Ông Lê Như Tiến |
- Chỉ trong thời gian ngắn, tại các trường học, liên tiếp xảy ra những vụ bê bối tình dục khiến dư luận không khỏi bức xúc, ông có cảm thấy nỗi bức xúc của người dân, cử tri là có cơ sở?
Thời gian qua, rất nhiều câu chuyện buồn xảy ra trong môi trường giáo dục từ bạo lực học đường cho đến bạo lực tình dục - hiệu trưởng dâm ô với hàng loạt học sinh nam ở Phú Thọ, cô giáo có quan hệ tình cảm với học trò ở Bình Thuận hay mới đây nhất là việc một thầy giáo quan hệ tình dục nhiều lần khiến một học sinh lớp 8 mang thai ở Lào Cai.
Rất tiếc là những vụ việc này chỉ được phát hiện khi gia đình (người bị hại) tố cáo trong khi cả BGH nhà trường im lặng (thậm chí có giáo viên tiếp tay - trong vụ thầy hiệu trưởng dâm ô hàng loạt học sinh nam ở Phú Thọ).
Đây rõ ràng là tiếng chuông rung động, cảnh báo đối với môi trường học đường hiện nay. Nó không chỉ còn là những sự vụ việc lẻ tẻ mà xuất hiện khá nhiều, bằng nhiều hình thức khác nhau. Không chỉ là những vụ việc xâm phạm tình dục mà còn cả bạo lực tinh thần, thân thể học sinh.
Môi trường học đường lẽ ra phải văn hóa nhất, môi trường bình an, lành mạnh nhất đối với các em ấy vậy mà giờ đây các thầy các cô lại làm việc đồi bại đó thì không thể nào làm cho học sinh và xã hội yên tâm được. Điều này làm cho phụ huynh không yên tâm khi gửi con em mình đến trường, nhất là các em gái.
- Vậy phải chăng thưa ông, đạo đức của giáo viên đã xuống rất thấp, ở mức báo động…
Tôi thấy có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chính môi trường sư phạm - môi trường văn hóa đã bị nhuốm màu, đã bị vấy bẩn bởi sự gương mẫu của các thầy cô. Thứ hai, khi các phương tiện Internet, truyền thông đến với thầy cô và các em một cách dễ dàng, điều này ảnh hưởng đến lối sống, hành động của thầy cô và các em. Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền không thường xuyên và kịp thời, không phát huy được vai trò. Nguyên nhân thứ tư, có thể là do không phát huy được vai trò của các tổ chức trong nhà trường - ngoài hội đồng trường còn có đoàn thanh niên, công đoàn, phụ nữ, đội thiếu niên tiền phong, hội cha mẹ học sinh…
Qua theo dõi nhiều vụ việc tôi thầy gần như các tổ chức ấy đều im lặng trong khi lẽ ra những tổ chức này phải phát huy vai trò, phát hiện sự việc kịp thời.
Nguyên nhân thứ 5, đó là vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục - đó là hiệu trưởng và Ban giám hiệu. Trên thực tế có những hiệu trưởng không gương mẫu trực tiếp có hành vi trái thuần phong mỹ tục. Họ gương mẫu ở đâu, khi đó chính là những tấm gương “xấu” đối với thầy cô và học sinh?
Nguyên nhân lớn nhất theo tôi công tác thanh tra, kiểm tra của cấp trên có thẩm quyền đối với các nhà trường, giáo viên còn lơi lỏng. Khi xảy ra vụ việc không xử lý một cách nghiêm khắc, thậm chí còn bao che cho nhau, che giấu để giữ ổn định và thành tích của trường mình.
Rồi đến vai trò của hội cha mẹ học sinh, nếu có dấu hiệu như vậy thì cha mẹ học sinh phải lên tiếng, thậm chí có quyền giám sát việc học hành của con cái mình trong nhà trường. Khi có những chuyện bất bình thường phải tìm hiểu con cái và liên hệ với các thầy cô chủ nhiệm và Ban giám hiệu nhà trường để xử lý kịp thời thì sẽ không xảy ra những hậu quả đáng tiếng như vừa qua.
Ảnh minh họa |
- Xin ông cho biết, chúng ta có nên đặt ra những quy định rất cụ thể về những điều giáo viên được, và không được làm không?
Trước đây, những hành động của nhà giáo không ghi thành nguyên tắc nhưng nó thuộc về phạm trù đạo đức rồi. Theo đó, người thầy không bao giờ được phép hành xử thân mật quá với học sinh, đặc biệt đối với học sinh khác giới; người thầy phải tạo sự nghiêm minh, công bằng đối với các học sinh; tiếp học sinh ở phòng hội đồng chứ không phải tại phòng thầy cô rồi đóng cửa lại như thế; khi tiếp có một hai học sinh hoặc cô giáo chủ nhiệm cùng có mặt… Nếu làm được những điều này thì không thể nào có chuyện thầy hoặc cô có những hành vi thân mật với các em được.
Hiện chúng ta mới có những quy định chung chung kiểu: đi học đúng giờ, lên lớp làm bài đầy đủ… Các quy tắc ấy mới chỉ nghiêng về kiến thức là chủ yếu còn quy tắc về ứng xử, đạo đức giữa con người với nhau thì còn thiếu. Khi mình không có những quy định chặt chẽ, rõ ràng sẽ tạo nên sự lơi lỏng và tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện những hành vi dâm ô với trẻ em.
Vì con người bao giờ cũng có hai phần: con - người. Phần con là bản năng, nhục dục, còn phần người là phần bị quy định bởi trí tuệ, lý trí… Nếu như phần người không được trau dồi đầy đủ lại không bị quản lý bởi những quy định chặt chẽ thì phần con sẽ trỗi dậy.
Dó đó, để hạn chế tình trạng này, theo tôi, trong nhà trường nên xây dựng những quy định, quy tắc ứng xử riêng của trường mình. Ở đó quy định rõ việc ứng xử giữa thầy với thầy, giữa giáo viên với học sinh; giáo viên với cha mẹ học sinh và học sinh với học sinh… Ví dụ thấy học sinh đánh nhau, thầy cô, bạn bè phải làm gì; thấy thầy cô thân mật với học sinh phải ứng xử ra sao… Toàn bộ những điều ấy đều được cụ thể hóa trong bộ quy tắc ứng xử. Ai vi phạm những quy tắc ấy đều phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, trước tập thể trước các cơ quan hành chính, thậm chí loại ra khỏi ngành, cao hơn truy tố trước pháp luật nếu có hành vi dâm ô với trẻ em.