| Hotline: 0983.970.780

Khó đăng ký mã cơ sở nuôi tôm: [Bài 1] Những khu đầm bỏ hoang

Thứ Tư 20/11/2019 , 08:46 (GMT+7)

Việc cấp mã số nhận diện và xác nhận đăng ký nuôi chủ lực tôm thẻ chân trắng tại TP Móng Cái đang được các ngành chức năng địa phương quyết liệt vào cuộc.

Tuy nhiên vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chưa được tháo gỡ khiến nhiều hộ nuôi tôm hoang mang.
 

Tôm ế!

TP Móng Cái, vùng đất được mệnh danh là thủ phủ tôm của Quảng Ninh, trước nay luôn được thương lái Trung Quốc về tận nơi thu gom tôm thương phẩm. Chính vì sức hấp dẫn này mà thời gian qua, đã có hàng nghìn hộ dân quyết tâm chuyển đổi đất, cơi nới, cải tạo đầm để nuôi tôm.

09-32-36_tom_1
Nhiều khu đầm tôm không được người dân đầu tư.

Nếu như một thời ở đây gần như không còn đất trống, ngút mắt những đầm tôm với máy sục khí chạy suốt ngày đêm, thì nay là cảnh hoang hoải, trống vắng.

Ở khu 4 xã Bình Ngọc, các đầm nuôi tôm trở nên thưa vắng, ít người qua lại. Thi thoảng mới có một vài chủ hộ đến chăm coi đầm. Ông Dũng, quê Thái Bình, một người nuôi tôm thâm niên, ngồi một góc trên phần đầm, chống tay lên cằm thở dài. Nhớ lại ngày đầu khi về vùng đất mới này, ông phải thuê mướn nhiều diện tích đất của bà con để nuôi tôm. Tất cả mọi chi phí đều dồn lên đầu người xa xứ với ước vọng đổi đời, từ đào ao, đổ bê tông rồi lắp đặt các thiết bị như bóng đèn, dây điện, cánh quạt, máy bơm nước... 

Những tưởng sau vụ tôm vừa rồi, ông sẽ có thêm chút vốn sau khi trả những chi phí đầu tư ban đầu, nhưng rồi mọi thứ đã trở thành con số không tròn trĩnh khi tôm không bán được sang Trung Quốc, giá bán nội địa thì quá rẻ, không đủ bù chi phí. Bây giờ thì không còn vốn để mua con giống, không vốn để tái tạo sản xuất.

Ngồi giữa 4 đầm tôm, đầm vơi, đầm cạn, ông Dũng than thở: Có phải dễ dàng đâu, cả bạc tỷ chứ ít gì. Khi mới đến đây tôi đã phải tốn rất nhiều cho kịp người, từ học các quy trình kỹ thuật, cải tạo đầm tôm cho đến thức ăn, con giống làm rất bài bản nhưng mùa được mùa mất, có những năm lỗ hơn một nửa vẫn phải nhắm mắt tái đầu tư, chứ đầm để không như này cũng coi như chết. Năm nay thì không tài nào XK được sang Trung Quốc, giá giảm hơn nửa như này chắc chỉ còn nước bán đầm. Mà bán chắc gì có người mua?

Một người đàn ông khác xa quê với dáng vẻ khốn đốn, đôi mắt thâm quầng vì nhiều ngày thiếu ngủ. Lý do duy nhất mà người đàn ông kiệm lời này đưa ra là giá tôm giảm mạnh quá, tiêu thụ nội địa không đáng là bao so với số vốn bạc tỷ đầu tư ban đầu. Cách đây 7 năm, ông Quân được bạn bè giới thiệu cho phần đất đầm có người bán, ngay lập tức ông bỏ quê Hải Phòng ra Móng Cái làm ăn. Xuất thân từ nhà nông, quen với việc đồng áng để có thể bắt tay vào việc nuôi tôm, ông Quân cũng phải chật vật học đủ thứ.

“Học phí của trường đời thường đắt đỏ hơn so với sức tưởng tượng của tôi, thế nhưng đâm lao phải theo lao, lỡ làm rồi thì biết sao?”, ông Quân nói.

14-53-12_img_5704
Nhiều hộ đầu tư lớn nuôi tôm ở Móng Cái, được mùa nhưng vẫn thua lỗ vì tôm không xuất khẩu được, giá bán thấp.

Phải thừa nhận rằng, các hộ nuôi tôm ở Móng Cái đa phần đều làm ăn lớn, họ không chỉ bỏ của cải để đầu tư cho đất đai. Những năm trước khi tôm Móng Cái có đủ khả năng XK, thường các hộ cũng sẽ thành lập riêng cho mình một công ty thủy sản, song, lý do đơn giản đã đầu tư phải đầu tư “từ A đến Z” mới hy vọng kiếm được lời, chứ nuôi tôm mà hời hợt, manh mún thì không ăn thua. Tuy nhiên, việc XK ngưng trệ đang khiến cả trăm công ty như thế đóng cửa.

Ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội nghề cá TP Móng Cái tâm sự: Trong điều kiện tôm không thể XK như hiện nay, giá tôm gần như giảm một nửa. Hộ trước đây là điển hình tiên tiến trong "dám nghĩ, dám làm" đầu tư mạnh tay thì càng trở nên thê thảm. Miệng thì cười đấy nhưng cũng phải đang oằn vai gánh nợ.

Qua khảo sát ngắn tại riêng xã Bình Ngọc, có đến 3 hộ rơi vào tình trạng mất trắng, phải đi làm thuê.
 

