| Hotline: 0983.970.780

Khát khao vượt khó

Thứ Sáu 06/12/2024 , 15:24 (GMT+7)

Quảng Trị Quảng Trị chỉ có khoảng 1,3 nghìn ha cây vụ đông. 'Linh hồn' của vụ đông ở vùng đất nắng gió này là cây hành tăm (ném) nhưng việc mở rộng gần như không thể.

Vụ đông trên đất cát bạc màu

Ngồi tại trụ sở làm việc, ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định (huyện Hải Lăng) chỉ tay ra bên ngoài. Tứ bề đều là nước; những mái nhà thấp thoáng như đảo nhỏ giữa trùng khơi.

Cây vụ đông tại Quảng Trị đa phần là hành tăm trên đất cát bạc màu. Ảnh: Võ Dũng.

Cây vụ đông tại Quảng Trị đa phần là hành tăm trên đất cát bạc màu. Ảnh: Võ Dũng.

Nước đã rút khỏi sân UBND xã Hải Định mấy ngày nay nhưng muốn đi vào những thôn trồng cây vụ đông trên đất màu thì phải dùng thuyền. Vì vậy, ông Đặng Bá Sơn, cán bộ địa chính nông nghiệp xã Hải Định đành dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng cát bạc màu trồng hành tăm ở khu vực gần trụ sở ủy ban xã.

Vùng đất thuần nông xã Hải Định sau thu hoạch lúa hè thu là khoảng thời gian nhàn rỗi, nông dân cần có việc làm để tăng thu nhập. Có bao nhiêu đất trồng màu ở các vùng gò đồi đều được người dân tận dụng hết. Tuy nhiên, ngoài cây hành tăm (cây ném) cho giá trị kinh tế cao (khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha/vụ) và chỉ phù hợp với đất cát thì những cây trồng khác đều cho hiệu quả rất thấp. Vì vậy, không quá bất ngờ khi có tới 45ha hành tăm trồng trên đất cát trong tổng số 75ha cây vụ đông của xã Hải Định.

“Ở đây, cây ném chỉ trồng trên đất cát và cho năng suất tối thiểu cũng 120kg, đem về nguồn thu 10 - 15 triệu đồng/sào (500m2). Những cây trồng khác không phù hợp đất cát được bà con trồng trên đất màu. Nhưng ở vùng rốn lũ này, lượng mưa tập trung đúng vào giai đoạn xuống giống, nước ngập tứ bề, việc xuống giống cũng đã khó khăn lắm rồi. Vì vậy ở đây người dân chủ yếu chỉ làm được vụ đông trên đất cát”, ông Sơn chia sẻ.

Được 1 sào đất, bà Nghỉ phải đi thuê mướn thêm để trồng hành tăm vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Được 1 sào đất, bà Nghỉ phải đi thuê mướn thêm để trồng hành tăm vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Chúng tôi đi vòng qua nhiều con đường mới đến được cánh đồng Trạng. Đường đi vẫn còn nhiều đoạn bị ngập nước. Thi thoảng lại thấy những hồ nước mênh mông dâng lên sát mép con đường chạy vòng quanh các khu sản xuất.  Ông Sơn cho biết, thực chất đó là những cánh đồng lúa, màu, ngay sau vụ hè thu thì chìm dưới biển nước.

Bà Đặng Thị Nghỉ trồng được 2 sào hành tăm nhưng một nửa trong số này là thuê mướn của một người bà con đã đi làm ăn xa để lại.

“Nông nhàn, không biết làm gì, đất màu, đất lúa ngập hết rồi nên thuê thêm đất cát để làm ném, cũng chỉ được 2 sào thôi, không bõ công làm. Nhưng chẳng lẽ ngồi không?”, bà Nghỉ vừa tranh thủ dắm lại cây hành tăm vừa nói.

Trên vùng đất cát rộng hơn 2ha của gia đình, ông Đặng Bá Thành ở thôn Thiện Đông (xã Hải Định) đã từng thử nhiều loại cây trồng khác nhau. Nhưng suy cho cùng, chỉ mỗi cây hành tăm sinh trưởng, phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Những cây trồng khác mùa hè không chịu nổi nắng nóng, mùa đông không chịu nổi ngập úng.

Trồng hành tăm cũng bấp bênh bởi thời tiết vào vụ đông tại Quảng Trị gặp rất nhiều bất lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Trồng hành tăm cũng bấp bênh bởi thời tiết vào vụ đông tại Quảng Trị gặp rất nhiều bất lợi. Ảnh: Võ Dũng.

“Ném là cây trồng hiệu quả nhất trong vụ đông. Cây ném có thể tỉa thưa, bán dần và khi già thì lấy củ, nếu bán không hết thì vẫn bảo quản được dài ngày. Đây là gia vị phổ biến tại Quảng Trị và một số tỉnh lân cận nên gần như có chừng nào bán hết chừng đó. Còn những cây trồng khác, mưa xuống là nát hết, có sống nổi đâu”, ông Thành chia sẻ.

