| Hotline: 0983.970.780

Trên 80% tổng đàn vật nuôi Vĩnh Phúc được tiêm đầy đủ vacxin

Chủ Nhật 30/06/2024 , 15:22 (GMT+7)

Với việc triển khai công tác tiêm phòng chủ động, bài bản, trên 80% tổng đàn vật nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc đã được tiêm phòng các loại vacxin trong đợt 1/2024.

Dịch bệnh nguy hiểm được không chế

Những năm qua, ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán vẫn chiếm tỷ lệ cao; cơ sở vật chất, trình độ kỹ thuật chăn nuôi nông hộ còn nhiều hạn chế; yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm của thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc lưu thông, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được mở rộng, làm tăng nguy cơ lây lan, bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng (LMLM), tụ huyết trùng, dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm…

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến hiện tại công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1/2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành, đạt kế hoạch đề ra. Ảnh: Trung Quân.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến hiện tại công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1/2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành, đạt kế hoạch đề ra. Ảnh: Trung Quân.

Trước thực tế đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã tham mưu Sở NN-PTNT, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển chăn nuôi bền vững. Trong đó, công tác tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi được ưu tiên hàng đầu và được xem là chìa khóa để kiểm soát, quản lý dịch bệnh hiệu quả, tạo không gian thuận lợi để người dân từng bước mở rộng quy mô, gia tăng giá trị sản xuất.

Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch tiêm phòng vacxin cho đàn gia súc, gia cầm và khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi trong năm. Theo đó, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương tổ chức 2 đợt tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm và phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (đợt 1 từ tháng 4 đến tháng 5; đợt 2 từ tháng 10 đến tháng 11). Ngoài ra, thực hiện tiêm phòng bổ sung các tháng còn lại trong năm cho đàn gia súc, gia cầm mới nuôi chưa được tiêm phòng vào các đợt chính trong năm; tiêm bao vây các ổ dịch nhỏ xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu đặt ra là công tác tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên. Trong đó, đàn trâu, bò tiêm phòng bệnh LMLM, tụ huyết trùng. Đàn lợn nái, lợn đực giống tiêm phòng bệnh LMLM, dịch tả lợn, tai xanh. Đàn gia cầm tiêm phòng bệnh cúm gia cầm đối với gà, vịt, ngan và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn vật nuôi không thuộc đối tượng hỗ trợ của tỉnh.

Công tác tiêm phòng đợt 1 năm nay đối diện với nhiều khó khăn. Thời gian tiêm phòng muộn hơn so với mọi năm do tác động của những yếu tố khách quan. Thời điểm tiêm rơi vào giai đoạn nắng nóng, trùng với lịch thu hoạch vụ mùa. Một số xã miền núi người dân vẫn giữ thói quen thả rông trâu, bò. Một số ít hộ nhận thức chưa đầy đủ nên lo sợ việc tiêm vacxin ảnh hưởng tới kinh tế, vật nuôi, lấy lý do vật nuôi đang trong kỳ sinh sản hoặc ốm để trốn tránh việc tiêm phòng. Lực lượng cán bộ thú y cơ sở chuyển về cho cấp xã quản lý, kiêm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác…

Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh tới các thôn, xóm nên công tác tiêm phòng vẫn đạt mục tiêu đã đặt ra. Nhờ đó, về cơ bản các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được khống chế, một số ổ dịch nhỏ kịp thời được phát hiện, xử lý, không để lây lan trên diện rộng.

Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: CCCNTY.

Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo. Ảnh: CCCNTY.

Đặc biệt, năm nay bệnh dại bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, Vĩnh Phúc đã có 1 trường hợp người chết tại huyện Lập Thạch do bệnh này. Do đó, tỉnh đã chỉ đạo ngành chăn nuôi, thú y không được chủ quan, lơ là, xây dựng kế hoạch tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo từ sớm, đảm bảo mỗi năm 1 lần/con và mũi tiêm sau cách mũi tiêm trước khoảng 11 - 12 tháng (do vacxin có thời gian bảo hộ 1 năm).

Đồng thời tổ chức lấy mẫu giám sát, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cấp phát tài liệu hướng dẫn tới tận tay người dân. Tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ vacxin dại tiêm phòng cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh (những năm trước vacxin này không được hỗ trợ). Đây là việc làm thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong việc kiểm soát bệnh dại.

Cán bộ thú y đi từng ngõ, gõ từng nhà

Vĩnh Tường là huyện chăn nuôi trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc với tổng đàn trâu hơn 1.400 con, lợn hơn 53.000 con, bò sữa hơn 15.000 con, bò thịt gần 10.000 con, gia cầm hơn 1,5 triệu con… Với tổng đàn lớn, địa bàn rộng nên công tác tiêm phòng hàng năm diễn ra rất vất vả.

Chị Lê Thị Thu Huyền, cán bộ phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Tường chia sẻ: Bên cạnh những thuận lợi là hầu hết các hộ chăn nuôi ý thức được giá trị của đàn vật nuôi mang lại nên đã chủ động tìm hiểu kiến thức, xây dựng phương án bảo vệ, tích cực tham gia các đợt tiêm phòng; UBND các xã huy động thêm nhân lực có chuyên môn là chủ các cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, nhân viên thú y tự do để cùng cán bộ thú y xã triển khai tiêm phòng nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn thì vẫn còn một bộ phận nhỏ các hộ không mặn mà hưởng ứng. Nguyên nhân cơ bản là các hộ chăn nuôi số lượng ít nên xuề xòa, duy ý chí, tin tưởng vào việc chăm sóc của mình đã hoàn hảo, không thể xảy ra bệnh dịch nên tránh né việc tiêm phòng.

Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh từng năm, tỉnh đưa ra những hỗ trợ miễn phí các loại vacxin tiêm phòng, dẫn tới nhiều hộ hình thành suy nghĩ trông chờ, ỉ lại, thiếu tính chủ động trong phòng, chống dịch bệnh. Thậm chí, có loại vacxin năm trước được hỗ trợ miễn phí, năm sau không được, khi có thông báo nhiều người còn hoài nghi cán bộ thú y thu lợi bất chính nên không chịu hợp tác…

Công tác tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong năm nay được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Công tác tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong năm nay được đặc biệt quan tâm. Ảnh: Trung Quân.

Mặc dù các quy định xử phạt với các trường hợp không chấp hành đã có, nhưng việc áp dụng rất khó khăn do những yếu tố khách quan từ văn hóa làng xã, hoàn cảnh đặc thù của một số hộ nên cán bộ thú y vừa phải triển khai tiêm phòng vừa phải phối hợp với chính quyền thôn kiên trì tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để các hộ tự giác chấp hành.

“Lực lượng cán bộ thú y áp dụng phương châm 'đến từng ngõ, gõ từng nhà' để vận động người dân tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình. Gia đình nào vì những lý do khác nhau lần đầu đến chưa tiêm được sẽ bố trí quay lại lần 2, thậm chí lần 3 để đảm bảo toàn bộ đàn vật nuôi được tiêm phòng đầy đủ. Bên cạnh đó, kiên trì giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu rõ về các loại vacxin, kỹ thuật rã đông vacxin, tiêm, biểu hiện vật nuôi khi tiêm để các hộ an tâm và tăng thêm kiến thức nhằm từng bước có thể chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi của mình (nhiều hộ nhập giống về nuôi không cùng với các đợt tiêm của tỉnh)”, chị Huyền cho hay.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.