| Hotline: 0983.970.780

Khép lại hành trình trao bồn nước, nối nhịp cầu mới với nông thôn

Thứ Bảy 17/06/2023 , 06:39 (GMT+7)

ĐBSCL Có thể thấy chương trình trao bồn nước thực hiện đúng thời điểm và địa điểm. Nhờ vậy bà con được tặng bồn chứa nước đã tận dụng hứng nước mưa sử dụng được liền.

Đến nay có thể đúc kết chương trình trao bồn nước cho bà con vùng hạn mặn ở ĐBSCL với '3 thật', đó là 'chân thật, việc thật, người thật'. Ảnh: Kiều Trang.

Đến nay có thể đúc kết chương trình trao bồn nước cho bà con vùng hạn mặn ở ĐBSCL với “3 thật”, đó là “chân thật, việc thật, người thật”. Ảnh: Kiều Trang.

Hành trình trao bồn nước đến bà con vùng hạn mặn ĐBSCL do Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành phối hợp vừa khép lại để mở nhịp cầu mới với nông thôn.

Tấm lòng với vùng sông nước

Trong suốt hành trình trao bồn nước tại 8 tỉnh bị ảnh hưởng của hạn mặn ở ĐBSCL chúng tôi không giấu được sự cảm động khi bà con đến đón nhận bồn nước. Có tổng cộng 240 chiếc bồn nước nhựa 500 lít/bồn được trao tận tay và kèm phiếu bảo hành cho 240 hộ dân. Rồi hàng trăm chiếc bình giữ nhiệt cũng được gửi tặng thêm cho bà con mang về làm quà. 

Tại các nơi đến trao bồn nước, qua trò chuyện chúng tôi cảm nhận mỗi gia đình một hoàn cảnh nhưng họ đều có điểm chung là kinh tế rất khó khăn. Điển hình như một vài hộ dân tộc Khmer ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) hay ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu), bà con đến nhận bồn nước nhưng không có tiền thuê xe chở về nhà.

Thấy hoàn cảnh bà con khó khăn nên anh em trong đoàn đã biếu bà con ít đồng để có tiền thuê xe ba gác chở bồn về tận nhà. Một vài nơi chính quyền địa phương còn dặn bà con rất thiệt lòng “bà con mang về sử dụng đúng mục đích chứ đừng có kẹt tiền mà bán đi”.

Có thể thấy chương trình trao bồn nước thực hiện đúng thời điểm và địa điểm. Về thời điểm, cuối tháng 5 ở ĐBSCL nắng nóng oi bức, sau đó bước vào đầu tháng 6 trời mưa khá nhiều. Nhờ vậy bà con được tặng bồn chứa nước đã tận dụng hứng nước mưa sử dụng được liền. Còn về địa điểm, ngành nông nghiệp chọn các hộ khó khăn để trao bồn nước là các xã mấy năm qua bị ảnh hưởng của hạn mặn.

Điển hình như ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh, chiếm gần 93%. Ở đây, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi, khiến việc khoan giếng nước ngầm khó khả thi, nước bơm lên bị nhiễm mặn, người dân chủ yếu phải tích trữ nước mưa hoặc nước lấy từ sông lên lắng phèn để sử dụng trong mùa khô.

Chương trình trao bồn nước thực hiện đúng thời điểm và địa điểm. Ảnh: Kiều Trang.

Chương trình trao bồn nước thực hiện đúng thời điểm và địa điểm. Ảnh: Kiều Trang.

Tại buổi trao bồn nước cho bà con nơi đây vào ngày 26/5/2023, ông Nguyễn Thành Được, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã cam kết: “Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng sẽ có kế hoạch kéo đường nước sạch an toàn tới tận nhà 30 hộ dân được nhận hỗ trợ bồn nước từ Tập đoàn Tân Á Đại Thành và Báo Nông nghiệp Việt Nam dịp này”.

Còn ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), mặc dù bốn bề sông rạch nhưng nhiều người dân ở đây lại đang thiếu nước sạch sử dụng hàng ngày. Qua lời chia sẻ của Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hồng Duy, thì Khánh Thuận có 15 ấp với hơn 2.900 hộ dân, trong đó có tới 300 hộ nghèo và 38 hộ cận nghèo.

Nguồn nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày của người dân nơi đây chủ yếu lấy từ giếng khoan. Thế nhưng không phải vị trí nào cũng khoan được giếng nước. Hiện tại, trên nhiều tuyến kênh của xã Khánh Thuận nguồn nước bị nhiễm mặn, vào mùa mưa bà con phải tận dụng lu, kiệu để chứa nước mưa. So với nhu cầu sử dụng, khối lượng tích trữ được cũng chẳng thấm vào đâu.

Những điều thật chân thành

Chương trình trao bồn nước cho bà con 8 tỉnh bị ảnh hưởng của hạn mặn ở vùng ĐBSCL được khởi động từ giữa tháng 5/2023 và kết thúc vào giữa tháng 6/2023. Một tháng qua đi với biết bao cảm xúc của những người thực hiện chương trình này. Đến nay có thể đúc kết chương trình trao bồn nước cho bà con vùng hạn mặn ở ĐBSCL với cụm từ “3 thật”, đó là “chân thật, việc thật, người thật”. 

Đề nghị thật, từ khi Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn Tân Á Đại Thành bàn thảo thực hiện chương trình này để đi đến quyết định chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tại sao hai bên lại có thể đi đến quyết định và triển khai được nhanh như vậy?

