Tham dự lễ khánh thành có ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai; ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Sau hơn 1 năm xây dựng, Trung tâm Chế biến rau quả Doveco Gia Lai đã đi vào hoạt động với tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại với công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Doveco có 3 dây chuyền sản xuất tự động hóa và có công nghệ hiện đại gồm: Dây chuyền sản xuất nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên, công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đông lạnh, công suất 22.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền sản xuất rau quả đồ hộp, công suất 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Lễ khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai diễn ra sáng 9/9 tại Gia Lai. |
Từ tháng 4/2019 đến nay, Doveco đã đưa vào vận hành, chạy thử với những lô hàng đầu tiên sản xuất ra đã được xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Israel, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc…
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, cho biết, khi Trung tâm đi vào hoạt động, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD/năm, tổng doanh thu hàng năm có thể đạt 2.000 tỷ, nộp ngân sách nhà nước hàng năm từ 100 đến 150 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty muốn giới thiệu sản phẩm rau quả đặc sản của Tây Nguyên như chanh dây, bơ, chuối, sầu riêng… ra thị trường thế giới.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Doveco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả chủ lực của Việt Nam. Từ việc chủ động tạo ra giống mới cho năng suất cao, Doveco có công nghệ chế biến, xuất khẩu một cách bền vững.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị Doveco tiếp tục phát huy truyền thống và thế mạnh của mình, tập trung triển khai một số định hướng: Tiếp tục đồng hành cùng người dân Tây Nguyên để chế biến và tiêu thụ nhằm năng cao giá trị sản phẩm nông sản, đặc biệt là các loại cây đặc sản như chanh dây, bơ, chuối và sầu riêng; từng bước tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân Giai Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung; xây dựng và hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững ngành hàng rau quả.