| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương 'lấp đầy' điểm còn thiếu về chống khai thác IUU

Thứ Năm 06/01/2022 , 16:29 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Bình Định cần dốc lực chống khai thác IUU để lấp đầy những chỗ còn hổng trước khi đoàn công tác của EC sang kiểm tra tại Bình Định trong quý I/2022.

Ngày 6/1/2022, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với Bình Định về công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU).

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, toàn tỉnh hiện có 5.963 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên đăng ký khai thác với 41.934 lao động. Trong đó, tàu có chiều dài từ 6m đến dưới 12m có 1.588 tàu; tàu từ 12m đến dưới 15m có 1.123 tàu; tàu từ 15m trở lên có 3.252 tàu.

Tàu cá Bình Định chủ yếu khai thác các nghề chủ lực gồm: 2.322 chiếc làm nghề câu; 1.460 chiếc làm nghề lưới vây; 444 chiếc làm nghề lưới rê; 396 chiếc làm nghề lưới kéo và 1.341 chiếc làm một số nghề khác. Trong năm 2021, sản lượng khai thác thủy sản ở Bình Định đạt 258.136 tấn, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Những năm qua, Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác chống khai thác IUU với quyết tâm góp phần gỡ “thẻ vàng” thủy sản. UBND tỉnh Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành 53 văn bản chỉ đạo, trong đó có 1 Chỉ thị, 35 Quyết định và 17 văn bản.

Được xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và quan trọng trong phát triển thủy sản nên Bình Định đã tổ chức 15 cuộc họp để đánh giá, rút kinh nghiệm và có thông báo chỉ đạo cho các sở, ngành và chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục "thẻ vàng" của EC.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác IUU. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc với UBND tỉnh Bình Định về công tác chống khai thác IUU. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo đó, trong thời gian qua Bình Định đã làm tốt các công tác quản lý tàu cá; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS); theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá thông qua VMS; kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng bốc dỡ qua cảng; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác; thực thi pháp luật, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nhờ đó, từng bước ngư dân đã tuân thủ các quy định của Luật Thủy sản cũng như các giải pháp chống khai thác vi phạm IUU. Các chủ tàu, thuyền trưởng hiện đã tuân thủ nghiêm cẩn báo cáo trước 1 giờ khi tàu cập, rời cảng; ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản đúng quy định; tuân thủ sự điều động của ban quản lý các cảng cá.

Đặc biệt, nhờ đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 100% tàu cá theo quy định nên trong thời gian qua, Bình Định đã quản lý được nhóm tàu khai thác vùng khơi, số tàu của ngư dân đánh bắt vi phạm IUU thấp hơn so với các năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh trình này công tác chống khai thác IUU trong thời gian qua. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh trình này công tác chống khai thác IUU trong thời gian qua. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Từ tháng 2 đến tháng 5/2021, Bình Định có 16 tàu với 97 thuyền bị các nước trong khu vực bắt giữ, tăng 5 tàu so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021 đến nay, Bình Định không còn tàu cá bị nước ngoài bắt giữ.

Riêng trong năm 2021, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành 13 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ trong năm 2020 và 2021 với tổng số tiền 11,7 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến nay, Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 35 trường hợp, với tổng số tiền hơn 22,5 tỷ đồng. Đồng thời tịch thu, bán sung công quỹ nhà nước đối với 2 trường hợp tàu cá bị bắt và được thả về”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Năm mới nỗ lực mới

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, trong năm 2022, Bình Định sẽ quyết liệt thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến về chống khai thác vi phạm IUU nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đó, Bình Định sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nhằm đảm bảo 100% ngư dân trên địa bàn nắm bắt các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Vận động ngư dân cam kết không hoạt động khai thác thuỷ sản trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài, đặc biệt là đối với nhóm tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam hàng năm không đưa tàu về địa phương, bởi đây là nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) kiểm tra công tác kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) kiểm tra công tác kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa UBND tỉnh Bình Định với các tỉnh khu vực phía Nam, nơi thường xuyên có tàu cá Bình Định cập bến neo đậu để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác IUU”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.

Qua báo cáo của Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực của Bình Định trong công tác chống khai thác IUU. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Tiến, Bình Định vẫn còn nhiều điều cần khắc phục trong công tác phòng chống khai thác IUU.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt trên tàu cá cập cảng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhân viên Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định) thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt trên tàu cá cập cảng. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Tôi đề nghị Bình Định dốc lực hơn trong công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới để lấp đầy những chỗ còn hổng nhằm hoàn thiện hơn trước khi đoàn công tác của EC sang kiểm tra tại Bình Định trong quý I/2022, nhất là việc ngăn chặn triệt để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến giờ này, chúng ta không thể đổ thừa cho tàu cá Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài do nhiều năm liền những tàu này không về địa phương nên nằm ngoài kiểm soát của ngành chức năng Bình Định", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị.

"Tôi biểu dương việc Bình Định phối hợp với các tỉnh trong miền Nam về việc kiểm soát tàu cá Bình Định thường xuyên hoạt động tại ngư trường này. Bởi, để gỡ “thẻ vàng” thủy sản, điều tiên quyết chúng ta phải ngăn chặn được tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.