| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Thứ Sáu 04/10/2024 , 09:00 (GMT+7)

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…

Ông Trương Quang An, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay, đã qua gần 6 tháng sau sự cố mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (GSHT) của tàu cá ngư dân khi vươn khơi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của tỉnh vẫn chậm trễ việc hỗ trợ bà con để chứng minh chuyến đi an toàn và chấp hành các quy định của pháp luật.

“Chính vì vậy mà bà con đã nhiều lần, đông người kéo đến các cơ quan để yêu cầu giải quyết. Chính quyền địa phương đã động viên, thuyết phục bà con cố gắng chờ đợi, không nên nôn nóng và không được có hành vi thiếu kiềm chế”, ông An nói thêm.

Đại diện cho bà con ngư dân nêu nguyện vọng tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng. Ảnh: T. Đức.

Đại diện cho bà con ngư dân nêu nguyện vọng tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng. Ảnh: T. Đức.

Hàng trăm lá đơn gửi các cơ quan chức năng…

Theo Trung tâm Kinh doanh VNPT - Quảng Bình (VNPT Quảng Bình), là đơn vị đại diện cho Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone (VinaPhone), cung cấp dịch vụ giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đã cung cấp dịch vụ cho 794 tàu. VNPT Vinaphone triển khai ký hợp đồng cung cấp thông qua mạng viễn thông di động vệ tinh, sử dụng hệ thống vệ tinh Thuraya 3 (T3) của đối tác Thuraya Telecommunications và thiết bị do Công ty Cổ phần VTC cung cấp.

Sự cố xảy ra ngày 15/4/2024, đã ảnh hưởng đến toàn bộ tàu cá bị mất kết nối (bao gồm cả tàu ngoài khơi và nằm bờ). Quá trình khôi phục đến nay vẫn chưa được hoàn toàn 100%, tính đến tháng 8/2024, đã có 4.352 lượt tàu cá đi biển bị mất kết nối quá 6 giờ.

Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc VNPT Quảng Bình nhìn nhận, sự cố này gây ra những khó khăn và thiệt hại cho ngư dân Quảng Bình. Mất kết nối VMS khiến tàu cá không thể phát tín hiệu cấp cứu, không có được tọa độ cho bộ phận ứng cứu... khi tàu gặp sự cố trên biển, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của ngư dân. Mặt khác, ngư dân không thể xuất bến, không dám xuất bến do không đảm bảo quy định về giám sát hành trình trước và trong chuyến biển theo yêu cầu của các cơ quan quản lý.

Các tàu cá đang hoạt động trên biển gặp khó khăn trong việc định vị, dẫn đường, liên lạc, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác.

Sau hơn 5 tháng thiết bị giám sát hành trình (GSHT), trên tàu cá bị mất kết nối đã gây cho ngư dân nhiều khó khăn khi vươn khơi bám biển và làm các thủ tục để chứng minh chuyến biển không vi phạm với cơ quan chức năng và làm thủ tục trợ cấp chế độ.

Bà Nguyễn Thị Quý, đại diện cho một số bà con ngư dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), cho hay: “Sau mỗi chuyến đi biển là bà con phải làm tờ trình lên xã xác nhận, vào VNPT Quảng Bình xin xác nhận dữ liệu hành trình và gặp Chi cục Thủy sản để xin nộp hồ sơ làm thủ tục. Tuy nhiên, không có cấp nào chịu tránh nhiệm hỗ trợ thủ tục cho bà con. Có tàu đã đi 3 chuyến biển mà vẫn không thể xác nhận được. Bà con không thể neo tàu nằm bờ để chờ. Mà đi biển thì như ngồi trên than cháy đỏ”.

Bà con ngư dân đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình để đề nghị hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý. Ảnh: T. Đức.

Bà con ngư dân đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình để đề nghị hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý. Ảnh: T. Đức.

Cũng theo VNPT Quảng Bình, từ 15/4/2024 đến nay, đơn vị này đã tiếp xúc gần 10 lượt đoàn ngư dân (một đoàn từ 25 – 30 người), đến trụ sở để hỏi về việc thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân và đảm bảo điều kiện không xử lý vi phạm hành chính.

Bà con ngư dân các xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch)… đã gửi hàng trăm lá đơn và nhiều lần đến các cơ quan chức năng…để xin được xem xét, hỗ trợ thủ tục. Tuy nhiên, bà con cũng chỉ biết chờ đợi mà chưa được cơ quan nào hứa hẹn câu trả lời để yên tâm.

