| Hotline: 0983.970.780

Phóng sự

Khát vọng lớn của người Lào

Khát vọng lớn của người Lào

Suốt một tuần lễ trên đất nước Lào giúp chúng tôi cảm nhận rõ khát vọng lớn với nông nghiệp của xứ sở Triệu Voi.

 

Chỉ mấy tháng trước chúng tôi từng có nhiều ngày lang thang ở xứ sở Triệu Voi trong chuyến đi thực hiện phóng sự truyền hình "Chuyện hạ nguồn Mekong". Ấy là những ngày mùa mưa, đi qua những Xiêng Khoảng, Luang Prabang, Viêng Chăn… đã giúp đoàn làm phim Báo Nông nghiệp Việt Nam phần nào cảm nhận được đột phá lớn, đặc biệt là giao thông của đất nước Lào. Khai mở, kết nối giao thông với tham vọng sẽ trở thành trung tâm logicstic khu vực Đông Nam Á.

Lần trở lại này cùng với đoàn công tác của Tập đoàn Quế Lâm theo lời mời gọi đầu tư của các lãnh đạo cấp cao nước bạn, cũng là nhằm hiện thực cam kết hợp tác phát triển giữa hai quốc gia, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mấy ngày vượt cung đường ngót ngàn cây số từ cửa khẩu Lao Bảo của tỉnh Quảng Trị đến Thủ đô Viêng Chăn, vừa đi vừa tìm hiểu, khảo sát tiếp tục giúp chúng tôi có thêm nhiều thông tin và tận mắt thấy rõ hơn về bức tranh nền nông nghiệp nước bạn Lào.

Trước tòa nhà Quốc hội Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho đất nước Lào. Ảnh: Hoàng Anh.

Trước tòa nhà Quốc hội Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho đất nước Lào. Ảnh: Hoàng Anh.

Mùa khô trên đất nước Lào quả thật khắc nghiệt. Những cánh đồng rộng mênh mông nhưng bạc phếch vì thiếu nước. Bản làng của người dân rải rác ven bờ sông Mekong, ven những cánh rừng già, dọc các tuyến đường chính từ Thủ đô Viêng Chăn xuyên vùng Nam Lào đang trong quá trình xây dựng. Trồng trọt, chăn nuôi của người Lào xem chừng còn khó nhọc, vất vả cũng bởi vì chưa chủ động được nguồn nước. Và dường như, nước tưới cũng là hạn chế lớn nhất khiến hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Việt Nam và Lào chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa xứng với tình cảm hữu nghị đặc biệt, riêng có giữa hai dân tộc láng giềng anh em. Những năm qua Việt Nam luôn là quốc gia đầu tư mạnh mẽ vào đất nước Lào, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, đến thời điểm hiện tại, trong số gần 240 dự án với tổng số vốn gần 5,4 tỷ USD thì lĩnh vực nông nghiệp có 49 dự án.

Những con số có thể nói còn rất khiêm tốn. Anh Inpong Inthavong, cán bộ ở Cục Kế hoạch và Hợp tác thuộc Bộ Nông Lâm nghiệp Lào thống kê, mới chỉ có vài dự án điển hình của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư ở các tỉnh Oudomxay, Bolykhamxay, Salavan, Savanaket và Champasak; Công ty Cổ phần sữa Vinamilk đầu tư ở Xiêng Khoảng; Tập đoàn Trường Hải, Thành Thành Công đầu tư ở vùng Nam Lào… Trong khi đó, với diện tích tự nhiên vào khoảng 230.000km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp khoảng 7 triệu ha, dân số mới chỉ hơn 6,5 triệu người, có thể nói tiềm năng phát triển nông nghiệp ở Lào còn rất vô biên. Đảng, Nhà nước, Chính phủ hai nước thường xuyên có chính sách kêu gọi, hỗ trợ để các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào nhưng kết quả vẫn chưa thực sự xứng tầm.

2-01

Lễ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giữa Tập đoàn Quế Lâm và Tập đoàn Phongsavanh tại thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Hoàng Anh.

Có lẽ vì thế nên dù là đoàn công tác của một doanh nghiệp tư nhân như Tập đoàn Quế Lâm cũng đã được các lãnh đạo cấp cao của Lào đón tiếp rất trọng thị. Từ Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Sinlavong Khoutphaythoune, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak và lãnh đạo một số địa phương... đều dành thời gian tiếp đón đoàn và bày tỏ hi vọng Quế Lâm sang đầu tư sẽ tạo nên cột mốc mới về hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Lại càng đặc biệt hơn, trong các buổi tiếp đón, bàn vấn đề hợp tác, nhiều lãnh đạo cấp cao của Lào chẳng cần đến phiên dịch, trò chuyện, thăm hỏi các thành viên bằng tiếng Việt rất gần gũi và cởi mở.

