| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa: Người trồng mía lại lao đao

Thứ Năm 27/02/2020 , 10:20 (GMT+7)

Nắng hạn kéo dài khiến cây mía ở tỉnh Khánh Hòa sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thu hoạch giảm sâu. Nông dân đứng trước cảnh thêm một mùa mía đắng.

Nông dân Khánh Hòa bắt đầu thu hoạch mía, nhưng năng suất mía rất thấp. Ảnh: Kim Sơ.

Nông dân Khánh Hòa bắt đầu thu hoạch mía, nhưng năng suất mía rất thấp. Ảnh: Kim Sơ.

Những ngày này, nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bắt đầu bước vào mùa thu hoạch mía. Tuy nhiên nông dân kém vui vì năng suất mía giảm mạnh.

Tại vùng trồng mía xã Ninh Tân, TX Ninh Hòa, bà Hoàng Thị Hòa, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, năm nay diện tích mía toàn xã chỉ còn 500ha, giảm hơn nửa so với năm ngoái. Trong đó, nhà máy đường của Công ty CP Đường Việt Nam (Vietsugar) đăng ký đầu vụ với diện tích thu mua hơn 242ha, với tổng 9.223 tấn.

Đến ngày 18/2, nhà máy đã thu 2.265 tấn, với chữ đường bình quân 10,93 CCS và năng suất 25 - 27 tấn/ha.

Còn nhà máy đường của Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa đăng ký đầu vụ với diện tích thu mua 146ha. Đến nay đã thu hoạch hơn 100 tấn, với chữ đường hơn 10 CCS và năng suất bình quân khoảng 30 tấn/ha.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt – BVTV Khánh Hòa, niên vụ 2019 - 2020, diện tích mía toàn tỉnh 16.438ha, trong đó tập trung chủ yếu tại TX Ninh Hòa, Diên Khánh và Cam Lâm. Diện tích này giảm nhiều so với những năm gần đây do trồng không có hiệu quả kinh tế. Một phần cây mía bị ảnh hưởng hạn hán kéo dài. Một phần do giá mía liên tục giảm trong những năm từ 2017 - 2019.

Về giá mía, hiện 2 nhà máy đường đều thu mua 825 ngàn đồng/tấn (10CCS). Vietsugar hỗ trợ thêm chi phí công bốc vận chuyển và băm mía được 42 ngàn đồng/tấn. Còn Công ty Đường Biên Hòa - Ninh Hòa hỗ trợ chi phí bốc xếp là 30 ngàn đồng/tấn.

Theo bà Hòa, về chữ đường mía năm nay có nhích hơn và giá mía thu mua cũng tương đối. Nhưng năng suất mía hiện tại nông dân thu hoạch giảm mạnh gần nửa so với cùng kỳ.

Dự kiến số diện tích mía còn lại, nông dân thu hoạch năng suất bình quân cũng sẽ trên dưới 30 tấn/ha là cùng. Nguyên nhân là do năm ngoái thời tiết nắng hạn hán kéo dài, không có mưa để nông kịp bón phân, chăm sóc cho cây mía đầy đủ.

Anh Phạm Văn Dinh, một người trồng mía ở thôn Suối Sâu, xã Ninh Tân khẳng định năng suất mía năm nay rất kém. Như gia đình anh vừa mới thu hoạch 2,5ha chỉ được 55 tấn, tính ra bình quân khoảng 22 tấn/ha. Trong khi mọi năm cũng diện tích này anh thu hoạch mía lên đến 50 - 60 tấn/ha.

“Nhờ mía gia đình thu hoạch có chữ đường bình quân 11,5 CCS nên bán với giá khoảng 950 ngàn đồng/tấn. Nhưng do năng suất mía thấp nên gia đình vẫn thua lỗ”, anh Dinh buồn rầu.

Tại vùng trồng mía Ninh Sim (TX Ninh Hòa), năng suất mía năm nay được chính quyền dự đoán mất mùa trầm trọng, nông dân thua lỗ nặng. Bà Phan Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Sim cho biết, vụ mía năm nay toàn xã có 1.300ha. Đến nay nông dân đã thu hoạch gần phân nửa diện tích, nhưng năng suất mía rất kém.

Gia đình bà Oanh có 9ha mía. Ruộng mía nhà bà thuộc loại trung bình nhưng năng suất thu hoạch chỉ đạt bình quân 15 tấn/ha. Ngay cả các ruộng mía tốt vừa qua nông dân thu hoạch cũng chỉ đạt nặng suất khoảng 25 tấn/ha.

“Năm nay nắng hạn gay gắt, nên dự kiến năng suất mía toàn xã chỉ đạt trung bình khoảng 15 tấn/ha. Trong khi mọi năm năng suất mía từ 45 - 50 tấn/ha”, bà Oanh chia sẻ.

Theo nông dân trồng mía, năng suất giảm mạnh do nắng hạn kéo dài khiến cây kém phát triển. Ảnh: Kim Sơ.

Theo nông dân trồng mía, năng suất giảm mạnh do nắng hạn kéo dài khiến cây kém phát triển. Ảnh: Kim Sơ.

Theo bà Oanh, thời gian qua nhiều bà con trong xã tính chuyển đổi từ cây mía sang cây trồng khác. Nhưng địa phương cũng không biết định hướng bà con trồng cây gì cho phù hợp. Một phần, đất trồng mía không chủ động nước tưới, phần khác là chuyển đổi cây trồng rồi liệu có đầu ra ổn định hay không.

Về việc chuyển đổi cây trồng, theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt - BVTV Khánh Hòa, hiện ngành nông nghiệp đang hướng người trồng mía chuyển sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ở những vùng chủ động nước tưới.

Định hướng giai đoạn 2020 - 2025, khi công trình thủy lợi Sông Chò hoàn thành, các xã Ninh Hưng, Ninh Sơn , Ninh Xuân, Ninh Tây sẽ chuyển đổi 2.500ha mía ở vùng đồi sang trồng cây ăn quả.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Nghề mới lên đời

BÌNH ĐỊNH Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, phong trào nuôi thú cưng ở phố thị theo đó cũng nở rộ, kéo theo nghề điều trị, làm đẹp cho thú cưng phát triển.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.