Ngư dân đợi đến bao giờ…

Theo VNPT Quảng Bình, việc sự cố mất kết nối thiết bị GSHT của tàu cá được chia làm các giai đoạn. Giai đoạn thứ 1 là từ ngày xảy ra sự cố (15/4 đến ngày 27/4), nên xem là bất khả kháng vì là do trên hệ thống máy chủ của đơn vị cung cấp dịch vụ không có dữ liệu. Giai đoạn từ 28/4/2024 đến nay chỉ có dữ liệu do các thiết bị khác hỗ trợ trên tàu cá và những tàu không có dữ liệu.

Để có cơ sở cho cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình xác định tàu cá có đủ điều kiện được hỗ trợ chính sách và không xem xét xử phạt hành chính, Chi cục Thủy sản Quảng Bình đã đề nghị được lấy thông tin dữ liệu tại Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT).

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình nhìn nhận: “Trường hợp bà con ngư dân có xác nhận từ VNPT Quảng Bình cũng không thể làm căn cứ vì theo quy định dữ liệu phải được cung cấp từ cổng thông tin của Cục Thủy sản”.

Để hỗ trợ bà con ngư dân, VNPT Quảng Bình đã đề xuất đồng ý cho đồng bộ dữ liệu GSHT tàu cá bị mất kết nối do sự cố vệ tinh Thuraya 3 từ ngày 15/4/2024 đến nay.

VNPT Quảng Bình đã đề nghị (có danh sách tàu cá mất kết nối do lỗi vệ tinh Thuraya 3), lên hệ thống giám sát tàu cá của Cục Thủy sản.

“Đối với những tàu chưa được cập nhật Thuraya 3, nhưng lại có chuyến biển nằm trong khoảng thời gian bị sự cố vệ tinh, đề xuất Cục Thủy sản chấp nhận việc xác nhận của VNPT về sự cố vệ tinh làm căn cứ để thực hiện các hoạt động xác minh, xử lý và các chính sách hỗ trợ cho tàu cá”- ông Nguyễn Văn Chương cho hay.

Ngư dân Quảng Bình mong được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để an tâm khi vươn khơi. Ảnh: T. Đức.

Ngư dân Quảng Bình mong được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để an tâm khi vươn khơi. Ảnh: T. Đức.

Trong cuộc đối thoại gần đây nhất giữa các bên liên quan như đại diện Cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Bình, VNPT Quảng Bình, chính quyền các xã và đại diện bà con ngư dân, nhiều ý kiến được nêu lên nhằm có phương án sớm nhất hỗ trợ cho ngư dân đang “mắc kẹt” trọng sự cố mất kết nối. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng đã chia sẻ với bà con ngư dân là đã để thời gian kéo dài. “Khi có dữ liệu, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để có kết quả nhanh nhất cho bà con”- ông Lê Ngọc Linh nói.

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Cục Thủy sản cũng cho rằng, phía bên cung cấp dịch vụ VinaPhone cần nhanh chóng có văn bản cụ thể, trực tiếp làm việc với Cục để thống nhất hướng xử lý về dữ liệu, hỗ trợ bà con ngư dân trong việc tính hợp pháp và bất hợp pháp trong những chuyến đi biển. Qua đó, làm cơ sở dữ liệu để Chi cục Thủy sản Quảng Bình căn cứ tiếp nhận hồ sơ, xử lý cho bà con ngư dân.

 Trước thông tin này, ông Hoàng Quảng, ngư dân xã Đức Trạch bày tỏ là cũng chưa có câu trả lời thật xác đáng cho bà con ngư dân yên lòng.

“Nhưng dù sao đó cũng là những tín hiệu mừng cho ngư dân. Chỉ mong sao giữa hai bên cung cấp dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước sớm có buổi làm việc có kết quả để triển khai sớm cho bà con được nhờ. Để mỗi chuyến đi biển bà con cũng yên lòng”, ông Quảng nói lên nguyện vọng.

Xem thêm
Thái Nguyên: Hệ thống ao hồ nuôi thủy sản khôi phục an toàn sau mưa lũ

Đến nay, hệ thống ao hồ nuôi thủy sản tại Thái Nguyên đã được khôi phục an toàn sau mưa lũ và không ghi nhận xuất hiện dịch bệnh sau thiên tai.

Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.