| Hotline: 0983.970.780

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Thứ Hai 23/09/2024 , 18:33 (GMT+7)

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.

Lãnh đạo Cục Thủy sản trao tặng kinh phí hỗ trợ đến các cá nhân gặp biến cố trong đợt thiên tai vừa rồi. Ảnh: Việt Khánh.

Lãnh đạo Cục Thủy sản trao tặng kinh phí hỗ trợ đến các cá nhân gặp biến cố trong đợt thiên tai vừa rồi. Ảnh: Việt Khánh.

Ngày 23/9, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cùng Đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên và trao tặng kinh phí hỗ trợ cho những hộ gia đình, cá nhân tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An gặp nạn trên biển.

Qua nắm bắt của Báo Nông nghiệp Việt Nam, vừa qua thiên tai xuất hiện dồn dập gây ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng, riêng lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại vô cùng lớn. Thuộc lĩnh vực đặc thù, ngành nghề thủy sản cả nước “thấm” hơn cả.

Nghệ An với đội ngũ tàu thuyền hùng hậu cùng mặt biển trải rộng gánh chịu muôn vàn áp lực, với những ngư dân trực tiếp xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, chưa bao giờ họ thấy bất an như vậy.

Tàu 67 trị giá 10 tỷ đồng của anh Trần Văn Chính bốc cháy giữa biển khơi. Ảnh: Người dân cung cấp.

Tàu 67 trị giá 10 tỷ đồng của anh Trần Văn Chính bốc cháy giữa biển khơi. Ảnh: Người dân cung cấp.

Ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Quỳnh Long thừa nhận thực trạng buồn: “Giá cả bất bênh, ngư trường cạn hẹp, cộng thêm thẻ phạt của EC treo lơ lửng trên đầu khiến ngành nghề thủy sản điêu đứng thực sự. Tình hình sản xuất, kinh doanh không thuận lợi khiến nghề biển thiếu hụt nhân lực trầm trọng, nhận thấy tình hình không thuận nhiều người đã chủ động chuyển hướng, những hộ gắng gượng cầm cự thì đối mặt với muôn vàn rủi ro, đơn cử như trường hợp của gia đình anh Trần Văn Chính, trú thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long”.

Anh Chính là chủ tàu mang số hiệu NA 99977 TS được đóng mới theo Nghị định 67/NĐ-CP với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng, sau 7 năm đi vào hoạt động vẫn đang thiếu nợ ngân hàng khoảng 2,5 tỷ đồng. Áp lực đè nặng buộc vợ chồng anh Chính phải nỗ lực 200%, quyết tâm xóa nợ trong thời gian sớm nhất. Có điều ông trời khéo trêu lòng người, giữa bộn bề gian khó vẫn kịp “giáng” thêm một đòn chí tử.

Tâm trạng âu lo hiện rõ trên mặt của ngư dân. Ảnh: Việt Khánh.

Tâm trạng âu lo hiện rõ trên mặt của ngư dân. Ảnh: Việt Khánh.

“Vụ việc diễn ra lúc 3h sáng ngày 9/9/2024 tại địa điểm giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, cách đất liền khoảng 70 km. Lúc này trên tàu có 12 thuyền viên, mọi người đang say giấc thì bất chợt bị đánh thức bởi sự cố chập điện nghiêm trọng, dù đã khẩn trương ứng phó nhưng lực bất tòng tâm. Không cứu được tàu, tất cả đành nhảy xuống biển để thoát thân, may thay không có thương vong về người”, ông Chắt thông tin thêm.

Trên mặt vẫn hằn rõ nỗi ưu tư, chủ tàu Trần Văn Chính bộc bạch: “Với ngư dân chúng tôi vươn khơi bám biển là lẽ sống, cơm ăn áo mặc cũng từ đó mà ra, bởi thế khi đối diện với tình cảnh này thật khó nuốt trôi. Dù thất vọng não nề nhưng xác định còn người là còn của, mong rằng với sự đồng hành của chính quyền các cấp cùng các Bộ, ngành liên quan, những khó khăn sẽ sớm được đẩy lùi. Gánh nặng kinh tế trước mắt rất lớn, mong cơ quan bảo hiểm thấu hiểu, sẻ chia với ngư dân lúc này”.  

Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ tâm tư với ngư dân xã Quỳnh Long. Ảnh: Việt Khánh.

Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ tâm tư với ngư dân xã Quỳnh Long. Ảnh: Việt Khánh.

Hiểu rõ tình hình của ngành nghề thủy sản cả nước, Cục trưởng Trần Đình Luân chia sẻ một số mẩu chuyện, tình tiết cho thấy thiên tai xoay chuyển quá nhanh. Ấy là khi lãnh đạo một hợp tác xã ở khu vực phía Bắc trao đổi hồ hởi tình hình sản xuất kinh doanh chừng 1 tháng trước, để rồi mọi thứ tan biển như bọt biển sau đó không lâu. Hay như mưa bão làm hư hỏng hơn 3.000 bóng đèn chiếu sáng được trang bị cho đội phương tiện đánh bắt tại Hải Phòng, phút chốc đẩy người đi biển vào thế khó.

“Trước tình hình trên, chúng tôi đã kết nối, vận động các đơn vị cung ứng vật tư áp dụng chính sách giá phù hợp nhằm hỗ trợ tối đa cho ngư dân. Về sự cố cháy, chìm tàu của người dân xã Quỳnh Long, Cục Thủy sản, Công đoàn ngành và các cơ quan liên quan rất thấu hiểu và sẻ chia, mong rằng tất cả đều vững tâm “ngã ở đâu đứng dậy ở đó”, tin tưởng bà con sẽ tiếp tục vươn khơi ổn định sản xuất, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

Xem thêm
Nuôi tôm công nghệ Semi-Biofloc hết lo lỗ, lợi nhuận tăng

Trong lộ trình chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Bình Ðịnh ưu tiên chuyển đổi phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao…

Chỉ rõ những bất cập trong công tác chống khai thác IUU tại Thừa Thiên - Huế

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế phải nhìn thẳng sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại trong thực hiện công tác chống khai thác IUU để tập trung khắc phục. 

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính minh bạch của sản phẩm thủy sản

84,6% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Con số này vượt xa mức trung bình toàn cầu là 71%.