| Hotline: 0983.970.780

Hiệu quả trồng xen

Khi 'kép phụ' là vai chính!

Thứ Năm 13/05/2021 , 16:56 (GMT+7)

Thu nhập từ 2 sào đất trồng xen canh cây ăn quả lợi nhuận thậm chí còn cao hơn so với trồng 1 ha cà phê.

Khi "kép phụ" lại là vai chính

Yang Mao là xã vùng sâu của huyện Krông Bông (Đắk Lắk). Điều kiện phát triển kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm trên 60%. Diện tích đất sản xuất ít, song phần lớn các hộ dân ở đây đang trồng độc canh một số loại cây trồng kém hiệu quả.

Gần đây, một số nông dân ở buôn Mghí (xã Yang Mao) đã chuyển đổi cây trồng, trồng xen nhiều loại cây ăn quả có giá trị, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định.

Nhờ trồng xen các loại cây ăn quả vào vườn hồ tiêu, nhiều hộ dân ở buôn Mghí đã cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê hay hồ tiêu. Ảnh: Tùng Lâm.

Nhờ trồng xen các loại cây ăn quả vào vườn hồ tiêu, nhiều hộ dân ở buôn Mghí đã cho thu nhập tăng gấp nhiều lần so với trồng thuần cà phê hay hồ tiêu. Ảnh: Tùng Lâm.

Trước đây, thu nhập bình quân mỗi năm từ 1 ha cà phê và 3 sào cây hồ tiêu của gia đình anh Trần Hữu Thân ở buôn Mghí sau khi trừ hết chi phí, cho lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng. Nhờ áp dụng trồng xen các loại cây ăn quả vào vườn cà phê, hồ tiêu, hiện nguồn thu của gia đình anh đã tăng thêm đáng kể. 

Cách đây 3 năm, khoảng 20 cây sầu riêng và hàng trăm cây mận, hồng xiêm, chuối tiêu do anh trồng xen trên vườn cà phê và hồ tiêu đã bắt đầu cho thu quả, giúp gia đình anh Thân có thêm lợi nhuận từ 25 đến 30 triệu đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tâm ở cùng buôn Mghí ngoài 100 cây sầu riêng trồng chuyên canh đã cho thu hoạch, 4 năm trước anh cũng đã mạnh dạn trồng trồng xen nhiều loại cây ăn quả trên mảnh vườn 3 sào trồng hồ tiêu với các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, cam, dứa, na Thái, ổi, hồng xiêm, chuối... Năm vừa qua, một số loại cây ăn quả trồng xen canh đã cho thu hoạch lứa đầu như dứa, cam, ổi, chuối, đem về thêm hơn 10 triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí.

Với gia đình anh Nguyễn Văn Tiến ở buôn Mghí, hơn 2 sào đất ven đường trước đây anh chỉ trồng các loại cây như đậu đỗ, bắp lai, sắn. Trừ chi phí, mỗi năm cũng chỉ thu về từ 3 triệu đến hơn 5 triệu đồng.

Trồng xen chuối trong vườn cà phê ở buôn Mghí. Ảnh: Tùng Lâm.

Trồng xen chuối trong vườn cà phê ở buôn Mghí. Ảnh: Tùng Lâm.

Thấy kém hiệu quả, anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và đã cho lợi nhuận tăng gấp nhiều lần. Mới đầu, anh mua 100 cây chôm chôm Thái về trồng. Vì trồng thưa, đất trống nhiều, anh tiếp tục xen các loại cây như bơ booth, nhãn, vải thiều, na Thái, sầu riêng, vú sữa, xoài, hồng xiêm, bưởi, ổi... Phần đất trống còn lại anh trồng dứa.

Do chăm sóc cẩn thận nên các loại cây ăn quả đều phát triển rất tốt, nhiều cây đã cho thu hoạch. Mùa nào thức ấy, mảnh vườn của anh lúc nào cũng có nguồn thu. Hai năm nay, thu nhập từ mảnh vườn hơn 2 sào trồng xen canh các loại cây ăn quả của gia đình anh Tiến từ 40 triệu đến 50 triệu đồng/năm.

Anh Tiến chia sẻ: Trồng xen các loại cây ăn quả trên một thửa đất mang lại hiệu quả gấp nhiều lần so với trồng độc canh một loại cây. Tuy việc chăm sóc có phần khó và vất vả hơn vì mỗi loại cây kỹ thuật chăm sóc khác nhau. Song lại tận dụng hết được lượng phân bón, tiết kiệm được nước tưới.

Vì vậy, việc quan trọng nhất để trồng xen có hiệu quả, đó là phải chọn trồng xen những cây có kỹ thuật chăm sóc giống nhau, không trồng xen quá dày, chăm sóc cẩn thận, đúng kỹ thuật. Với giá cả như hiện tại, thu nhập từ 2 sào đất trồng xen canh cây ăn quả lợi nhuận thậm chí cao hơn so với trồng 1 ha cà phê.

Trồng xen, lợi đủ đường

Hiệu quả đem lại rõ nhất trong việc trồng xen canh nhiều năm nay ở buôn Mghí là mảnh vườn của gia đình Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Mao, ông Trần Văn Bình. Ông đã sớm thấy được lợi nhuận của việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê.

Với diện tích 1 ha trồng cà phê trước đây, mặc dù chăm sóc tốt nhưng gia đình ông chỉ thu về hơn 30 triệu đồng sau khi trừ hết chi phí. 8 năm trước, ông đã mạnh dạn trồng xen sầu riêng, chôm chôm Thái, hồng ăn quả, vú sữa, mít Thái, chuối vào vườn cà phê.

Chỉ với 34 cây sầu riêng trồng xen trên vườn cà phê, đã giúp ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Mao thu được tới 74,7 triệu đồng. Ảnh: Tùng Lâm.

Chỉ với 34 cây sầu riêng trồng xen trên vườn cà phê, đã giúp ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Mao thu được tới 74,7 triệu đồng. Ảnh: Tùng Lâm.

Năm vừa qua, 34 cây sầu riêng trồng xen trên vườn cà phê đã giúp ông bán được tới 74,7 triệu đồng; 9 cây chôm chôm bán 32 triệu đồng, 9 cây hồng bán được 9 triệu đồng... Ông Bình tâm sự: Buôn Mghí nằm ở ven đồi nên hợp với trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả.

Nếu trồng xen sầu riêng và các loại cây ăn quả khác thì hiệu quả kinh tế tăng lên rất nhiều. Việc trồng xen canh sẽ vất vả hơn, song tiết kiệm được quỹ đất, phân bón, nước tưới. Gia đình nào mạnh dạn đầu tư trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả vào vườn cà phê hay hồ tiêu chắc chắn hiệu quả kinh tế sẽ tăng gấp nhiều lần so với trồng độc canh.

Mô hình chuyển đổi cây trồng, trồng xen các loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương vùng sâu huyện Krông Bông đã xuất hiện nhưng chưa nhiều, chưa được nhân rộng. Đây là những mô hình phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, trình độ canh tác của người dân ở đây.

Hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đất làm theo hướng này sẽ tăng cao. Nếu nhân rộng thì đây là một trong những giải pháp hiệu quả để nhiều gia đình ở các địa phương vùng sâu giảm nghèo một cách bền vững.

Xem thêm
Kiên Giang gặp khó khi tăng đàn heo

Chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Kiên Giang đang được duy trì và phát triển nhưng còn thấp so với kế hoạch, việc tăng đàn gặp khó khăn, nhất là đàn heo.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.