Thưa, vì đó là sự chân thật. Chân thật vì anh em phóng viên làm Báo Nông nghiệp Việt Nam có điều kiện đi công tác khắp các vùng nông thôn, thấu hiểu những khó khăn ở vùng hạn mặn ĐBSCL nên đề xuất nhà tài trợ xem xét hỗ trợ dụng cụ thiết yếu nhất là bồn chứa nước. Tập đoàn Tân Á Đại Thành - Nhà tài trợ nghe đề nghị chân thật này đã quyết định hỗ trợ ngay vì đó là nhu cầu thật. 

Mỗi hộ dân đến nhận bồn chứa nước là một hoàn cảnh nhưng họ đều có điểm chung là còn nghèo. Ảnh: Kiều Trang.

Mỗi hộ dân đến nhận bồn chứa nước là một hoàn cảnh nhưng họ đều có điểm chung là còn nghèo. Ảnh: Kiều Trang.

Công việc thật, khi triển khai chương trình này khó khăn nhất vẫn là khâu vận chuyển bồn nước từ nhà máy sản xuất đến tận nơi để trao cho bà con đúng lịch hẹn. Bồn nước cồng kềnh nên phải chuyên chở bằng xe tải lớn, trong khi đường nông thôn hẹp nên anh em được giao nhiệm vụ phải bám sát địa bàn. Cùng với việc chuyên chở bồn đến tận nơi đúng kế hoạch, anh em kỹ thuật còn phải trực tiếp có mặt hướng dẫn bà con lắp ráp các van, vòi cho bồn chứa nước. Những công việc này thật sự vất vả với những anh em bám địa bàn thực hiện chương trình.

Con người thật, khi chọn danh sách bà con có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu thật để xét duyệt trao bồn anh em địa phương đã rất cẩn thận. Có thể nói danh sách các hộ nghèo trong xã thì nhiều nhưng những hộ dân cần bồn nước thật để chọn trao bồn nước mới khó. Danh sách bà con đến nhận bồn nước đều là những hộ có nhu cầu thật.

Trong suốt hành trình đi 8 tỉnh trao bồn nước đại diện các nhà tài trợ đã trực tiếp về tận các địa điểm tận tay trao bồn nước, gửi phiếu bảo hành và quà tặng là bình giữ nhiệt cho bà con. 

Tiếng lòng từ chương trình

Ông Lê Văn Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây dựng HUD Kiên Giang - Tập đoàn Tân Á Đại Thành chia sẻ, món quà của Tập đoàn Tân Á Đại Thành tuy còn khiêm tốn nhưng đã phần nào thể hiện tình cảm, sự quan tâm đối với người dân vùng khó khăn, giúp bà con vượt qua khó khăn. Không dừng lại ở chương trình này mà chúng tôi đã có kế hoạch làm cầu nông thôn cho bà con vùng ĐBSCL.

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL bày tỏ, chương trình nhận được sự ủng hộ nhiệt tình và đánh giá cao của Sở NN-PTNT, UBMTTQ Việt Nam 8 tỉnh và lãnh đạo địa phương các cấp nơi đến trao bồn nước. Đặc biệt là sự đón nhận thiệt tình và cảm động của bà con có hoàn cảnh khó khăn được địa phương chọn để trao tặng bồn nước.

Chương trình 'Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành' đã trao tặng 240 bồn nước nhựa cho 8 tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Kiều Trang.

Chương trình “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành” đã trao tặng 240 bồn nước nhựa cho 8 tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn mặn. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nhận xét, chương trình này rất thiết thực. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đường đi về vùng sâu, vùng xa khó khăn, nhưng quý vị đã về tận nơi tổ chức trao tặng bồn nước nhựa sinh hoạt cho các hộ dân tại các địa phương.

Đây là một hành động đầy ý nghĩa, khi mà nước là tài nguyên quý giá và cần thiết để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Với việc được tặng bồn nước, các hộ dân không chỉ giảm bớt khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nước sạch, mà còn giúp cho cuộc sống của họ trở nên tiện lợi hơn, trong điều kiện biến đổi khí hậu và thiên tại ngày càng diễn ra phức tạp. 

Bà Lê Thị Cẩm Tú, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An khẳng định, món quà chương trình trao tặng thật ý nghĩa cho bà con vùng này. Những năm trước đây, nhất là năm 2020 hạn mặn khốc liệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã kêu gọi các mạnh thường quân ủng hộ được gần 10 tỷ đồng để mang nước ngọt đến với bà con. Gần đây, cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm đã góp phần giảm bớt khó khăn.

Chương trình “Phủ xanh miền Tây cùng Tân Á Đại Thành” đã trao tặng 240 bồn nước nhựa cho 8 tỉnh vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng của hạn mặn gồm Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Mỗi tỉnh được trao tặng 30 bồn nước nhựa HDPE Plasman Đại Thành, sản xuất trên dây chuyền tự động - Blow moulding đúc nguyên khối trị giá 2.500.000 đồng/bồn và các bình giữ nhiệt. Tổng trị giá đợt trao bồn nước chương trình này hơn 600.000.000 đồng.

Xem thêm
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII (Hà Nội, ngày 20/9/2024).

Triển khai các quy định mới về điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản

Cần Thơ Buổi tập huấn góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp xung quanh các quy định mới về sản xuất thức ăn và bảo vệ môi trường thủy sản.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Hòa Bình triển khai san gạt, hạ cốt khu vực đồi Lủ Thao

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình trực tiếp yêu cầu huyện Lương Sơn khẩn trương triển khai dự án phòng, chống sạt lở khu vực đồi Lủ Thao.