| Hotline: 0983.970.780

Khô hạn lịch sử: Bình Định điều xe cứu hỏa cấp nước sạch

Thứ Hai 29/07/2019 , 07:01 (GMT+7)

Hạn hán lịch sử đang hoành hành tại Bình Định. Chỉ trong vòng 10 ngày qua số người thiếu nước sinh hoạt tăng thêm hơn 12.000 người. Bình Định đã phải điều xe cứu hỏa chở nước đến những vùng thiếu nước nghiêm trọng.

11-29-31_1
Đông dảo người dân thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước, Bình Định) tập trung đến các điểm cung cấp nước sạch miễn phí lấy nước vừ sử dụng.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, tính đến cuối tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh này đã có 13.130 hộ với khoảng 54.800 người dân ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước và TX An Nhơn bị thiếu nước sinh hoạt. “Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình thiếu nước sinh hoạt tại các xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ) và Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn), lãnh đạo tỉnh đã khẩn cấp triệu tập cuộc họp để bàn giải pháp cung cấp nước sinh hoạt cho dân”, ông Hổ cho hay.

Theo ông Hổ, giải pháp tốt nhất để giải quyết nước sinh hoạt ở những vùng không thể khai thác nước ngầm là vận chuyển nước sạch từ các nhà máy nước đến. Bình Định đang áp dụng giải pháp này với định mức hỗ trợ tối thiểu là 50 lít/hộ/ngày.

Các địa phương phải chuẩn bị bồn chứa nước, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận nước sạch, không để xảy ra tình trạng tranh giành nước. Ở những vùng có điều kiện đóng giếng khai thác nước ngầm thì phải tiến hành làm ngay, nếu thiếu kinh phí tỉnh sẽ hỗ trợ, không nên để dân dùng nước mặt vì không đảm bảo vệ sinh.

Đi tiên phong trong nhiệm vụ đưa nước sinh hoạt đến vùng hạn là lực lượng Công an Bình Định.

11-29-31_2
Nhiều người đánh cả xe ba gác máy đi lấy nước.

Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Bình Định) cho biết, những ngày qua đơn vị đã huy động 4 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ chở nước đến xã Phước Thuận, Phước Hòa (huyện Tuy Phước) và 2 xe chở nước đến xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ). “Tùy thuộc vào địa hình và yêu cầu của địa phương, đơn vị sẽ điều động thêm xe để chở nước cung cấp cho người dân ở các vùng thiếu nước”, ông Long cho biết thêm.

Những ngày qua, giữa cái nắng như thiêu đốt, lũ lượt xe máy chở can nhựa, xô, thùng, cả xe ba gác chở nhiều thùng phuy đến những điểm cấp nước sạch miễn phí để lấy nước sạch về sử dụng.

Cụ Lê Đức Thống (80 tuổi) ở xóm Đông Phường, thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), than thở: “Gần 2 tháng nay hệ thống nước máy bị hư hỏng, không có nước sạch nên người dân phải đi vùng khác mua từng can nước về dùng.

Kiếm được can nước cực khổ lắm nên phải dùng hết sức tiết kiệm. Trong quãng thời gian này chuyện tắm đối với chúng tôi là xa xỉ.

Nhiều gia đình bức xúc bỏ tiền triệu để khoan giếng nhưng không thể dùng vào việc ăn uống vì nguồn nước ở đây bị nhiễm mặn nghiêm trọng, thậm chí chỉ để tắm giặt cũng không đủ”.

Tay xách 2 can nhựa chờ xe cứu hỏa chở nước sạch đến, bà Huỳnh Thị Thiện (53 tuổi) ở thôn Nhân Ân (xã Phước Thuận), bộc bạch: “Chưa năm nào, người dân lại lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng như năm nay. Mọi năm, nếu có thiếu nước cũng chỉ khoảng 15 ngày là có nước trở lại, nhưng năm nay người dân chúng tôi bị thiếu nước sinh hoạt đã gần 2 tháng.

Chúng tôi phải vượt chặng đường dài 10km đi về xã Phước Sơn để mua nước với giá 1.000 đồng/can (30 lít) về dùng. Riêng gia đình tôi, tiền xăng xe đi lại chở nước và tiền mua nước có ngày mất đứt 70.000đ. Nay tỉnh cho xe PCCC chở nước cấp miễn phí thì phấn khởi lắm”.

11-29-31_3
Bà Huỳnh Thị Thiện (53 tuổi) ở thôn Nhân Ân, xã Phước Thuận phấn khởi đi lấy nước sạch miễn phí.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.