Không dám tái đầu tư

Tình trạng sản xuất cầm chừng diễn ra khá phổ biến khắp các địa bàn tại TP Móng Cái sau khi tôm không thể XK sang Trung Quốc. Những yếu tố được nước họ đưa ra bao gồm cả mã cơ sở nuôi, mã này sẽ được cơ quan có thẩm quyền thu nhận từ phía hộ chăn nuôi, sau đó gửi phía Trung Quốc xét duyệt, điều này đồng nghĩa với XK tôm phải có mã số cơ sở này để nhận diện, dễ dàng kiểm tra.

Để tháo gỡ tình trạng này, giúp bà con nhân dân nuôi tôm được duy trì nuôi trồng, Móng Cái là đơn vị được chọn làm điểm. Tuy nhiên đã hơn 3 tháng trôi qua, các hộ nuôi tôm vẫn lận đận trong việc tiếp cận thủ tục hồ sơ đăng ký mã cơ sở nuôi chủ lực tôm thẻ chân trắng.

Anh Cao Đức Hùng, khu 4 xã Bình Ngọc, một cá nhân tiên phong trong việc đưa tôm Móng Cái XK sang Trung Quốc, cũng đang loay hoay, hồi hộp đợi chờ kết quả sau khi hoàn thiện thủ tục hồ sơ nộp Phòng kinh tế TP Móng Cái. Vì thế, hơn 1 tháng vừa qua, anh chưa thể tái đầu tư.

“Chúng tôi hoàn toàn bị động, rất khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin mới, chỉ đến khi việc đã xảy ra mới cuống cuồng lên thực hiện. Bản thân tôi đến dự mấy cuộc họp hội của Phòng Kinh tế cũng đã hiểu về việc khó XK, do chưa đảm bảo đầy đủ pháp lý”, anh Hùng chia sẻ. 

09-32-36_tom2
Giá tôm thương phẩm xuống thấp khiến người nuôi thua lỗ.

Với hơn 1ha diện tích nuôi, được chia nhỏ thành 6 đầm, nếu như giờ này năm ngoái, anh đang cho người đến bắt tôm XK sang Trung Quốc theo hình thức ướp đá thì đến nay hình thức này bị loại bỏ khỏi danh mục XK, thêm vào đó yêu cầu khắt khe về mã cơ sở khiến anh nhìn thấy lỗ vốn mà bó tay. Lý do anh không dám thả thêm giống bởi sau mỗi vụ nuôi, quá trình chăm sóc lượng thức ăn dư thừa, chất thải và mầm bệnh lắng đọng tích tụ dưới đáy và bờ ao sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi gây bệnh cho đàn tôm dẫn đến thiệt hại lớn.

“Hồ sơ để thực hiện chúng tôi đã nắm rõ, khổ nỗi giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất không có. Các hộ nuôi tôm như tôi tại đây đa phần đều không có giấy tờ hợp pháp bởi chủ yếu tự khai hoang đất, cơi nới tôn tạo lại phần đất nhiễm mặn. Phải khẳng định đến 60% số hộ dân nuôi tôm tại Móng Cái đều thiếu giấy tờ quan trọng hồ sơ đăng ký mã cơ sở khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”, anh Hùng nói.

Việc chính ngạch hóa XK từ phía Trung Quốc có lộ trình cụ thể đảm bảo chuỗi cung ứng sản phẩm luôn được kiểm soát. Ngoài mã cơ sở, hình thức XK, bao gói, nguồn gốc kiểm dịch, nhãn mác và truy xuất hồ sơ DN (những DN được phía Trung Quốc cấp mã XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc) cơ bản hàng thủy sản mới được thông quan.

Theo Phòng kinh tế TP Móng Cái, vụ xuân hè vừa qua, trước thời điểm XK tôm khó khăn vào thị trường Trung Quốc thì đúng vào vụ thu hoạch của người dân. Với diện tích nuôi toàn TP Móng Cái trên 1.100ha, sản lượng gần 2.100 tấn, việc tôm ùn ứ đồng loạt là dễ hiểu.

Ông Bùi Văn Liêm cho biết thêm: Hiện tất các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng muốn XK vào thị trường Trung Quốc phải có mã cơ sở nuôi, được cấp giấy chứng nhận đảm bảo điều kiện ATTP do cơ quan quản lý Việt Nam cấp. Trong tổng số hơn 1.100 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng của TP Móng Cái, tính đến thời điểm hiện tại mới có 2 cơ sở đăng ký, được cấp đảm bảo quy định trên. Số còn lại còn chưa nắm rõ quy định, vẫn còn tư duy chủ quan, nên không đáp ứng được các điều kiện xuất tôm vào thị trường Trung Quốc, dẫn đến sản phẩm tồn đọng, thương lái thu mua với mức giá thấp.

Thua lỗ nặng

Hiện 1ha nuôi tôm thương phẩm cho sản lượng 20-25 tấn, với giá bán 70.000 đồng/kg đối với tôm loại 100 con/kg thì các hộ nuôi sẽ thua lỗ từ 500-600 triệu đồng/ha.

Với tình trạng này, đa phần các hộ không thể tái đầu tư. Còn đối với DN của Việt Nam được cấp mã XK thủy sản vào thị trường Trung Quốc phải có chứng thư kiểm dịch, quy cách bao gói và nhãn mác, điều kiện truy xuất hồ sơ.

Thống kê cho thấy, trong hàng trăm DN, riêng tỉnh Quảng Ninh mới có 3 DN đáp ứng đủ quy định trên.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.