| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển công nghiệp: Lo nhất nhân lực

Thứ Ba 13/06/2023 , 06:00 (GMT+7)

Để khai thác tiềm năng và lợi thế nuôi biển, các chuyên gia cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu là rất quan trọng và cần thiết.

Hợp tác, liên kết

Việt Nam có tiềm năng lớn về nuôi biển công nghiệp bởi ngoài diện tích rộng lớn có khả năng sử dụng lên đến khoảng 500.000 ha (bao gồm: các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển xa bờ), nước ta cũng có khí hậu rất phù hợp.

Việt Nam đầy tiềm năng phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Việt Nam đầy tiềm năng phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Về định hướng phát triển nuôi biển của Việt Nam đã được thể hiện rõ tại Quyết định số 339 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định 1664 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu chung của đề án sẽ phát triển nuôi biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu.

Đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.

Nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Nuôi cá chim vây vàng bằng lồng HDPE trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo Cục Thủy sản, về quan điểm phát triển nuôi biển của nước ta nhằm tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia nuôi biển, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển. Hài hòa lợi ích trong việc sử dụng không gian biển.

Đồng thời tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp hướng tới giá trị cao hơn nhờ ứng dụng những giải pháp công nghệ nuôi biển hiện đại, bắt kịp ngành nuôi biển của các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển. 

Để làm được điều này phải tổ chức lại ngành hàng nuôi biển trên tinh thần hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm.

Nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển công nghiệp là rất cần thiết và quan trọng. Ảnh: KS.

Nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển công nghiệp là rất cần thiết và quan trọng. Ảnh: KS.

Bà Bùi Thị Ninh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh tại TP.HCM cho rằng, nhân lực phục vụ kinh tế biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn đang thiếu hụt. Hơn nữa kỹ thuật sản xuất của lao động đa số còn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, chương trình đào tạo nuôi biển công nghiệp chưa có trong hệ thống đào tạo chính quy. Vì vậy, việc vây dựng mô hình đào tạo theo sự dẫn dắt của ngành để đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường là rất cần thiết.

Để làm việc này cần có sự thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, cần thúc đẩy tính chủ động của doanh nghiệp khi tham gia vào quá trình đào tạo nhằm xây dựng đội ngũ có nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của ngành, cũng như có nền tảng vững chắc để đào tạo nâng cao trong quá trình làm việc.

Vai trò doanh nghiệp

Khánh Hòa có chiều dài đường bờ biển 385 km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm eo vịnh kín gió như: Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đầm Nha Phu nên rất thuận lợi cho phát triển nuôi biển.

Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Hiện nay, nhiều địa phương đã và đang thúc đẩy nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Theo nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia thì Khánh Hòa cùng với Quảng Ninh và Kiên Giang là 3 địa phương có tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi biển ở Việt Nam.

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp, đơn vị sử dụng công nghệ lồng nuôi Na Uy đầu tư nuôi biển theo hướng công nghiệp mang lại hiệu quả như Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam, Trung tâm Nuôi biển công nghệ cao (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I) và Công ty Cổ phần Nuôi trồng thủy sản Phương Minh.

Trong đó, Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm trên vịnh Vân Phong đã ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến như vận hành hệ thống cho ăn tự động, tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất con giống nhân tạo đến công đoạn thu hoạch.

Theo ông Hoan, cùng với ngành kinh tế khác, nuôi biển tại Khánh Hòa đang hướng tới mục tiêu nuôi biển công nghiệp, ứng dụng công nghệ hiện đại và phát triển xa bờ với phương thức quản lý hiện đại. Từ đó đưa ngành công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng của ngành nông nghiệp tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh.

Nuôi biển của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: Australis Việt Nam.

Nuôi biển của Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam. Ảnh: Australis Việt Nam.

Kiên Giang cũng là địa phương được đánh giá có vị trí thuận lợi và tiềm năng rất lớn về tài nguyên biển, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, tổng chiều dài bờ biển (không tính bao quanh các đảo) trên 200 km.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh này, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về thu hút đầu tư nuôi biển, Tập đoàn Mavin, Công ty Australis Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát... đã khảo sát chọn vùng nuôi biển công nghiệp tập trung tại quần đảo Nam Du và các xã đảo khác trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp đang phối hợp tích cực cùng địa phương thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo quy định và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư nuôi biển phù hợp quy định pháp luật.

Cũng theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, để phát huy tốt tiềm năng lợi thế về nuôi biển của tỉnh, đồng thời giải quyết những khó khăn, hạn chế trong nuôi biển, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch 123 ngày 17/6/2021 về triển khai đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 7.500 lồng nuôi, sản lượng gần 30.000 tấn, còn diện tích nuôi nhuyễn thể khoảng 25.500 ha, sản lượng gần 84.000 tấn. Đến năm 2030 có 14.000 lồng nuôi, sản lượng hơn 100.000 tấn và diện tích nuôi nhuyễn thể gần 27.000 ha, sản lượng 100.000 tấn.

Ngoài ra, phát triển nuôi biển trở thành lĩnh vực sản xuất quy mô công nghiệp, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Chuyển đổi các mô hình nuôi biển quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu sang quy mô lớn với công nghệ hiện đại và bền vững.

Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới tỉnh Kiên Giang tiếp tục kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nuôi biển công nghiệp. Cùng với đó khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư có quy mô, ứng dụng công nghệ nuôi mới, lồng nuôi có sức chống chịu tốt và nuôi được xa bờ…

Theo đại diện Sở NN-PTNT Phú Yên, trong định hướng phát triển nuôi biển công nghiệp tỉnh sẽ quy hoạch vùng biển hở khoảng 1.000 ha tại thị xã Sông Cầu. Trong phát triển nuôi biển công nghiệp sẽ kết hợp với các ngành kinh tế khác như: du lịch, điện gió… Tỉnh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư dự án nuôi biển công nghiệp vùng biển hở thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh (thị xã Sông Cầu) quy mô 700 ha, vốn đầu tư 21.000 tỷ đồng và triển khai 2 dự án thí điểm nuôi biển hở (nuôi tôm hùm và cá biển) bằng lồng HDPE do Công ty Thủy sản Đắc Lộc và Công ty Thủy sản Tôm Vàng chủ trì.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.