| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương khắc phục ô nhiễm nước tưới

Thứ Năm 18/01/2018 , 07:20 (GMT+7)

Ngày 17/1, đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) kiểm tra một số điểm nóng về ô nhiễm nguồn nước tại các trạm bơm cấp nguồn phục vụ đổ ải vụ xuân trên địa bàn tỉnh Hà Nam và Hưng Yên.

Ngoài những tín hiệu tích cực, PV NNVN còn ghi nhận ý kiến lo ngại khi đợt xả nước tăng cường của các hồ thủy điện phía Bắc lần 1 (từ ngày 16 - 19/1 chuẩn bị kết thúc), nhưng các địa phương vẫn lo ngại chất lượng nước tưới, chưa dám bơm vào đồng ruộng.
 

“Kênh tuyết trắng” đã hết mùi tanh

Tại trạm bơm Chợ Lương (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, Hà Nam), ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam cho biết, trạm bơm này phục vụ tưới cho 1.500ha/vụ. Cách đây nửa tháng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối kèm theo những tảng bọt trắng xóa. Nhận được thông tin, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, đồng thời lệnh cho đơn vị ngừng bơm nước vào nội đồng.

13-18-22_20180117_090310
Nguồn nước tại trạm bơm Chợ Lương đã được cải thiện, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp

Ngày 16/1, tận dụng nguồn nước xả tăng cường từ các hồ thủy điện phía Bắc, Cty Khai thác công trình thủy lợi Hà Nam đã mở cống Tắc Giang để lấy nước ngược từ sông Hồng, đưa nước vào hệ thống để thau rửa toàn bộ. UBND tỉnh Hà Nam đã yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường lấy mẫu phân tích, giám sát chất lượng nước hàng ngày tại tất cả các bể hút trạm bơm.

Bà Lê Thị Hoài Liên, Trạm trưởng Trạm bơm Chợ Lương cho biết: Hiện nay chất lượng nước hoàn toàn tốt, đảm bảo để bà con đổ ải, gieo cấy. Trạm đang vận hành 5/6 tổ máy để bơm cấp nguồn cho cụm thủy nông sông Hồng (đang khó khăn về nguồn nước) thông qua hệ thống kênh Xi Phông và các xã lân cận. Khi các vùng trên đã đủ nước, trạm sẽ quay vòi trở ngược để phục vụ cụm.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nam, đến sáng 17/1, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 6.400ha trong tổng số 31.000ha gieo cấy đủ nước (đạt 20,61%).

Đi dọc các cánh đồng thuộc huyện Duy Tiên, chúng tôi nhận thấy diện tích có nước đạt tỷ lệ khá cao. Bà con tranh thủ ra đồng cày bừa. Bà Lê Thị Hằng, nông dân thôn Quan Nha, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên cho biết: "Mùng 10 tháng chạp (tức ngày 27/1), chúng tôi bắt đầu gieo mạ để chuẩn bị gieo cấy. Đến nay, nước trong hệ thống kênh mương đã sạch. Tôi lội xuống ruộng mấy ngày mà không bị ngứa chân".
 

Bắc Hưng Hải vẫn nan giải

Theo ông Đặng Duy Hiển, Chủ tịch HĐQT Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải: “Hiện chất lượng nước ở sông chính và các nhánh của hệ thống Bắc Hưng Hải đang ở trong tình trạng báo động. Ngày 16/1, tôi đã đi kiểm tra toàn hệ thống và thấy nước sông có mùi nặng nề, một số trạm không thể bơm được”.

13-18-22_20180117_093330
Một số cánh đồng đã đầy nước, nhưng người dân vẫn lo ngại chất lượng nước tưới

Nguyên nhân do thời điểm hiện tại, thủy triều đang dâng, mực nước biển cao. Mặc dù Cty đã mở tối đa cống Xuân Quan (lấy nước từ sông Hồng) và Cầu Cất (lấy nước từ sông Thái Bình) để thau rửa hệ thống nhưng vì nước sông Bắc Hưng Hải không thể tiêu thoát qua cống Cầu Xe - An Thổ nên dềnh lên cao, kéo theo rất nhiều bèo rác, nổi lềnh phềnh.

“Cháy nhà mới ra mặt chuột”. Một số doanh nghiệp lợi dụng nước sông dâng để té nước theo mưa. Họ nghĩ rằng hệ thống thủy lợi nhiều nước thì sẽ pha loãng nguồn ô nhiễm nên tăng cường xả thải mạnh hơn. Điều đó càng khiến chất lượng nước trở nên khó kiểm soát. Thậm chí có thời điểm, nước thối đã về đến trạm bơm Văn Giang”, ông Hiển nói.

Được biết, từ ngày 18/1, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Bộ Công an lập “ban chuyên án” đi kiểm tra đột xuất các đơn vị xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, yêu cầu các đơn vị không xả trộm nước vào ban đêm, hạn chế lưu lượng xả hoặc không xả trong đợt lấy nước.

Mặc dù đang trong cao điểm lấy nước đổ ải đợt 1, tuy nhiên nhiều địa phương trong hệ thống Bắc Hưng Hải như huyện Bình Giang (Hải Dương) và các huyện phía Nam tỉnh Hưng Yên đang ngần ngại, chưa lấy nước vào nội đồng bởi phát hiện nguồn nước không đảm bảo...

Theo ông Nguyễn Anh Tú, GĐ Cty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hưng Yên, từ ngày 15/1, nguồn nước sông Hồng tại cống Xuân Quan dâng cao nhưng do hệ thống ô nhiễm, bởi vậy nửa đợt xả nước đợt 1, Cty xác định lấy nước vào để thau rửa hệ thống...

13-18-22_20180117_092603
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi kiểm tra công tác lấy nước tại Hưng Yên và Hải Dương
“Chất lượng nước của hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm mạnh do tiếp nguồn từ sông Cầu Bây (Hà Nội). Chỉ cần 10 ngày không có nước lưu thông, nước sẽ không thể sử dụng để tưới cho cây trồng, đặc biệt là các huyện phía Bắc tỉnh Hưng Yên như Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ. Do đó, vấn đề đảm bảo nước tưới dưỡng sẽ rất khó khăn, khi các hồ thủy điện không tăng lưu lượng xả”, ông Tú chia sẻ.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm