| Hotline: 0983.970.780

'Cá thần' dưới chân thác Trăng

Thứ Tư 04/12/2024 , 15:50 (GMT+7)

Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

Giống cá nuôi qua 3 đời người mới chịu đẻ

Nguồn giống cá dầm xanh trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc đánh bắt từ sông, từ suối. Bởi thế, khi nghe nói về có những người Mường ở xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho “cá thần” sinh sản được thì tôi liền cất công tìm đến.

Người ta chỉ cho tôi căn chòi của anh Bùi Văn Chỏi nằm kề bên hai cái ao nhỏ đào ở mãi gần đỉnh đồi. Trong đó, những con cá dầm xanh đang quẫy nhè nhẹ dưới dòng nước xanh thẳm. Anh Chỏi kể, trước đây bố của mình là ông Bùi Văn Nuôi thường đi vớt cá dầm xanh giống dưới suối bằng một cái vợt may từ miếng vải màn cũ để về thả vào cái ao trước nhà nuôi. Người đi vớt cá dầm xanh phải chọn những ngày nắng to mới có thể căng mắt thấy được vì chúng chỉ nhỏ như que tăm với thân mình dài hơn hẳn các loại cá khác. Vớt được con nào ông lại thả vào cái ống bương chứa nước đeo lủng lẳng ở bên mình. Có những buổi cá xuất hiện nhiều, ông vớt được tới 300 - 400 con.

Mấy chục năm nuôi trong ao ròng rã, chỉ cho ăn cỏ, cá lớn cỡ 3 - 4kg rồi mà không thấy đẻ, ông Nuôi cũng chẳng biết phải làm sao và mang theo cả nỗi băn khoăn ấy xuống dưới mồ. Trước đây, gia đình anh Chỏi không bán mà mỗi dịp giỗ, Tết hay mượn người gặt lúa, gánh thóc đổi công đều mổ cá dầm xanh, trước là để cúng thổ công, ông bà tổ tiên, sau là cùng nhau thưởng thức các món khoái khẩu như gỏi, luộc, nướng… Thịt cá dầm xanh rất thơm ngon, ngọt đậm đà, thớ săn chắc, vảy giòn rụm, chỉ có điều xương nhiều và rất cứng.

Thác Trăng bắt nguồn từ thượng ngàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thác Trăng bắt nguồn từ thượng ngàn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cá nuôi bằng cỏ phải 4 - 5 năm mới được 1,5 - 2kg và để đạt trọng lượng 3kg phải cỡ 10 năm. Loại cỏ gì chúng cũng ăn nhưng thích hơn cả là lá sắn, lá chuối và đặc biệt là chuối chín. Nếu nuôi cho ăn cám công nghiệp thì cá cũng lớn nhanh nhưng thịt lại không còn thơm ngon nữa. Về sau khách ưa của lạ tìm đến trả giá tới 300.000 đồng/kg thì gia đình anh bắt đầu đồng ý bán.

Cách đây 5 năm, anh Chỏi múc được cái ao rộng chừng 200m2, sâu hơn 1m ở trên đồi, dẫn dòng nước đầu nguồn trong leo lẻo và mát lạnh về. Năm đầu tiên, anh chỉ mang có 6 con cá dầm xanh lớn từ cái ao trước nhà lên cái ao trên đồi để nuôi chơi. Không ngờ, ở môi trường mới, nước chảy vào ra liên tục, chúng “yêu” nhau, đẻ trứng lúc nào không ai hay biết. Đến khi thấy cả đàn cá nhỏ như ngón tay út bơi lội tung tăng trong cái ao chỉ thả mỗi loại cá dầm xanh to nên anh Chỏi phán đoán đó chính là cá giống. Mừng quá, anh gọi cả nhà ra: “Cá dầm xanh trong ao nhà mình đẻ rồi đấy, lên đồi mà xem đi”.

