước đã cơ bản được trang bị hệ thống giám sát hành trình đánh bắt. Đây là điều kiện và là cơ sở hết sức quan trọng nhằm có những căn cứ thuyết phục để EU có những đánh giá tích cực đối với hoạt động triển khai chống đánh bắt IUU.
 

Lo ngại ý thức sử dụng của ngư dân

Ngoài tính năng giám sát hành trình tàu cá, hệ thống công nghệ Movimar cũng có thể thu thập các dữ liệu về khí tượng, đưa ra các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các sự cố thiên tai về mưa bão trên biển để ngư dân chủ động phòng tránh. Phần mềm của Movimar còn thu thập các dữ liệu về hải dương học hàng ngày như nhiệt độ nước biển, độ muối, độ cao mực nước biển, các phù du, hình ảnh dòng hải lưu... Đây là những cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để cơ quan quản lí nhà nước đưa ra các cảnh báo, dự báo về ngư trường, giám sát tình hình môi trường biển...

16-17-56_1_257483
Đã có tình trạng ngư dân thiếu ý thức, “xếp xó” thiết bị Movimar (Ảnh: Trần Long)

Trong sự cố môi trường biển miền Trung năm 2016, Movimar là hệ thống có vai trò rất quan trọng trong việc thu thập và cung cấp các dữ liệu hải dương học, đưa ra các đánh giá, mô phỏng về lan truyền ô nhiễm cũng như thay đổi diễn biến điều kiện môi trường tại 4 tỉnh miền Trung... Đây là những lợi ích vô cùng lớn không chỉ cho ngành thủy sản, mà còn là công cụ hết sức quan trọng trong việc phục vụ cho công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, an ninh quốc phòng...

Mặc dù vậy, hoạt động của hệ thống Movimar thời gian qua cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt là ý thức trong việc quản lí, sử dụng thiết bị này của ngư dân. Theo đó, nhiều chủ tàu cá cho rằng khi bật thiết bị Movimar, sẽ bị lộ ngư trường khai thác nên nhiều chủ tàu không muốn sử dụng, có tình trạng không muốn sử dụng, thậm chí có lắp đặt nhưng không sử dụng. Trên thực tế, mặc dù Movimar là thiết bị mang lại rất nhiều ý nghĩa trong công tác quản lí, điều hành cho cơ quan chức năng, tuy nhiên, lợi ích trực tiếp mang lại cho ngư dân hiện nay lại chưa nhiều nên đã có tình trạng ngư dân không bật thiết bị hoặc tháo thiết bị khỏi tàu...

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Trong Luật Thủy sản (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019), đã có quy định bắt buộc các tàu cá có chiều dài trên 15m phải có lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình. Hiện tại, trong khi Luật Thủy sản chưa có hiệu lực, để khẩn trương khắc phục “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam, theo chỉ đạo của Chính phủ, cũng đã có quy định bắt buộc các tàu cá phải lắp đặt và bật thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, các địa phương bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân thấy được lợi ích, ý nghĩa của thiết bị này, còn phải kiểm tra kỹ tình hình sử dụng thiết bị giám sát của các tàu, có hình thức xử lí nghiêm đối với các tàu có cố tình không bật thiết bị giám sát.

Bên cạnh đó, hiện Bộ NN-PTNT cũng đang giao đơn vị cung ứng thiết bị Movimar rà soát, tăng cường bảo dưỡng, sửa chữa cho các thiết bị Movimar gặp trục trặc. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, bổ sung thêm các tính năng mới cho thiết bị này, ví dụ như cung cấp thêm các bản tin dự báo ngư trường; bổ sung khả năng đàm thoại cho thiết bị... để ngư dân có thêm các lợi ích thiết thực hơn nữa và có ý thức sử dụng, bảo quản.

Cần thêm kinh phí để triển khai Movimar

Một trong những khó khăn nhất trong việc duy trì hoạt động của hệ thống Movimar hiện nay, đó là chi phí sử dụng dịch vụ còn khá cao (trung bình 9,2 triệu đồng/thiết bị/năm).

Trong giai đoạn từ năm 2017 trở về trước, tổng nguồn kinh phí để duy trì cho 3.000 thiết bị đầu cuối cùng hệ thống trạm giám sát bờ của hệ thống này lên tới trên 100 tỉ đồng (trung bình gần 40 tỉ đồng/năm) và hoàn toàn được lấy từ nguồn kinh phí nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, trong bối cảnh yêu cầu lắp đặt hệ thống giám sát tàu cá ngày càng phải tăng lên, kinh phí duy trì hoạt động sẽ rất khó khăn.

Tại hội nghị tổng kết triển khai dự án Movimar diễn ra ngày 15/5, không chỉ Bộ NN-PTNT mà đại diện nhiều bộ ngành khác như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ đội Biên phòng... đều thống nhất ủng hộ việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa chương trình trang bị thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá bởi đây là chương trình mang rất nhiều ý nghĩa cả về kinh tế và an ninh quốc phòng. Vì vậy trong bối cảnh đời sống ngư dân còn nhiều khó khăn, nhà nước cần nhanh chóng có cơ chế đặc biệt để bổ sung nguồn kinh phí nhằm nhanh chóng triển khai chương trình này càng sớm càng tốt.

QUỲNH TRANG

 

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm