| Hotline: 0983.970.780

Khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở các xã sáp nhập

Thứ Bảy 23/04/2022 , 09:31 (GMT+7)

Mặc dù nhiều xã ở tỉnh Cao Bằng đã đạt chuẩn NTM, nhưng sau khi sáp nhập với xã khó khăn hơn, nên các xã mới phải phấn đấu các tiêu chí lại từ đầu.

Sau sáp nhập, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình từ đạt chuẩn nông thôn mới chỉ còn đạt 12/19 tiêu chí. Ảnh: Công Hải.

Sau sáp nhập, xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình từ đạt chuẩn nông thôn mới chỉ còn đạt 12/19 tiêu chí. Ảnh: Công Hải.

Theo Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 10/1/2020, tỉnh Cao Bằng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã, trong đó giảm bớt 38 đơn vị hành chính cấp xã. Từ đó, lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của các địa phương có sự chuyển biến rõ rệt.

Một số xã mặc dù đã đạt chuẩn NTM, nhưng sau sáp nhập với xã khó khăn hơn, nhiều tiêu chí khó phải "bắt tay lại từ đầu", như: giao thông, thủy lợi, thu nhập, hộ nghèo, quy hoạch... Trong khi đó, các xã còn nhiều tiêu chí nông thôn mới chưa hoàn thành, sau khi sáp nhập xã lại phải cùng chung nỗi lo khi số lượng tiêu chí chưa đạt chuẩn còn khá lớn… Do đó, khâu rà soát bước đầu cũng đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức.

Xã Minh Tâm (cũ), huyện Nguyên Bình là một trong hai xã đầu tiên của tỉnh Cao Bằng về đích NTM năm 2015. Năm 2020, xã Minh Tâm (cũ) sáp nhập với xã Lang Môn và một nửa xã Bắc Hợp thành xã Minh Tâm (mới). Sau sáp nhập, theo bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Minh Tâm mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó, nhiều tiêu chí khó thực hiện như: Thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư…

Trong các tiêu chí NTM chưa đạt, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là hai tiêu chí rất nan giải, chính quyền xã Minh Tâm hiện chưa có hướng giải quyết. Lý do chính là sau khi sáp nhập thêm 2 xã mới thì lại là hai xã vùng 3 đặc biệt khó khăn, đa số là hộ nghèo nên kéo giảm thu nhập của xã Minh Tâm sau sáp nhập. Hết năm 2021, xã Minh Tâm có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 24 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 375 hộ, chiếm 37% số hộ.

Nhiều nhà văn hóa xóm ở xã Minh Tâm không đáp ứng tiêu chí sau sáp nhập xóm. Ảnh: Công Hải.

Nhiều nhà văn hóa xóm ở xã Minh Tâm không đáp ứng tiêu chí sau sáp nhập xóm. Ảnh: Công Hải.

Ông Mạc Văn Cần, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Sau sáp nhập, nguồn lực đầu tư cho một số tiêu chí đòi hỏi lớn hơn nhiều. Đặc biệt, tiêu chí về thu nhập cũng là “gánh nặng” khi tỷ lệ hộ nghèo của hai xã sáp nhập vào còn rất cao. Việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng không hề dễ dàng khi Minh Tâm là xã thuần nông, chủ yếu trồng trọt các cây trồng truyền thống như ngô, lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ.

Xã đang triển khai một số mô hình như: trồng rau màu, trồng quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn đen để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, việc dịch bệnh kéo dài làm hàng trăm lao động tại địa phương đi làm tại các khu công nghiệp bị mất việc làm cũng làm giảm thu nhập của người dân.

Xã Hồng Việt (cũ), huyện Hòa An về đích NTM năm 2018, đến năm 2020, xã Hồng Việt sáp nhập với xã Bình Long. Đến nay, xã đạt 16/19 tiêu chí NTM. Còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Thu nhập, nhà ở dân cư, trường học. Trong các tiêu chí chưa đạt, tiêu chí thu nhập vẫn là tiêu chí khó khăn nhất. Năm 2021, xã có thu nhập bình quân đầu người đạt 36,8 triệu đồng/người/năm. Để đạt tiêu chí thu nhập 39 triệu đồng/người/năm còn nhiều khó khăn.

