| Hotline: 0983.970.780

Nhiều khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Thứ Sáu 28/06/2024 , 16:34 (GMT+7)

Tỉnh Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh do chăn nuôi nhỏ lẻ, việc kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập.

Chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm, ước tính số lượng đàn vật nuôi toàn tỉnh đạt khoảng 16.500.000 con (tăng khoảng 2.000.000 con so với năm 2023).

Cụ thể: đàn trâu, bò ước đạt 280 nghìn con; đàn lợn 1,1 triệu con; đàn gia cầm 15 triệu con; đàn dê 132 nghìn con. Sản lượng thịt hơi ước đạt 127 nghìn tấn (đạt 50,8% kế hoạch); Sản lượng trứng các loại ước đạt 186 triệu quả (đạt 50,3% kế hoạch).

Hiện nay, Đắk Lắk đang chuyển dịch dần từ sản xuất chăn nuôi nhỏ sang quy mô trang trại, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng chuỗi sản xuất khép kín được duy trì tương đối ổn định.

Đắk Lắk đang thu hút các nhà đầu tư lớn đến địa phương xây dựng trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk đang thu hút các nhà đầu tư lớn đến địa phương xây dựng trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Chăn nuôi quy mô trang trại ổn định góp phần giúp quy mô đàn vật nuôi của tỉnh Đắk Lắk được duy trì ổn định và có sự tăng trưởng tương đối tốt trong giai đoạn vừa qua.

Từ đó, chất lượng sản phẩm chăn nuôi ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và trong phạm vi cả nước. Sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng trứng và giá trị sản xuất chăn nuôi tăng trưởng khá.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đắk Lắk, tỷ trọng chăn nuôi theo quy mô trang trại được nâng cao, trong đó nhiều nhất là chăn nuôi lợn hướng thịt, lợn sinh sản; gà hướng thịt và gà hướng trứng.

Địa phương đã hình thành và phát triển các mô hình chăn nuôi theo hình thức Hợp tác xã (HTX dê Đắk Lắk) với quy mô chăn nuôi trang trại sản xuất dê hướng thịt và hướng sữa.

Đắk Lắk đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại. Ảnh: Quang Yên.

Với những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên phát triển chăn nuôi, tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ để khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng quy mô trang trại và quy trình chăn nuôi khép kín.

Đồng thời ưu tiên ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt, thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường, chuyển dịch giống vật nuôi theo hướng nhập ngoại các giống cao sản, năng suất cao. Khuyến khích, kêu gọi các nguồn lực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào phát.

Đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh

Từ đầu năm đến ngày 12/4, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại các huyện Krông Năng, Lắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Súp, Cư M’gar và Cư Kuin) làm chết và tiêu hủy 189 con với tổng khối lượng 6.335 kg.

Đối với bệnh dại, địa phương phát hiện và ghi nhận 12 con chó mắc bệnh tại 6 huyện và ghi nhận 5 người chết nghi do mắc bệnh dại. Nhận định tình hình bệnh dại trên đàn chó, mèo có thể tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người và an sinh cho xã hội.

Để phòng dịch, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêm phòng vacxin lở mồm long móng toàn tỉnh tiêm được 80.000 liều, đạt 100% kế hoạch. Đối với tiêm phòng vacxin dại chó, mèo năm 2024 toàn tỉnh tiêm phòng được 48.745 liều.

Cơ quan chức năng tổ chức tiêm vacxin lở mồm long móng trên bò tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Yên.

Cơ quan chức năng tổ chức tiêm vacxin lở mồm long móng trên bò tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, địa phương này gặp khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh do chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết mổ còn nhiều bất cập.

Mặt khác, thời tiết cực đoan làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi, dẫn đến nguy cơ phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm trên động vật như: Bệnh dại, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục...  trong thời gian tới.

Bộ máy tổ chức, biên chế của Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn mỏng, mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn áp lực công việc cao, chế độ phụ cấp hàng tháng thấp.

Nhiều địa phương chậm, chưa tổ chức triển khai đúng, đủ các quy định và các văn bản chỉ đạo. Hiện nay có nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm nhưng tỷ lệ tiêm phòng đạt rất thấp (dại chó chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn trong năm 2023).

Không quản lý được đàn chó, thống kê không chính xác số lượng đàn chó. Thông tin, tuyên truyền chưa có, rất yếu và thiếu; chưa thường xuyên, liên tục, chưa sát thực tế, chưa hiệu quả; chưa dễ hiểu, phù hợp với người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương sẽ là trung tâm chăn nuôi cả nước trong thời gian tới.

Hiện nay, Đắk Lắk đã có nhiều trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn, với tổng đàn hàng trăm nghìn con và đang chuyển từ quy mô nông hộ sang quy mô vừa và lớn, toàn tỉnh hiện có trên 510 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đắk Lắk phát triển chăn nuôi đi kèm với đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk phát triển chăn nuôi đi kèm với đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ảnh: Quang Yên.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hà, việc phát triển chăn nuôi thì vấn đề phóng chống dịch bệnh cần đặc biệt quan tâm. Hiện địa phương đang xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển trên địa bàn huyện Cư M’gar giai đoạn 2023-2030.

Đây là cơ sở để triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh thời gian tới để phục vụ xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, địa phương cũng đang xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại cấp xã, phường hoặc liên xã, phường trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột.

“Các cơ quan, địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân để phòng chống bệnh dại, dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng vì đây là những bệnh phổ biến, thường xuyên xuất hiện. Bên cạnh đó tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vật nuôi trên địa bàn còn thấp nên cần phải tăng tốc trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hà nhấn mạnh.

Xem thêm
Một con lợn 'giết mổ chui' chỉ cần một can nước là xong

Các cơ sở giết mổ động vật tập trung đang gặp rất nhiều khó khăn do tình trạng ‘giết mổ chui’ vẫn chưa được kiểm soát.

Các nhà máy sắn đang cạnh tranh... với chính mình

TÂY NINH Doanh nghiệp để nông dân tự trồng, đến vụ tranh nhau thu mua, tạo điều kiện để thương lái nhảy vào thao túng giá. Như vậy, các doanh nghiệp đang cạnh tranh với chính mình...

Bí thư xã đầu tư công nghệ, nâng tầm đặc sản nếp cái hoa vàng

HẢI PHÒNG Trăn trở với giống nếp cái hoa vàng của địa phương, gia đình ông Lương Thanh Sắc đã đầu tư công nghệ hiện đại để biến những hạt gạo thành sản phẩm có giá trị.

Bình luận mới nhất