Trong “thế giới cọ”, Đỗ Đức là họa sỹ của đá. 50 năm lăn lộn với các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều cung bậc buồn vui, ngắm các tác phẩm của Đỗ Đức, tôi như được “trở lại” với những vùng đất đã từng qua.
Tôi nhớ mãi tiếng sáo của bé trai người Mông với bản nhạc “Hà Giang quê hương tôi” (sáng tác năm 1972) của nhạc sĩ Nguyễn Thanh Phúc, trước cổng Dinh thự Vua Mèo ở Đồng Văn.
Dinh thự Vua Mèo, hay Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, cách cao nguyên đá Đồng Văn nổi tiếng chỉ 15km. Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành).
Những ai quan tâm đến lịch sử đất nước hẳn biết. Đến thăm Dinh thự Vua Mèo nhiều người hẳn còn nhớ tiểu thuyết “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn”, NXB Công an nhân dân năm 1977, của nhà văn Ngôn Vĩnh (sau này là Đại tá, Tổng Biên tập báo Công an nhân dân).
Ông Vương Chính Đức (1886 - 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông nên còn được gọi với cái tên đầy quyền lực là Vua Mèo. Vương Chí Sình sau này đi theo cách mạng, từng là đại biểu Quốc hội 2 nhiệm kỳ đầu tiên.
Dinh thự Vua Mèo bí ẩn và độc đáo. Nơi ấy còn chứa biết bao giai thoại, trong nhiều câu chuyện kể, chứa một phần lịch sử, kiến trúc độc đáo và các vỉa tầng văn hóa. Nghe nói trước khi xây dựng, Vua Mèo sang tận Trung Quốc mời thầy phong thủy sang, đi qua 4 huyện thuộc quyền cai quản để chọn thế đất.
Thung lũng Sà Phìn thật đẹp. Con đường từ quốc lộ 4C vào Dinh thự Vua Mèo phẳng lỳ. Không chỉ kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác kinh tế du lịch ở điểm này đâu. Nhiều năm qua, Hà Giang làm “Nông thôn mới” cùng cả nước, bộ mặt làng bản đều đã thay đổi, dễ nhận diện ở con đường.
Không chỉ giao thông, điện thắp sáng, văn học nghệ thuật nói chung đã trở thành “binh chủng”.
Âm nhạc đã góp phần lan tỏa hình ảnh về vùng đất, con người Hà Giang, thôi thúc khách du lịch từ mọi miền Tổ quốc hướng về Hà Giang. Bài hát “Hà Giang quê hương tôi” thường được anh em nói vui là “tỉnh ca”, có lẽ là bài hát đầu tiên. Bây giờ thì Hà Giang đã có một sê-ri các bài hát hay.
Trong những nhạc sỹ cống hiến cho Hà Giang, có lẽ nhạc sỹ Nguyễn Thanh Phúc đã dành trọn tấm lòng. Nhiều ca khúc nổi tiếng khác của ông về mảnh đất Hà Giang lần lượt ra đời. Các nhà thơ đương đại, khi đi qua con đường huyền thoại mang tên “Hạnh phúc” đều có các tác phẩm. Có thể kể, Vũ Quần Phương mới “Mã Pí Lèng”; Trần Quang Quý với một sê-ri: “Trên đỉnh Mã Pí Lèng”, “Bản tình ca đá”, “Đi qua mùa hoa mận”...
Những năm gần đây Hà Giang đón hàng triệu lượt du khách/năm, tăng từ 33 - 35%/năm. Hôm tôi men theo quốc lộ 4C, từ TP Hà Giang lên tận Mèo Vạc mới thấy rằng, không có cung đường nào ở Việt Nam “du lịch phượt” đông như thế. Đoàn này cách đoàn khác, có khi chỉ chừng 15 - 20 phút. Rất nhiều homestay đã mọc lên dọc tuyến đường.
Hà Giang vùng đất đậm sắc màu văn hóa với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ đã và đang “lên tiếng” cùng ngành kinh tế du lịch.
Hôm chúng tôi đến, nhiều đoàn khác trong và ngoài nước nối đuôi nhau. Họ đi theo tour. Bên ngoài Dinh thự Vua Mèo, những hàng thông xanh hàng trăm tuổi vút lên trầm mặc. Tiếng sáo của chú bé người Mông réo rắt, gợi lòng người hoài niệm.
Bé trai thổi sáo để kiếm thêm tiền. Bên năm bé gái khác ngồi giữa nắng bán những thứ lặt vặt, nhiều nhất là các bó hoa cải vảng cầm tay. Ở bãi đỗ xe ô tô là đám trẻ khác quây lấy du khách lúc chuẩn bị rời Dinh thự Vua Mèo, ngửa tay xin tiền. Những khuôn mặt, ánh mắt chờ đợi, những mái tóc xơ xước, chất đầy nắng gió. Chắc các cháu không đến nỗi thất học?
Tôi cứ ám ảnh về tiếng sáo. Và suy nghĩ...
“Ai về thăm quê hương tôi / Nơi biên cương là đây / Có rừng cây thiên nhiên xanh biếc một màu” (Hà Giang quê hương tôi, nhạc Nguyễn Thanh Phúc). Quả vậy, Hà Giang là tỉnh cực Bắc, Đồng Văn là huyện địa đầu.
