| Hotline: 0983.970.780

Bình Định: Đồng khô, lúa cháy

Thứ Sáu 19/07/2019 , 08:54 (GMT+7)

Nắng nóng kéo dài suốt từ đầu năm đến nay, dự báo trong tháng 7 này trên địa bàn Bình Định tiếp tục vắng mưa và sẽ xảy ra 3 – 4 đợt nắng nóng gay gắt.

11-21-44_1
Trạm bơm do HTXNN Nhơn Mỹ 2 (TX An Nhơn) hoạt động hết công suất để cứu lúa.

Hạn hán đang hoành hành dữ dội khiến nhiều diện tích lúa hè thu thiếu nước tưới, trong đó có nhiều ruộng đã chết cháy.  

Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho biết, tính đến nay, 165 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh này còn chứa được 169,6 triệu m3, đạt 29,0% dung tích thiết kế. Nếu không kể hồ Định Bình, các hồ chứa còn trữ được 92,7 triệu m3, đạt 25,8% thiết kế.

Riêng 15 hồ chứa lớn do Cty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý hiện còn chứa được 152 triệu m3, đạt 33,2% dung tích thiết kế. Nếu không kể hồ Định Bình, các hồ chứa do Cty quản lý đang còn chứa 75 triệu m3, đạt 32% dung tích thiết kế; các hồ do địa phương quản lý còn 17,7/127,2 triệu m3, đạt 13,9% dung tích thiết kế.

Hơn 1 tháng không được cung cấp nước tưới, cánh đồng lúa Vạn Định, Vạn An ở xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) trở nên khô khốc. Do không được “ăn” nước, nhiều diện tích lúa chưa làm đòng đã bị chết cháy và bị lép hạt.

Bên đám ruộng lúa lép vừa mới cắt xong, nông dân Trần Thanh Đấu ở thôn Vạn An, buồn rầu nói: “Cánh đồng này ăn nước hồ Vạn Định, nhưng hơn 1 tháng nay hồ chứa bị khô nước, nhiều diện tích lúa hè thu bị chết. Nhà tôi có 4 sào lúa, trong đó có 1 sào bị chết đã cắt bỏ cho bò ăn, 3 sào còn lại bị lép hạt, tôi cắt mang về để làm chất đốt”.

Sở NN-PTNT Bình Định đã trình UBND tỉnh ban hành văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ kinh phí chống hạn vụ hè thu 2019 trên địa bàn tỉnh 55,9 tỷ đồng.

Trường hợp kể trên chỉ là một trong rất nhiều cánh đồng lúa đang oằn mình chịu khát.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Bình Định, tính đến ngày 17/7/2019, các đợt nắng nóng đã làm cho 4.408ha lúa bị thiếu nước.

Trong đó đang chống hạn 4.218ha và đã có 190ha thuộc khu tưới các công trình thủy lợi nhỏ, công trình tạm và khu tưới đầm Trà Ổ và những cánh đồng ở cuối kênh Lại Giang đã bị “khai tử”.

Quan sát trên nhiều cánh đồng, chúng tôi thấy nhiều nông dân đang oằn mình dưới cái nắng gay gắt để đóng giếng lấy nước cứu lúa.

Chỉ tay về chiếc giường xếp nằm trên bờ ruộng, ông Đặng Ngọc Trang (84 tuổi) ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ) than thở: “Đêm hôm tôi mang theo giường xếp ở lại trên đồng để bơm nước cứu 2 sào lúa.

Ở khu vực này, nhà nào cũng đóng giếng lấy nước ngầm cứu lúa, nên nguồn nước giảm mạnh. Bơm cả đêm mới được 1 lứa nước”.

11-21-44_2
Nông dân tự tìm nguồn nước chống hạn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ chia sẻ: “Huyện đã sử dụng máy bơm tận dụng số nước còn đọng lại ở các hồ chứa để cứu lúa; đồng thời hỗ trợ người dân đóng giếng để lấy nước ngầm phục vụ SX. Các xã cũng đã thành lập tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn nước, hạn chế thất thoát nước và tranh chấp nước”.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.