Lứa cá giống đầu tiên anh thu được 3.000 - 4.000 con, bán mỗi con bằng ngón tay út giá 10.000 đồng, bằng ngón tay cái giá 20.000 đồng, bằng cái bật lửa giá 50.000 đồng, tổng cũng được hơn 100 triệu. Năm thứ hai, anh mang tiếp gần 30 con cá dầm xanh to từ ao trước nhà lên ao trên đồi, thế nhưng vụ đó lại thấy rất ít cá con, không hiểu do chúng bị cá lớn ăn hay như bị gì nữa. Năm thứ ba, thứ tư cũng thấy ít. Giờ là năm thứ 5, đáng vào thời điểm giữa tháng 10 lúc tôi đến ấy thường xuất hiện cá con rồi tuy nhiên lại lần này cũng chưa thấy.

Hai ao cá dầm xanh đào ở trên đồi của anh Bùi Văn Chỏi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai ao cá dầm xanh đào ở trên đồi của anh Bùi Văn Chỏi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mỗi năm tiền bán cả hai loại cá giống và cá thịt anh thu khoảng trên 100 triệu đồng nhưng được cái là nhàn. Cá dầm xanh không bị chết dịch như cá trắm, cá chép. Có cỏ thì mỗi ngày cho ăn một lần, không có thì chúng cứ ở dưới nước, không biết phá chuồng đòi ăn như con lợn. Hai ba hôm nay bận mùa màng anh không đi cắt cỏ được thì chúng vẫn bơi vờn từng cặp dưới nước như bình thường.

Cái ao trước nhà có 700 - 800 con cá dầm xanh trọng lượng cỡ 1,5 - 2kg chuyên dành để bán, còn muốn ngon nhất phải cỡ 4 - 5kg, mà loại ấy anh Chỏi lại không bán, dành để làm giống ở cái ao trên đồi. Lúc tôi đến chỉ thấy chúng đang bắt cặp, lúc bơi song song, lúc bơi trên dưới, vờn đuổi nhau, thỉnh thoảng lại chạm đầu, kề má nhau như hôn môi vậy. Mặt nước khẽ xao động tỏa ra những vòng tròn đồng tâm nho nhỏ quanh đôi cá đang say đắm vì tình.

Chỉ cho tôi một đôi cá như vậy, anh phán đoán: “Chắc con cái lớn hơn và thân ngắn, còn con đực nhỏ và thân dài. Cứ vờn như thế chừng 3 hôm thì chúng mới thôi. Cứ thấy cá đuổi nhau, hôn nhau như thế này là tôi tách ra rồi thả vào ao riêng và cũng chẳng rõ chúng đẻ trứng chỗ nào, chìm hay nổi, bao giờ thì nở thành con. Nghe nói ở huyện Mai Châu cũng có người cho đẻ được cá dầm xanh rồi nhưng không biết bên nào cho đẻ được trước…”.

Dân xóm Trăng Tà chẳng mấy ai dám mua cá dầm xanh để ăn vì quá đắt. Chỉ có cán bộ hay khách du lịch ở nơi khác đến tắm thác Trăng mới dám mua. Càng con to họ lại càng thích, phần để ăn, phần để biếu.

Anh Bùi Văn Chỏi dùng mồi lá để câu cá nhưng bất thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Văn Chỏi dùng mồi lá để câu cá nhưng bất thành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Dùng lá cây để làm mồi…câu cá

Hiện trong xóm Trăng Tà khá nhiều hộ nuôi cá dầm xanh, một số có những con to 3 - 4kg nuôi 20 - 30 năm nhưng để cho đẻ được chỉ có 3 hộ trong đó anh Chỏi là thành công đầu tiên. Chuyện vãn, tôi muốn nhờ anh bắt một con cá dầm xanh lên để chụp cận cảnh. Nể khách lắm, anh mới móc cái lá sắn vào lưỡi câu rồi buông cần xuống ao. Trần đời tôi chưa từng thấy ai câu cá bằng lá cả nên mới lững thững ra đồng bắt thêm một vài con châu chấu để làm mồi.

Thế nhưng cả hai thứ mồi đó đều tỏ ra vô tác dụng. Anh Chỏi buột miệng tiếc rẻ: “Nếu có quả chuối chín làm mồi thì chắc chắn câu được. Cá dầm xanh thích ăn quả chuối chín lắm!”. Nản vì không bắt được con cá nào, lại thấy bố con anh đang vội sửa soạn xe để đi phơi thóc nên tôi đành nói lời cáo từ, hỏi đường đến nhà anh Bùi Văn Tú.