Đấy là mảnh đất có truyền thống văn hóa lâu đời, nơi giao thoa và cũng là nơi hội tụ, kết tinh bản sắc văn hóa các dân tộc anh em để tạo nên sắc thái văn hóa riêng của Hà Giang. Nơi đây có 19 dân tộc anh em sinh sống, chủ yếu là các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Giáy, Lô Lô…
Mỗi dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang đều có nét văn hóa truyền thống và bản sắc riêng độc đáo cần phải được bảo tồn, giữ gìn, phát huy. Đáng tiếc, bản sắc riêng ấy đã và đang bị “đe dọa” bởi “cơn lốc” thị trường.
Họa sỹ Đỗ Đức người gắn bó lâu năm với Hà Giang kể rằng, Hà Giang còn rất nhiều điểm để khám phá. Riêng ở Đồng Văn ngoài Dinh thự Vua Mèo, còn có phố cổ, chợ xây bằng cột đá đẽo theo hình chữ “Môn”, ngót nghét 100 năm, nay vẫn vững chãi; khu đồn Pháp trên đỉnh núi còn vững chãi.
Nhà của bà con các dân tộc, trang phục, lối sống... cho đến các chợ của vùng Hà Giang đều đặc biệt. Ngoài chợ Đồng Văn là phiên chợ Sà Phìn họp vào ngày Tỵ - Hợi; chợ Phó Bảng họp các ngày Tỵ - Ngọ; chợ Phó Cáo họp vào ngày Thìn – Tuất; chợ Lũng Phìn họp vào ngày Dần – Thân...
Hà Giang đúng là “quê hương nghệ thuật” của họa sỹ Đỗ Đức. Triển lãm “Non nước biên thùy”, ông dành trọn cho núi rừng và đá, với các chủ đề về nương đá, ngựa và không gian sống trên cao nguyên đá, chợ vùng cao...
Từ TP Hà Giang lên Đồng Văn còn có các chợ phiên Quản Bạ, chợ Tráng Kim, chợ Yên Minh... Hôm tôi qua Mèo Vạc, có ghé qua chợ để ngắm nhìn đời sống. Sản vật miền núi không thiếu, hàng hóa Trung Quốc tràn sang không thừa.
Thi thoảng từng đôi vợ chồng từ bản xa về dắt nhau ra phố, trên tay họ ôm con gà, tay dắt chú lợn giống, chú chó giống... Chó Mông cụt đuôi được vinh danh là một trong “Tứ đại quốc khuyển” của Việt Nam.
Vui nhất có lẽ là gặp phụ nữ người Mông, dù trẻ hay già “xuống chợ”. Chiếc váy của họ chắc phải có nghệ thuật, ngắm họ phía sau, váy luôn tung tẩy như vũ điệu. Đó cũng là bản sắc. Vì điều này, họa sỹ - nhà văn Đỗ Đức đã viết sách “Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam”. Tiếng nói, chữ viết (nếu có), trang phục... hiện diện của bản sắc văn hóa.
Trước chuyến đi Hà Giang, tháng 5/2024, tôi và họa sỹ Đỗ Đức cùng với một số anh em văn nghệ sỹ khác có chuyến công tác ra đảo Phú Quốc. Thời gian nghỉ ở Orange Resort, ông kể tôi nghe nhiều chuyện đời sống của người dân tộc ít người ở Hà Giang.
- Cậu biết, vì sao bây giờ vải vóc, quần áo của Trung Quốc rất rẻ, nhưng người Mông vẫn làm vải lanh? Cô dâu về nhà chồng mẹ vẫn dúi cho tấm vải dệt bằng sợi lanh?
- Em chịu. Tôi thú nhận sự thiếu tường tận.
- Nó có ý nghĩa gia đình bọc đùm, bên cạnh người con gái khi xuất giá. Khi già rồi mất, chính tấm vải mang theo sẽ liệm người quá cố.
Hóa ra, trang phục mang thông điệp. Các hoa văn trang trí, ô đường diềm, hình chữ nhật, hình quả trám… đều mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh. Người Mông tự hào về các trang phục làm bằng tay của mình. Những chiếc váy lanh xếp nhiều ly của phụ nữ luôn có vẻ đẹp rất đặc biệt. Tết đến hay lễ hội, chợ phiên, đám cưới mọi người mặc các bộ quần áo đẹp nhất. Đây cũng là cơ hội thể hiện sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ.
Năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Người Mông ở Đồng Văn cương cường trên đá. Đã có không ít phụ nữ Mông ở Đồng Văn thoát nghèo, vươn lên bình đẳng giới nhờ tham gia các hợp tác xã dệt lanh.
Trong một thế giới “xô lệch”, nhiều mặt đời sống bị “biến thái”, nhưng Hà Giang đã có nhiều nỗ lực bảo tồn giá trị và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tôn vinh bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Rời Hà Giang trên con đường không thể tráng lệ hơn, bất giác tôi nhớ đến nhà thơ Y Phương. “Người đồng mình thương lắm con ơi / Cao đo nỗi buồn / Xa nuôi chí lớn / Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn / Sống trên đá không chê đá gập ghềnh” (Nói với con, thơ Y Phương).
“Có người mẹ địu con lên đèo / tiếng trẻ vỡ ra giọng núi / tiếng ngọn đèo truyền giọng đến ngày mai”, (Trên đỉnh Mã Pí Lèng, thơ Trần Quang Quý). dễ nhận diện ra trên từng khuôn mặt.