| Hotline: 0983.970.780

Đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá

Thứ Ba 06/07/2021 , 11:46 (GMT+7)

Trước biến động lớn của giá thức ăn chăn nuôi trong nước, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng kiến nghị đưa mặt hàng này vào diện bình ổn giá.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng. Ảnh: Nguyên Huân.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng. Ảnh: Nguyên Huân.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, giá nguyên liệu chiếm khoảng 80 - 85% so với giá thành sản xuất, các chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng 10-15%. Và trong chăn nuôi, giá thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành.

Ông Trọng cho biết, Cục Chăn nuôi và Bộ NN-PTNT đã từng đề xuất đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào diện bình ổn từ năm 2018 bởi Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

Nay đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu tiếp tục bộc lộ điểm yếu ở khâu nguyên liệu của ngành chăn nuôi nước nhà.

Ông Trọng cho rằng, nền kinh tế thị trường bao giờ cũng có hai mặt của nó nên vẫn cần phải có sự điều tiết của bàn tay Nhà nước. Đơn cử, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay, nếu người chăn nuôi sản xuất theo chuỗi từ con giống bố mẹ đến nuôi thịt, giá thành chăn nuôi lợn chỉ dao động 53.000 - 54.000 đ/kg, với giá hiện tại trên 60.000 đ/kg nông dân vẫn có lãi. Nhưng nếu các cơ sở chăn nuôi bây giờ phải đi mua con giống bên ngoài với giá 2,5 - 3 triệu đ/con, giá thành ngay lập tức lên 67.000 - 69.000 đ/kg, sẽ bị lỗ.

“Chính vì vậy, Cục Chăn nuôi vẫn luôn khuyến nghị nông dân sản xuất theo chuỗi. Bởi chỉ sản xuất theo chuỗi mới tiết giảm được đầu vào để hạ giá thành sản xuất. Sản xuất theo chuỗi cũng giúp chủ động kiểm soát linh hoạt cung - cầu và kế hoạch sản xuất, tiêu dùng", ông Trọng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trọng, Việt Nam chăn nuôi nông hộ vẫn còn nhiều nên chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới là tăng cường chăn nuôi trang trại, chăn nuôi quy mô lớn nhưng vẫn duy trì chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi hữu cơ.

Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ muốn tiếp tục phát triển phải liên kết với nhau thành chuỗi. Trước tiên là liên kết ngang, từng hộ với nhau thành tổ hợp tác, HTX, nhóm hộ, chi hộ. Đồng thời, liên kết các khâu với nhau và cuối cùng liên kết chuỗi dọc từ sản xuất đến tiêu dùng. Như vậy mới chủ động được từng khâu và giữa các khâu mới hài hòa lợi ích và trong chuỗi dọc, nên chọn doanh nghiệp là trọng tâm.

Về giải pháp trước mắt thích ứng với giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, bằng mọi cách phải giảm giá thành chăn nuôi. Để giảm giá thành cần chuẩn bị kỹ từ khâu con giống, chuồng trại, chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó gia cầm, thủy cầm có thể chuyển một phần sang sử dụng thóc, lúa, gia súc sử dụng các sản phẩm từ trồng trọt như cám gạo, khoai, sắn; rơm rạ, thức ăn xanh cho gia súc ăn cỏ,...

“Từ trước tới giờ chúng ta mới chỉ quan tâm đến kiểm soát chất lượng thức ăn, nguyên liệu nhập khẩu chứ chưa quan tâm đến nguồn nguyên liệu, thức ăn trong nước, đặc biệt là các nguyên liệu trong nước có thể dùng để sản xuất thức ăn.

Sắp tới, ta phải lưu ý việc này, cố gắng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, kể cả phụ phẩm nông lâm ngư nghiệp cho việc chế biến thành thức ăn chăn nuôi, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng.

Xem thêm
Tiềm năng làm sạch đất trồng nhiễm Cadimi nhờ sức mạnh của thực vật

Một số loài cây có thể hút và lưu giữ kim loại nặng, gồm chì, Cadimi, asen… không chỉ giúp làm sạch đất ô nhiễm mà còn cho phép thu hồi các kim loại quý.

Những cánh đồng không virus ở xứ sở ngàn hoa

Nỗi ám ảnh về các loại bệnh do virus gây ra trên các vườn hoa, cây ăn trái đã được giải quyết, mang lại những mùa vụ thắng lợi cho nông dân.

Toàn Thắng Corporation hợp tác chiến lược với Hannam Bio Hàn Quốc

Toàn Thắng Corporation và Hannam Bio sẽ hợp tác trong phát triển sản xuất vi sinh vật có lợi, tăng năng lực cạnh tranh, đóng góp vào sự phát triển bền vững ngành thủy sản.