Hai cái ao cá dầm xanh nhỏ chừng hơn 100m2 của anh ở ngay dưới chân thác Trăng, cạnh dòng suối Trăng lúc nào cũng ầm ào chảy xiết. Khi biết được mong muốn của tôi, dù mặt đang bừng bừng đỏ vì bữa rượu trưa anh vẫn xăng xái vác chài ra ngay. Sau chừng mươi lần quẳng một nắm cám xuống ao rồi quăng chài mà chỉ bắt được toàn là cá trắm, anh lắc đầu bảo: “Cá dầm xanh rất khôn và nhanh nên khó mà bắt lắm. Hễ nước động là chúng trốn hết ở phần ao dưới ngay gầm nhà sàn”. Bởi thế tôi với bố anh mỗi người cầm một cái sào dài mà thò xuống nước khua khoắng bên trong cho chúng vọt ra rồi anh lại quăng chài tiếp.

Anh Bùi Văn Tú đang tung chài bắt cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Văn Tú đang tung chài bắt cá. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cuối cùng thì thành quả cũng được đền đáp, trúng một con cá dầm xanh chừng 3 năm tuổi, nặng khoảng 1kg.  Dù mắc vào chài nó vẫn lao ầm ầm, cố vùng vẫy chứ không nằm yên chịu trận như cá trắm. Ngay cả khi tưởng như đã nằm chắc trong tay người rồi mà nó vẫn giẫy mạnh rồi rơi đến bịch xuống nền bê tông. Một vệt máu đào chảy nhẹ ra hai bên mép, loang cả vào những hàng vảy lấp lánh xanh, đỏ khiến cho tôi không khỏi lo lắng. Chắc thấy sắc mặt tôi, anh Tú mới cười, động viên rằng giống cá này khỏe lắm, tí thả lại xuống nước là lại bơi ầm ầm.

Hễ con nào lớn cỡ 2 - 3kg thì anh lại chuyển lên ao trên nuôi thành hậu bị, bên cạnh 6 con bố mẹ. Ở đó chỉ thả cá dầm xanh để tránh trường hợp cá con mới nở bị các loại cá khác như rô phi hay trê ăn mất. Anh Tú kể, nghề nuôi cá dầm xanh có ở xứ Mường này từ lâu lắm rồi. 6 con cá bố mẹ trong ao nhà mình được nuôi từ thời ông, đời bố tới đời con là anh quãng 25 - 30 năm mới chịu đẻ. Một buổi sáng tháng 11 của 4 năm về trước anh ra ao thấy một đám cá con đang bơi. Lạ, không thả cá con bao giờ mà lại thấy chúng ở trong ao nên anh mới vội bịt đường ống thoát nước ra suối đi. Tuy nhiên khoảng một nửa số cá con đã kịp đào thoát ra ngoài.

Nhà anh Tú mở dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch đến tắm và ngắm thác Trăng. Khách tự xuống ao, trải nghiệm quăng chài, bắt cá, lấy được con nào, yêu cầu gia chủ đem vào bếp làm ngay con đấy, giá bán 300.000 đồng/kg, công chế biến 100.000 đồng/con nữa. “Cá dầm xanh làm gỏi không bao giờ tanh, ngoài ra còn các món hấp sả, ớt, lá đu đủ; nấu măng chua; nấu lá nồm hay nướng. Mùa cao điểm khách du lịch từ tháng 4 đến tháng 9 em bán khoảng 200kg cá thương phẩm, còn cá giống thì bán với giá từ 5.000 - 30.000 đồng/con tùy kích cỡ, tổng cộng cũng được chừng 80 - 90 triệu đồng mỗi năm”, anh Tú thông tin.