Khó mở rộng diện tích

Bà Lê Thị Sáo có 2 sào hành tăm tại cánh đồng Trằm Eo, thôn Thiện Đông, xã Hải Định. Cây hành tăm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng để có được thành quả, vợ chồng ông bà phải thay nhau chăm bẵm như nuôi con mọn. Người dân đã quen với thời tiết khắc nghiệt nhưng sau mỗi trận mưa, cây vụ đông ngập nước thì ai cũng xót. Hệ thống kênh mương thoát nước chỉ là những mương dẫn bằng đất cát, hễ mưa là phải khơi thông liên tục, các luống hành cũng phải được vun cao, tủ rơm rạ để giảm trôi đất.

Hệ thống kênh mương thoát nước bằng đất cát thường xuyên bị vùi lấp sau những trận mưa khiến cho việc sản xuất cây vụ đông càng thêm khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

Hệ thống kênh mương thoát nước bằng đất cát thường xuyên bị vùi lấp sau những trận mưa khiến cho việc sản xuất cây vụ đông càng thêm khó khăn. Ảnh: Võ Dũng.

“Nhà có nhiều lao động nhàn rỗi cũng có nhu cầu làm thêm cây ném nữa nhưng đất không có và hệ thống kênh mương thoát nước khó khăn nên cũng rất bấp bênh. Sau mỗi trận mưa, cả nhà phải tập trung ra đồng chống úng, dựng lại cây hành bị ngã”, bà Sáo cho hay.

Hầu hết những cánh đồng cát trắng chỉ có thể trồng hành tăm vào vụ đông. Vào mùa nắng chỉ có cây keo tràm là sống nổi trên đất cát. Tuy nhiên, keo tràm trồng trên đất cát bạc màu, sau 5 - 6 năm thu hoạch cũng chỉ đem về cho người dân 40 - 50 triệu đồng/ha.

Ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định cho hay, theo kế hoạch, địa phương muốn phát triển thêm khoảng 5 - 10ha hành tăm để xây dựng sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hệ thống kênh mương thoát nước bằng đất cát, thiếu đồng bộ, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thường xuyên bị ngập úng nên việc mở rộng diện tích gần như không thể.

“Hải Định là vùng trũng của huyện Hải Lăng, bao quanh là sông Ô Lâu, Ô Giang, Vĩnh Định, mùa mưa nước lên rất nhanh. Trong khi đó, hạ tầng thoát nước hiện nay rất kém nên nếu đầu tư trồng cây vụ đông sẽ rất rủi ro. Ngoài trồng hành tăm trên đất cát thì vùng đất này khó có thể trồng các loại cây màu vụ đông khác”, ông Lộc chia sẻ.

Để thu được thành quả từ cây hành tăm, nông dân phải túc trực như chăm con mọn. Ảnh: Võ Dũng.

Để thu được thành quả từ cây hành tăm, nông dân phải túc trực như chăm con mọn. Ảnh: Võ Dũng.

Toàn huyện Hải Lăng hiện có gần 330ha cây vụ đông, trong đó có hơn 200ha hành tăm. Ông Văn Ngọc Tiến Đức, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết, việc mở rộng diện tích hành tăm hết sức khó khăn do hệ thống thoát nước tại một số vùng đất cát thiếu đồng bộ. Bên cạnh đó, đa phần diện tích đất cát hiện đã được trồng keo.

“So với cây keo thì trồng hành tăm trên đất cát hiệu quả cao hơn hàng chục lần. Nhưng để chuyển đổi từ keo sang trồng hành tăm cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như hạ tầng thủy lợi, đường giao thông, điện lưới, tính chuyện liên kết tiêu thụ sản phẩm và cả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Hải Lăng hiện cũng không có các chính sách hỗ trợ người dân trồng cây vụ đông”, ông Đức cho hay.

Quảng Trị có 50 nghìn ha đất canh tác, trong đó có 26 nghìn ha đất trồng lúa và thường bị ngập sau vụ lúa hè thu. Vì vậy, cây vụ đông chỉ dựa vào một số vùng đất vàn cao, đất cát ven biển. Tổng diện tích cây vụ đông tại Quảng Trị hàng năm chỉ khoảng 1,3 - 1,5 nghìn ha.

Bà Nguyễn Hồng Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay, nơi có điều kiện thuận lợi, người dân vẫn sản xuất vụ đông nhưng đa phần bấp bênh, thành quả không cao.

Ngoài hành tăm, các cây trồng còn lại đều không đem lại hiệu quả cao trong vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Ngoài hành tăm, các cây trồng còn lại đều không đem lại hiệu quả cao trong vụ đông. Ảnh: Võ Dũng.

Sản xuất vụ đông vẫn nằm trong kế hoạch của ngành nông nghiệp và chỗ nào có thể làm được thì người dân đã làm. Tuy nhiên, muốn mở rộng diện tích là rất khó khăn vì rủi ro rất cao”, bà Phương cho hay.

Cũng theo bà Phương, Quảng Trị có một số diện tích đất bãi bồi ven sông giàu dinh dưỡng có thể trồng cây vụ đông cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, các hệ thống sông tại địa phương này đều ngắn, dốc, lũ lên rất nhanh, lại không có đê bao nên nếu trồng cây vụ đông ở những diện tích này thì nguy cơ mất trắng luôn thường trực.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị, tổng diện tích cây vụ đông trên toàn tỉnh đến đầu tháng 11/2024 là 1,3 nghìn ha, trong đó chủ yếu là cây hành tăm. Tuy nhiên, những trận lũ liên tiếp cũng đã khiến nhiều diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.