| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 14/01/2015 , 07:42 (GMT+7)

07:42 - 14/01/2015

Khi nguồn vàng khổng lồ bị bỏ phí

Từ giữa năm 2011, khi các ngân hàng thương mại nhận lệnh ngừng huy động và cho vay vàng, thì người dân có vàng mang vàng về nhà cất giữ, như một biện pháp để bảo toàn vốn. 

Từ đó đến nay, đã có rất nhiều ý kiến đề nghị, nên sớm nghiên cứu để huy động trở lại nguồn lực này, đưa vào lưu thông phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu triển khai giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khi các điều kiện thị trường thuận lợi.

Về việc này, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, ông Nguyễn Thành Long, cho biết: “Rất nhiều lần hiệp hội kiến nghị cần có phương án huy động vàng trong dân, nhưng đến nay, vẫn chưa có tín hiệu rõ ràng.

Thực tế giá vàng trong nước vẫn không về sát giá thế giới (chênh lệch hiện vào khoảng 4 triệu đồng/lượng), nhưng người dân vẫn nắm giữ vàng. Mua vàng xong, đem về nhà cất, thì không tốt cho nền kinh tế”.

Lần này, Chính phủ tiếp tục đề cập đến việc huy động vàng trong dân, chứng tỏ Chính phủ rất muốn đưa nguồn lực này vào lưu thông trong nền kinh tế.

Dân gian có câu “Tiền ở trong nhà là tiền chửa. Tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ”. Vàng là kim loại quý, có giá trị thanh toán quốc tế và có giá trị quy đổi ra những ngoại tệ mạnh như USD, Euro. Để một lượng vàng khổng lồ, mà theo đánh giá của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, thì con số đó là từ 300 đến 500 tấn, tương đương với 17 đến 21 tỷ USD, nằm chết trong dân, không đưa vào lưu thông, trong khi nền kinh tế của ta thiếu vốn trầm trọng, thường xuyên phải đi vay nước ngoài, là một sự lãng phí rất lớn. Một khi có được nguồn lực đó trong tay, Nhà nước sẽ có điều kiện hơn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế, người dân Việt Nam khi có điều kiện, thường tích trữ vàng trong nhà như một biện pháp để bảo toàn vốn, có nguyên nhân là do lạm phát, VND mất giá liên tục, có năm tiền trượt giá đến 18%.

Có điều vàng nằm trong dân mà không chảy vào hệ thống ngân hàng thì không có điều kiện để sinh lời. Trong khi Nhà nước thì lại không tận dụng được nguồn vốn này. Nhưng qua năm 2014 mới rồi, cho thấy lạm phát đã được kiềm chế, VND ổn định, kinh tế vỹ mô ổn định. Đây chính là thời cơ để Nhà nước có thể huy động số vốn khổng lồ đang nằm “chết” trong dân, để phát triển kinh tế.

Vấn đề là Ngân hàng Nhà nước cần có một đề án như thế nào nhằm huy động nguồn lực đó, để người dân có vàng có lợi ích thỏa đáng, mà nền kinh tế của đất nước có thêm một nguồn lực rất đáng kể để phát triển, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.