Mô hình trồng na đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Ảnh: Công Hải.

Mô hình trồng na đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân xã Hồng Việt, huyện Hòa An. Ảnh: Công Hải.

Ông Lê Hồng Thắng, xóm Lam Sơn Hạ, xã Hồng Việt tâm sự: Gia đình tôi trước đây chỉ trồng, ngô lúa. Từ năm 2015, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư trồng na. Đến nay, tôi trồng hơn 200 cây na, trong đó hơn 60 cây đã cho thu hoạch. Với mỗi cây thời điểm phát triển tốt có thể cho 12 - 15 kg quả, giá bán 35 nghìn - 40 nghìn đồng/kg. Vụ na năm 2021, gia đình tôi thu gần 1 tấn quả, thu nhập gần 40 triệu đồng, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng các loại cây trồng khác.

Trao đổi về khó khăn trong về đích xây dựng NTM sau sáp nhập, ông Trần Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Hồng Việt thông tin: Sau sáp nhập, một số xóm của xã Bình Long (cũ) và xã Hồng Việt (cũ) dọc bờ sông sáp nhập về thị trấn Nước Hai. Đây là những xóm có diện tích đất trồng rau màu lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao nên việc bị cắt sáp nhập vào thị trấn Nước Hai cũng làm giảm thu nhập chung của xã.

Hiện nay, xã đang triển khai một số mô hình nông nghiệp bước đầu có hiệu quả kinh tế cao như: Trồng na với diện tích 13 ha, 6 ha đã cho thu hoạch; trồng gần 30 ha khoai tây. Đặc biệt là mô hình trồng na có triển vọng cao, mỗi ha na dự kiến cho thu hoạch hơn 50 tấn, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Đây sẽ là một trong những mô hình đóng góp vào tiêu chí thu nhập để xã phấn đấu về đích NTM vào năm 2023.

Nghề rèn vẫn là nghề đóng góp nhiều nhất vào tiêu chí thu nhập của xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa sau khi sáp nhập. Ảnh: Công Hải.

Nghề rèn vẫn là nghề đóng góp nhiều nhất vào tiêu chí thu nhập của xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa sau khi sáp nhập. Ảnh: Công Hải.

Không chỉ hai xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình và xã Hồng Việt, huyện Hòa An, một số xã khác đã về đích NTM cũng bị tụt nhiều tiêu chí sau sáp nhập như: xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình; xã Trường Hà, huyện Hà Quảng; xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa.

Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: Chương trình xây dựng NTM ở Cao Bằng gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp. Nhiều xã sau khi sáp nhập từ đạt chuẩn NTM lại bị tụt nhiều tiêu chí do sáp nhập với các xã nghèo, khó khăn hơn.

Nhiều xã vùng ba, vùng đặc biệt khó khăn khi sáp nhập với nhau càng khó khăn hơn để hoàn thành các tiêu chí NTM. Đặc biệt là các tiêu chí đòi hỏi nhiều nguồn đầu tư từ ngân sách trung ương, tỉnh. Ngoài ra, bài toán nâng cao thu nhập ổn định để đóng vào vào công tác giảm nghèo bền vững cũng là vấn đề nan giải ở các xã sáp nhập.

Giai đoạn tiếp theo sau sáp nhập sẽ là thử thách với các xã khi nhiều phần việc còn bề bộn, đội ngũ nhân lực quản lý chưa ổn định, bỡ ngỡ, khối lượng công việc cần giải quyết lớn... Vì vậy, trước mắt, trong quá trình rà soát, đánh giá lại tiêu chí, đòi hỏi cần cách nhìn hệ thống, toàn diện và tầm nhìn xa, Đồng thời, một số tiêu chí phải cần có sự định hướng, xem xét dài hạn, như: quy hoạch, giao thông, thu nhập... Vấn đề xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhất là trụ sở làm việc, trung tâm văn hóa - thể thao... tại các xã sau sáp nhập cũng cần xem xét để tránh lãng phí, không cần thiết, ông Mẫn cho biết thêm.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.