Tiếp đoàn tại Tòa nhà Quốc hội Lào, quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho đất nước Lào mới khánh thành vào năm 2021, suốt cả một buổi chiều Chủ tịch Quốc hội Xaysomphone Phomvihane đã chia sẻ rất nhiều về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại giữa Việt Nam và Lào. Ông nói rằng, đó là một tài sản chung vô giá, là nền tảng của mọi sự hợp tác cùng nhau phát triển giữa hai dân tộc. Bản thân ông tha thiết mời gọi Quế Lâm và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sang Lào đầu tư bởi mong muốn các doanh nghiệp tiên phong, đã có nhiều thành tựu ở Việt Nam sẽ chuyển giao trình độ, kiến thức, khoa học kỹ thuật tiên tiến để cùng nhau phát triển ngày càng vững mạnh hơn. Đó là khát vọng rất lớn không chỉ của cá nhân ông mà còn là của hơn 6,5 triệu người dân đất nước Lào.

4-01

Chủ tịch Quốc hội Lào Xaysomphone Phomvihane và ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm. Ảnh: Hoàng Anh.

Thừa nhận nông nghiệp đất nước Lào còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên ông Xaysomphone Phomvihane khẳng định rằng chuyển đổi nền nông nghiệp sử dụng nhiều hóa chất sang nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường là xu thế bắt buộc của các quốc gia trên thế giới. Chính vì vậy mời gọi Tập đoàn Quế Lâm và các doanh nghiệp tiên phong khác ở Việt Nam sang hợp tác chính là để đất nước Lào hiện thực mục tiêu này.

Cũng dành hẳn một buổi sáng đón đoàn công tác từ Việt Nam sang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, ông Sinlavong Khoutphaythoune chủ yếu trao đổi với chúng tôi bằng tiếng Việt. Ông nói tiếng Việt Nam giỏi đến mức anh thư ký kể vui là mấy lần đi công tác ở Hà Nội, Chủ tịch vẫn thường phiên dịch giúp mọi người trong đoàn. Chuyện đó lập tức được kiểm chứng bởi trong lúc trò chuyện, trao đổi thỉnh thoảng ông Sinlavong lại dùng mấy từ địa phương của Việt Nam khiến ai nấy đều phải thán phục, không khí càng thêm thân mật, vui vẻ.

Chia sẻ tình hình kinh tế đất nước Lào trong giai đoạn hiện tại Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước nói còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trong những năm gần đây đất nước Lào xây dựng nhiều công trình lớn để phát triển đất nước, tác động của đại dịch Covid-19, xung đột ở một số quốc gia… Chiến lược phát triển của Lào là lấy giao thông làm điểm tựa đột phá, lấy nông nghiệp làm nền tảng phát triển, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Tuy nhiên với thực tiễn khoảng 70% dân số vẫn còn khó khăn, nền nông nghiệp đất nước còn nhiều hạn chế về thời tiết, khí hậu, hạ tầng thủy lợi, khoa học kỹ thuật…, ông Sinlavong mong muốn Tập đoàn Quế Lâm đầu tư sang đất nước Lào giống như trở về quê hương và bằng tình hữu nghị đặc biệt hiếm có giữa hai dân tộc.

 

Sau lễ ký kết hợp tác phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn giữa Tập đoàn Quế Lâm và Tập đoàn Phongsavanh tại thủ đô Viêng Chăn, chúng tôi lên đường vượt gần 500 cây số đến với tỉnh Savannakhet, quê hương vị lãnh tụ của Đảng và Nhân dân cách mạng Lào Kaysone Phomvihane. Vùng đất trung tâm của khu vực Nam Lào này cũng đã được Chính phủ Lào quy hoạch trở thành một trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của xứ sở Triệu Voi. Ngồi trên xe, bà Sengdao Bouphakonekham, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Phongsavanh, tập đoàn hàng đầu của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vui vẻ chia sẻ: Khát vọng của đất nước chúng tôi đối với lĩnh vực nông nghiệp lớn lao đến nỗi Chính phủ giao Phongsavanh vốn là tập đoàn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đi sang Việt Nam “tìm mặt gửi vàng” để phát triển nông nghiệp. Nói theo cách của các bạn đây là vừa là nhiệm vụ kinh tế nhưng cũng là nhiệm vụ chính trị nên hợp tác với Quế Lâm chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhất để tạo ra sự thay đổi nền nông nghiệp đất nước.

