Từ trẻ, ông Vi Văn Phước, tổ 4, phường Ngọc Xuân, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đã có niềm đam mê với cây trồng, vật nuôi. Sau nhiều năm mở doanh nghiệp trong lĩnh vực xây lắp, năm 2009, ông Phước bàn với vợ dồn toàn bộ vốn liếng hơn chục năm làm doanh nghiệp để đầu tư mô hình chăn nuôi lợn khép kín tuần hoàn.
Để triển khai mô hình, ông Phước đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để tham quan, học hỏi mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín. Tận dụng diện dích 4 ha đất đồi sẵn có, ông bỏ kinh phí để san gạt tạo mặt bằng, làm đường nội vùng. Tuy nhiên, do địa hình đồi đất xen lẫn đá nên phải mất 2 năm ông mới cải tạo được mặt bằng để làm trang trại lợn.
Năm 2012, hơn 3.000m2 chuồng trại khép kín được đưa vào hoạt động. Ông Phước đầu tư nhập 30 lợn nái, 300 lợn thịt về nuôi. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi quy mô lớn nên đàn lợn của gia đình ông thường chậm lớn, có lúc bị dịch bệnh gây thiệt hại đến kinh tế gia đình.
Không chịu lùi bước trước khó khăn, ông đã tự đọc, nghiên cứu trên sách, báo, hình trên mạng Internet, các chương trình nông nghiệp trên truyền hình và tích cực tham gia các hội thảo liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn lợn rồi đúc rút kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ vậy, những năm về sau, đàn lợn của gia đình ông lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, bán lại được giá.
Vừa chăn nuôi, ông vừa học tập, sửa đổi trang trại cho hợp lý hơn. Khu trang trại hiện nay được ông xây dựng thành 2 khu chuồng riêng biệt dành cho nuôi lợn nái và lợn thịt. Đồng thời, ông lắp đặt camera theo dõi, các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi một cách bài bản.
Lúc cao điểm, ông Phước duy trì nuôi 50 heo nái sinh sản, hơn 300 heo thịt/lứa, thu nhập trung bình từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động địa phương.
Ông Phước chia sẻ: Mô hình kinh tế của gia đình là mô hình tuần hoàn. Phân, chất thải chăn nuôi được cho xuống hầm biogas làm chất đốt và ủ đem đi tưới cây. Trang trại đảm bảo việc chủ động con giống giúp hạn chế việc nhập heo mới không rõ nguồn gốc để giảm rủi ro cho đàn. Ở trang trại luôn có nái hậu bị khỏe mạnh, giống tốt để sẵn sàng phối giống, thay thế đàn khi cần đảm bảo năng suất sinh sản của trại ở mức cao nhất.
Dịch bệnh là vấn đề lo lắng nhất khi nuôi lợn, vì thế, ngay từ đầu phải đầu tư trang trại, trang thiết bị kỹ thuật bài bản, đồng thời triển khai các biện pháp phòng bệnh thì mới giúp hạn chế ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Con lợn rất nhạy cảm, chỉ cần khâu vệ sinh không đảm bảo thì ảnh hưởng ngay. Yếu tố quan trọng nằm ở khâu chăm sóc con nái, đảm bảo quy trình lợn con sẽ đạt chất lượng, từ đấy lợn thịt mới phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao, ông Phước cho biết thêm.
Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh Cao bằng, dịch bệnh khiến nhiều hộ gia đình phải treo chuồng, không dám tái đàn thì tại trang trại của ông Phước, đàn lợn vẫn phát triển ổn định, không có dịch bệnh.
Mỗi ngày, trang trại đều phải khử trùng toàn bộ khuôn viên, định kỳ 3 ngày sẽ phun thuốc diệt ruồi, muỗi một lần để đảm bảo an toàn. Đồng thời, các nhân viên luôn phải để ý đến vấn đề vệ sinh nguồn nước, nguồn thức ăn nhằm tăng cường khả năng đề kháng của đàn heo.
Trong suốt thời gian cao điểm này, cả trang trại đều phải tuân thủ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cho đến hiện tại, dù dịch tả lợn Châu Phi đã lắng xuống, nhưng trang trại của ông vẫn thường xuyên duy trì các biện pháp này.
Năm 2020, ông mạnh dạn đầu tư trồng thêm 600 cây dẻ ghép, 300 cây mác ca trên diện tích 3ha đất đồi xung quanh trang trại nuôi lợn. Tận dụng phân, nước thải từ nuôi lợn, ông Phước dùng cho việc tưới cây nên sau 2 năm trồng, diện tích cây dẻ và mác ca phát triển tốt. Dự kiến 4 - 5 năm tới, 3 ha cây dẻ và mác ca sẽ đem lại cho gia đình ông thu nhập mỗi năm từ 700 - 800 triệu đồng.
Ông Nguyễn Sinh Cung, Chủ tịch Hội làm vườn Cao Bằng cho biết: Mô hình chăn nuôi khép kín, trồng cây ăn quả của gia đình ông Vi Văn Phước là mô hình phát triển kinh tế điển hình của thành phố Cao Bằng cũng như trong toàn tỉnh. Chúng tôi đã giới thiệu mô hình này đến đông đảo hội viên trên địa bàn tỉnh đến tham quan, học tập kinh nghiệm và nhân rộng trong thời gian tới.