Anh Bùi Văn Tú bên con cá dầm xanh chừng 3 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Bùi Văn Tú bên con cá dầm xanh chừng 3 năm tuổi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nơi mỗi con cá to trở thành niềm tự hào của gia chủ

Ngoài được nuôi phổ biến ở xóm Trăng Tà của xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, ở xã Vạn Mai, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũng là một nơi có nhiều mạch nước ngầm chảy ra từ khe núi rất phù hợp để nuôi loài cá đặc sản này. Hơn thế, nơi đây còn giáp ranh với dòng sông Mã của tỉnh Thanh Hóa vốn là một vương quốc của loài cá này từ hàng ngàn đời nay. Cữ tháng 6 tháng 7, cá dầm xanh loại thau tháu từ sông Mã ngược dòng Nậm Sia. Người già bảo đó là cá đi thăm quê, bảo cả bản túa ra vớt có lúc được cả tạ, cả tấn. Người Thái không bắt dầm xanh theo kiểu tận diệt mà mỗi mùa họ làm một con mương nhỏ để cá ngược dòng qua Nậm Sia duy trì nòi giống.

Tôi chợt nhớ đợt đến Vạn Mai 11 năm về trước. Xã có 7 bản thì tới 4 bản nuôi cá dầm xanh gồm Nghẹ, Củm, Lọng, Khán với hàng trăm cái ao nước chảy róc rách suốt đêm ngày. Mà hễ đường ống nào bị tắc là cá ngửa trắng bụng ngay. Được chủ cho ăn chủ yếu là khẩu phần thực vật như cỏ, lá, quả nhưng loại cá này cũng không chối từ nguồn protein từ động vật, đặc biệt là những thứ tanh như lòng bò, trâu, gà, vịt. Trong một lần anh Hà Công Linh - cán bộ địa chính xã Vạn Mai làm gà ở dưới cầu ao bên nhà, sơ sảy cái bị đàn dầm xanh xúm lại lôi tuột cả lòng lẫn thịt khiến cho phải nhảy ùm xuống mà kịp với theo cái thân, còn bộ lòng đã tan biến vào trong… ruột cá.

Nhiều chủ ao ở Vạn Mai kể mùa đẻ trứng của dầm xanh vào tháng hai, tháng ba âm lịch. Cả đàn quần nhau, đẻ những dây trứng dài như cái xúc xích màu đỏ tươi nổi lều bều bám bờ ao, cành mục cuối cùng bị cá khác ăn hết nên chẳng thành giống.

Cận cảnh cá dầm xanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh cá dầm xanh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng là dầm xanh nhưng người Thái ở huyện Mai Châu gọi những cách khác nhau theo trọng lượng của nó. Pa pòn là cá bằng ba ngón tay đến 5kg. Từ 5kg trở lên gọi là pa pộc, nuôi phải mất hàng chục năm thậm chí hơn. Pa pộc là niềm tự hào của gia chủ. Người Thái nuôi pa pộc để… làm cảnh cho khách xem, để cho mình ngày ngày ngắm như một cái thú. Bởi thế nhà ai có cỡ chục con pa pộc thì có thể vênh mặt, tự hào mà giới thiệu cho người khác thành quả nuôi cá dầm xanh hàng chục năm qua của mình. Loại pa pộc ấy có tiền nhiều khi cũng không thể mua được là vì thế, dù có trả 500.000 - 700.000 đồng/kg đi chăng nữa.

Thế mà ở huyện Mai Châu có một số đám cưới, gia chủ chịu chơi đến nỗi mua một lúc cả tạ cá dầm xanh để khoản đãi khách với những món nướng, nấu măng chua và nhất là gói lá chuối đồ sả. Ăn hết con cá rồi đến ngay cả cái lá thực khách cũng đưa lên… mũi mà hít hà, luyến tiếc không nỡ vứt. Bàn tay của người sau khi cầm lá còn vấn vương thơm suốt nhiều giờ liền…

Theo các nhà nghiên cứu, giống cá ở suối "cá thần" Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa cũng là cá dầm xanh hay còn gọi là cá bỗng. Tuy nhiên vì yếu tố tâm linh nên bà con ở đây kiêng không bắt, không ăn thịt “cá thần” và thêu dệt lên đủ thứ đáng sợ để răn những người có ý định hãm hại chúng nên giúp cho loài này sinh sản, phát triển mỗi lúc một nhiều đến nỗi đặc cả suối.

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.