| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương thẩm định, phê duyệt, công bố Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia

Thứ Tư 13/09/2023 , 21:02 (GMT+7)

Cần có chương trình thiết thực về khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng đồng thời với việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và phát triển bền vững.

Cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra trong lõi rừng. Ảnh: Đinh Tùng.

Cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Cúc Phương tuần tra trong lõi rừng. Ảnh: Đinh Tùng.

Ngày 17/8, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng”.

Nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời Kết luận 61-KL/TW và tham vấn các ý kiến từ thực tiễn quá trình 6 năm thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW về chủ trương đẩy mạnh giao đất, giao rừng, quản lý rừng tự nhiên hiệu quả hơn.

Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Tài nguyên Vùng cao (CEGORN) tổ chức nghiên cứu, khảo sát thực tế tại 2 tỉnh Lào Cai và Đắk Lắk; tổ chức Hội thảo với đại diện nhiều cơ quan quản lý nhà nước, Hội nghề nghiệp, Tổ chức nghiên cứu, chủ rừng, nhà khoa học, chuyên gia có liên quan tại Đại học Thái Nguyên vào ngày 30/8/2023.

Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổng hợp, biên tập các ý kiến tham gia tại các địa phương khảo sát và tại Hội thảo nêu trên như sau:

Các cơ quan Nhà nước cần khẩn trương thẩm định, phê duyệt, công bố Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia đảm bảo tính thống nhất với quy hoạch sử dụng đất và Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch cấp tỉnh, cần xác định rõ không gian, quy mô diện tích đất có rừng và đất chưa có rừng, dành cho phát triển rừng bằng trồng mới hoặc tái sinh tự nhiên.

Bộ NN-PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ quy định thống nhất các tiêu chí về đất lâm nghiệp (đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) tại Luật Đất đai (sửa đổi) đồng bộ với Luật Lâm nghiệp bao gồm: đất đã có rừng, đất chưa có quy hoạch cho phát triển rừng để đảm bảo thực hiện nghị quyết của Đảng khoá XIII đưa độ che phủ rừng lên 43%.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là động lực đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là động lực đối với công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Chính phủ quan tâm sớm ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ, phát triển rừng bền vững trên cơ sở tổng kết thực tiễn thực hiện Nghị định 75/2015 của Chính phủ; Quyết định 38/2016 của Thủ tướng Chính phủ; các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan khác, đồng thời thể chế hoá bằng các cơ chế chính sách một cách đầy đủ, kịp thời các chủ trương tại Kết luận 61-KL/TW về mở rộng đối tượng giao đất giao rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, dân cư thôn; giải quyết vướng mắc hoạt động triển khai trên thực tiễn cơ chế đặt hàng công ích quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất thực hiện đóng cửa khai thác gỗ, nhưng không có nguồn thu khác từ diện tích rừng này.

Sửa đổi, bổ sung quy định tại Nghị định 156/2018 của Chính phủ về quỹ bảo vệ rừng và các quy định pháp luật về lượng hóa thương mại để cụ thể hoá chủ trương, vận hành thông suốt cơ chế hình thành thị trường tín chỉ hấp thụ khí nhà kính (cả thị trường tự nguyện và bắt buộc); tổng kết thực tiễn ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn và quản lý việc cải tạo rừng tự nhiên; phù hợp với xu hướng biến đổi truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc tế đối với khu vực Tây Nguyên, cần thiết có chương trình thiết thực về khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng đồng thời với việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp và phát triển bền vững.

Quan tâm chỉ đạo, khẩn trương thực hiện trên thực tế chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo đủ nguồn lực để thực hiện chương trình này.

Người dân ven rừng và lực lượng kiểm lâm của Vườn phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Người dân ven rừng và lực lượng kiểm lâm của Vườn phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng làm cho “rừng có chủ thực sự” tập trung lập hồ sơ địa chính, hồ sơ rừng để sớm hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các chủ rừng. Chú trọng giao đất, giao rừng theo Luật Lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gần rừng, trong rừng gắn với chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc, miền núi, xoá đói, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về địa vị pháp lý của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng với tư cách là chủ rừng.

Quản lý chặt chẽ rừng tự nhiên, đóng cửa khai thác gỗ, nhưng có sự linh hoạt trong sử dụng với các trạng thái rừng khác nhau, bảo đảm hài hoà với cam kết, thoả thuận quốc tế. Phục hồi, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng. Phát triển nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ theo hướng sản xuất hàng hoá. Hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp và các hoạt động gây mất và suy thoái rừng, nâng cao chất lượng rừng và quản lý bền vững tài nguyên rừng.

Ứng dụng khoa học và công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống điều tra, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng toàn quốc theo hướng hiện đại, hiệu quả, thống nhất. Triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất chương trình chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo trong ngành lâm nghiệp. Tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá tài nguyên rừng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và hệ thống thông tin địa lý, công nghệ thông tin trong quản lý lâm nghiệp; điều tra, đánh giá tài nguyên rừng quốc gia.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.