Savannakhet là tỉnh rộng thứ hai của Lào với diện tích vào khoảng 21.774km2, dân số xấp xỉ một triệu người. Từ nhiều năm trước, trên nền tảng hữu nghị đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào, tỉnh Savannakhet đã kết nghĩa với tỉnh Quảng Trị của Việt Nam. Dù chưa có con số thống kê chính xác nhất số lượng người Việt làm ăn, sinh sống ở tỉnh Savannakhet tuy nhiên trên mảnh đất này hiện còn rất nhiều dấu tích, công trình mang tính biểu tượng của tình hữu nghị hai dân tộc tự bao đời nay. Đó là nhà thờ liệt sĩ, bảo tàng Việt - Lào, chùa Diệu Giác Savannakhet, trường học, các dự án hỗ trợ xây dựng thủy lợi, phát triển nông nghiệp… Và với sự hợp tác giữa Quế Lâm và Phongsavanh, có thể tới đây quê hương lãnh tụ Kaysone Phomvihane sẽ có một biểu tượng mới về việc hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai quốc gia.

Theo thống kê, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Savannakhet có khoảng hơn 700.000ha, tuy nhiên hiện mới chỉ đưa vào sản xuất xấp xỉ 200.000ha. Xác định phát triển nông nghiệp là chủ đạo ở Savannakhet cũng như nhiều tỉnh vùng Nam Lào, thông qua sự hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, Chính phủ Lào đã xây dựng Trung tâm nông nghiệp kiểu mẫu trên diện tích 50ha tại làng Phon Muang, huyện Chăm Phon. Ông Khamsom Nhattinvong, cán bộ Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tỉnh Savannakhet tâm sự rất thật là dù quyết tâm nhưng tỉnh cũng xác định sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là tư duy, văn hóa của người dân địa phương, hạn chế về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thiếu kiến thức cả trong sản xuất, thị trường. Diện tích gieo cấy chỉ được một vụ do không có nước, chăn nuôi chủ yếu giống bò bản địa, mùa khô ruộng đồng khô khát, không có nguồn thức ăn, sản phẩm làm ra năng suất thấp và cũng không biết bán đi đâu.

Chính vì vậy người Lào mong muốn hợp tác với Tập đoàn Quế Lâm sẽ xây dựng các nhà máy phân bón vi sinh, sản xuất men vi sinh phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và hơn hết sẽ biến nơi đây trở thành trường học cho người nông dân Lào. Cụ thể, Tập đoàn Quế Lâm sẽ phối hợp với Tập đoàn Phongsavanh hỗ trợ nông dân Lào xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn và xây dựng chuỗi giá trị nông sản hữu cơ theo thế mạnh trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Toàn bộ khu vực 50ha ở Savannakhet sẽ trở thành trường học lớn để người nông dân Lào thay đổi, sau đó sẽ nhân rộng mô hình nông nghiệp mới sang những vùng đất khác.

3-01

Lào có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn. Ảnh: Hoàng Anh.

 

Suốt một tuần lễ làm việc, khảo sát để hợp tác phát triển nông nghiệp ở Lào, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm đúc rút: Dĩ nhiên là nhiều khó khăn, thách thức nhưng tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn ở đất nước Lào đúng là còn rất lớn, thậm chí ở góc độ nào đó còn có nhiều thuận lợi so với trong nước.

Đó là môi trường, đất đai chưa bị gánh chịu hậu quả quá lớn của vật tư nông nghiệp hóa học, nguồn tài nguyên, điều kiện khí hậu tự nhiên ở nhiều nơi rất phù hợp phát triển nông nghiệp, nếu ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương pháp xây dựng chuỗi liên kết gắn trồng trọt với chăn nuôi  để tạo nên vòng kinh tế tuần hoàn chắc chắn sẽ thành công.

“Điều quan trọng nhất là người Lào đang có khát vọng rất lớn với lĩnh vực nông nghiệp. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương đều quyết tâm thay đổi và cũng đã có chiến lược phát triển rõ ràng, cho nên tôi tin tưởng thông qua hợp tác với Tập đoàn Phongsavanh, Quế Lâm sẽ cùng với người Lào xây dựng thành công chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trên đất nước Triệu Voi”, ông Nguyễn Hồng Lam khẳng định.

 
Hoàng Anh
Xem thêm