| Hotline: 0983.970.780

Khô dầu đậu nành cũng cần được giảm thuế nhập khẩu

Thứ Tư 28/07/2021 , 11:09 (GMT+7)

Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế nhập khẩu lúa mì và ngô nhằm giảm giá thành TĂCN. Ngoài 2 mặt hàng này, khô dầu đậu nành cũng cần được giảm thuế về 0.

Phần lớn lượng khô dầu đậu nành sử dụng ở Việt Nam là nguồn nhập khẩu. Ảnh: TL.

Phần lớn lượng khô dầu đậu nành sử dụng ở Việt Nam là nguồn nhập khẩu. Ảnh: TL.

Khô dầu đậu nành chủ yếu là nguồn nhập khẩu

Trước đây, khô dầu đậu nành (SBM) nhập khẩu về Việt Nam từng được miễn thuế. Nhưng bắt đầu từ ngày 1/1/2016, khi Thông tư 182/2015/TT-BTC có hiệu lực, SBM nhập khẩu phải chịu thuế 2%.

Vào thời điểm ấy, nhiều chuyên gia chăn nuôi đã cho rằng việc áp thuế với SBM nhập khẩu sẽ làm tăng giá thành thức ăn chăn nuôi (TĂCN), qua đó, làm tăng chi phí chăn nuôi, khiến cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam khó cạnh tranh được với các sản phẩm chăn nuôi của nước ngoài. Bởi SBM chiếm tỷ trọng không nhỏ trong các loại TĂCN, thậm chí chiếm tỷ trọng lớn trong thức ăn gia cầm và thức ăn thủy sản. Cụ thể, thông tin từ một số chuyên gia ngành chăn nuôi cho thấy, khô dầu đậu nành chiếm 12-18% trong thức ăn gia súc, 18-32% trong thức ăn gia cầm và 35-40% trong thức ăn thủy sản.

Do chiếm tỷ trọng không nhỏ như vậy, nên khi tổng lượng TĂCN được sản xuất ở nước ta tăng lên qua từng năm, thì tổng nhu cầu khô dầu đậu nành cũng tăng lên khá nhiều. Năm 2011, tổng nhu cầu SBM là gần 3,1 triệu tấn. Đến năm 2020, tổng nhu cầu SBM đã lên tới hơn 6 triệu tấn, gần gấp đôi so với 10 năm trước.

Phần lớn nhu cầu SBM đến từ nhập khẩu, với giá trị không nhỏ. Năm 2011, trong tổng nhu cầu xấp xỉ 3,1 triệu tấn, thì nhập khẩu lên tới hơn 2,7 triệu tấn, trị giá gần 1,2 tỷ USD. Năm 2020, SBM nhập khẩu là hơn 5,1 triệu tấn (trị giá hơn 1,9 tỷ USD) trong tổng nhu cầu là 6,019 triệu tấn. Nửa đầu năm 2021, đã có gần 2,4 triệu tấn SBM được nhập khẩu về Việt Nam, trị giá hơn 1,2 tỷ USD, chiếm 83,7% tổng lượng SBM.

Điều đáng chú ý là cũng như nhiều mặt hàng nguyên liệu sản xuất TĂCN khác, giá SBM nhập khẩu từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh. Nếu như trong năm 2020, giá SBM nhập khẩu về tới Việt Nam, ở mức bình quân 376 USD/tấn, thì trong nửa đầu năm nay đã lên tới mức bình quân 514,7 USD/tấn, tăng tới 37%.

Ngoài nguồn nhập khẩu, khô dầu đậu nành còn được cung cấp từ một số nhà máy ép dầu đậu nành trong nước, nhưng sản lượng nội địa vẫn đang chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn so với tổng nhu cầu. Theo ước tính của một số chuyên gia ngành chăn nuôi, đến năm 2020, tổng lượng SBM nội địa mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu.

Như vậy, có thể thấy, việc ngành sản xuất TĂCN Việt Nam đang phải phụ thuộc phần lớn vào SBM nhập khẩu, trong bối cảnh giá SBM nhập khẩu đã tăng rất mạnh, đang góp phần không nhỏ đẩy giá TĂCN lên cao.

Giảm thuế để giảm giá thành thức ăn chăn nuôi

Thông tin từ ngành chăn nuôi cho thấy, tính từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng trung bình 7 đợt (tổng cộng tăng khoảng 20-30%). Gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá.

Cụ thể, trong lần tăng giá đầu tiên vào tháng 11/2020, giá thức ăn các loại tăng từ 120 - 260 đồng/kg. Đợt tăng giá thứ 2 (tháng 12/2020), tăng từ 140 - 375 đồng/kg. Đầu năm nay, sau khi tăng 150 - 380 đồng/kg trong tháng 1, giá thức ăn tháng 2/2021 tăng tiếp 200 - 500 đồng/kg. Tháng 3, giá thức ăn tăng mạnh nhất với mức tăng 270 - 500 đồng/kg. Mức tăng trong tháng 4 thấp hơn một chút, từ 220 - 400 đồng/kg. Và đến đầu tháng 5/2021, hàng loạt công ty thức ăn chăn nuôi đồng loạt thông báo tới các đại lý và khách hàng về việc tăng giá bán TĂCN.

Khô dầu đậu nành chiếm tới 35-40% trong thức ăn thủy sản. Ảnh: Hữu Đức.

Khô dầu đậu nành chiếm tới 35-40% trong thức ăn thủy sản. Ảnh: Hữu Đức.

Như đã nói ở trên, SBM chiếm tỷ trọng không nhỏ trong thành phần của các loại thức ăn gia súc, thức ăn gia cầm, thức ăn thủy sản và đại đa số lượng SBM sử dụng trong ngành TĂCN Việt Nam là hàng nhập khẩu. Do đó, để giảm giá thành TĂCN, SBM nhập khẩu cũng cần được xem xét giảm thuế nhập khẩu từ mức 2% hiện nay về 0% như trước đây.

Cách đây chưa lâu, vào năm 2019, trong văn bản gửi Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khi góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế đối với SBM nhập khẩu.

Khi ấy, cơ quan soạn thảo cho biết, khô dầu đậu nành (thuế suất nhập khẩu 2%) là nguyên liệu để sản xuất bột đậu nành lên men (thuế suất nhập khẩu 0%). Theo nguyên tắc, thuế suất nhập khẩu của nguyên liệu nên bằng hoặc thấp hơn thuế suất nhập khẩu. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất nâng thuế nhập khẩu của bột đậu nành lên men từ 0% lên 2%.

VCCI cho rằng, mặt hàng đậu nành lên men được sử dụng chủ yếu để làm TĂCN. Việc nâng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này có thể sẽ khiến tăng giá TĂCN, gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành này tại Việt Nam. Để bảo đảm đúng nguyên tắc đánh thuế nhập khẩu, nhưng không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế đối với khô dầu đậu nành từ 2% xuống còn 0%.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.