| Hotline: 0983.970.780

Mía đường Cao Bằng khởi sắc

Thứ Hai 28/03/2022 , 09:45 (GMT+7)

CAO BẰNG Với việc giá mía nguyên liệu tăng, mía đường Cao Bằng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hạ giá thành, tăng lợi nhuận cho người trồng mía.

Giá mía cao nhất những năm gần đây 

Huyện Phục Hòa cũ, nay sáp nhập thành huyện Quảng Hòa là vùng trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Cao Bằng nhiều năm qua, là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho nhà máy đường của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng. Diện tích trồng tập trung nhất tại các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Hạnh Phúc, Hồng Quang và thị trấn Hòa Thuận.

Bên ruộng mía đang thu hoạch, bà Đường Thị Sí, xóm Nà Mười, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa phấn khởi nói: Để có năng suất cao, gia đình đã bón phân theo đúng định mức hỗ trợ của Công ty, đồng thời chăm sóc, phòng trừ dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây mía. Hiện nay, đường vào cánh đồng mía của các xóm tại thị trấn Hòa Thuận đều đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vận chuyển mía nguyên liệu, góp phần giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế.

Người dân thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa thu hoạch mía. Ảnh: Công Hải.

Người dân thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa thu hoạch mía. Ảnh: Công Hải.

Chị Bế Thị Inh, xóm Nam Hà, xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa cho biết: Từ hơn 20 năm nay, dù giá nguyên liệu bấp bênh nhưng cây mía vẫn là cây trồng chủ lực của gia đình. Gia đình chị Bế có trên 1 ha đất trồng mía, do chăm sóc tốt, năm nay gia đình tôi thu hoạch hơn 80 tấn mía, trừ chi phí đầu tư lãi hơn 60 triệu đồng.

Cũng giống như những năm trước, gia đình chị Inh tiếp tục ký hợp đồng bán mía nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng. Niên vụ ép 2021 - 2022, giá thu mua mía nguyên liệu tăng cao nhất so với những năm gần đây, giúp người dân yên tâm trồng mía.

Ông Nông Văn Tiến, Trưởng xóm Nam Hà, xã Đại Sơn khẳng định: Mấy năm gần đây, nhờ được hướng dẫn khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào thâm canh nên chi phí sản xuất mía đã giảm, năng suất mía tăng. Theo tính toán, người dân trong xóm trồng mía đạt thu nhập trung bình từ 60 - 70 triệu đồng/ha.

Ông Trương Đàm Hưng, Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, huyện Quảng Hòa chia sẻ: Mía là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ trồng mía nguyên liệu, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu; nhiều hộ có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm từ trồng mía; cả xã chỉ còn 41 hộ nghèo, chiếm hơn 5% tổng số hộ.

Niên vụ 2021 - 2022, diện tích trồng mía toàn xã hơn 400 ha, năng suất đạt trung bình 70 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 28 nghìn tấn tấn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá phân bón liên tục tăng cao gây khó khăn cho việc đầu tư ban đầu của người dân. 

Cây mía mang lại thu nhập chính cho nhiều người dân ở huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Cây mía mang lại thu nhập chính cho nhiều người dân ở huyện Quảng Hòa. Ảnh: Công Hải.

Theo ước tính, niên vụ 2021 - 2022, sản lượng mía có phần nhích hơn những năm trước và giá thu mua mía tăng lên ở mức 970 đồng/kg, cao nhất trong những năm gần đây.

Anh Nông Văn Trình, Phó trưởng Phòng nguyên liệu mía (Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng) cho biết: Ngoài các giống mía truyền thống ROC10, ROC11, ROC22, từ năm 2016 đến nay, Công ty chú trọng tuyển chọn đưa các giống mới BM423, KK3, giống Quế đường 4... vào sản xuất, giúp năng suất, chất lượng mía nguyên liệu tăng cao. Trong đó, giống mía ROC 22 vẫn là giống chủ lực trong vùng nguyên liệu, vụ gần nhất tỷ lệ giống này chiếm hơn 73% diện tích.

"Việc mở rộng vùng nguyên liệu của Công ty hiện nay khá khá khăn do quỹ đất vùng gần nhà máy đã được khai thác hết. Trong khi đó, việc mở rộng diện tích ra các vùng xa nhà máy thì chi phí vận chuyển lại bị đội lên cao dẫn đến hiệu quả thấp. Ngoài ra, diện tích đất manh mún, không bằng phẳng, người dân còn canh tác theo lối truyền thống, ngại áp dụng khoa học kỹ thuật nên sản lượng, chất lượng mía chưa cao như mong muốn", anh Nông Văn Trình cho biết.

Nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía

Ông Hoàng Huy Hiệp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Quảng Hòa thông tin: Quảng Hòa nhiều năm nay là được xem là vùng mía trọng điểm tại vùng biên giới phía đông tỉnh Cao Bằng, chiếm 97% diện tích trồng mía toàn tỉnh. Mỗi năm, toàn huyện trồng gần 2.000 ha mía, tập trung nhiều nhất ở các xã: Đại Sơn, Cách Linh, Hạnh Phúc, Hồng Quang, thị trấn Hòa Thuận…

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, chủ yếu là địa hình bằng phẳng, cây mía rất phù hợp với huyện Quảng Hòa. Năng suất mía ở đây đạt trung bình từ 60 - 65 tấn/ha. Năm 2021, toàn huyện ước tính thu hơn 150 nghìn tấn mía, chủ yếu phục vụ làm nguyên liệu cho Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng.

Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng có chính sách hỗ trợ vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng có chính sách hỗ trợ vận chuyển mía nguyên liệu về nhà máy cho người dân. Ảnh: Công Hải.

Để duy trì, hỗ trợ người dân trồng mía nguyên liệu, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng đã tích cực hỗ trợ người dân, đầu tư ứng trước mía giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đến khi thu hoạch mía mới trừ nợ.

Vụ mía 2021, Công ty đầu tư vào vùng nguyên liệu tổng số hơn 10 tỷ đồng, trong đó hơn 9 tỷ đồng tiền phân bón, mía giống, còn lại là thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ người dân tu sửa, làm đường nội đồng, nội vùng để người dân thuận lợi trong việc đi lại chăm sóc, vận chuyển, thu hoạch mía, giảm bớt chi phí đầu tư.

Hiện nay, vùng mía nguyên liệu của Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng dao động từ 2.000 - 3.500 ha. Những năm gần đây, diện tích mía nguyên liệu cũng liên tục giảm do giá thu mua thấp, người dân không mặn mà với cây mía nên chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác. Niên vụ 2021 - 2022, vùng nguyên liệu mía của Công ty đạt gần 2.200 ha, sản lượng hơn 140 nghìn tấn.

Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng thường xuyên bảo dưỡng, nâng cấp dây chuyền thiết bị nhằm đảm bảo ép hết mía nguyên liệu cho bà con. Ảnh: Công Hải.

Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng thường xuyên bảo dưỡng, nâng cấp dây chuyền thiết bị nhằm đảm bảo ép hết mía nguyên liệu cho bà con. Ảnh: Công Hải.

Hàng năm, từ đầu tháng 11, Công ty đã công bố các chính sách đầu tư thu mua mía và xây dựng kế hoạch thu mua, vận chuyển nguyên liệu theo từng vùng cho năm sau. Đồng thời, phân công cán bộ nông hộ phụ trách địa bàn có trách nhiệm tổ chức triển khai kế hoạch, hướng dẫn quy trình, quy cách đốn chặt, cấp phiếu, giám sát các loại giống, số lượng, chất lượng mía chặt cho từng hộ trồng mía.

Để giúp người trồng mía yên tâm sản xuất, ngay từ đầu vụ, Công ty công bố mức giá thu mua tại ruộng, hỗ trợ vận chuyển mía về nhà máy. Công ty cũng chủ động xây dựng kế hoạch, sắp xếp, phân bổ số lượng đốn chặt cho từng địa bàn cụ thể, ký hợp đồng với 100 xe tải vận chuyển mía cho người dân.

Cùng với việc lên lịch thu mua, Công ty hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, đảm bảo ép hết công suất, hạn chế tình trạng ứ đọng nguyên liệu vào thời điểm chính vụ, đồng thời, nâng cao chất lượng đường thành phẩm. Trung bình mỗi ngày, Công ty ép bình quân 1.650 tấn mía, mỗi năm sản xuất trung bình 15.000 - 17.000 tấn đường.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng còn tồn hơn 5.000 tấn đường. Ảnh: Công Hải.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng còn tồn hơn 5.000 tấn đường. Ảnh: Công Hải.

Ông Nông Văn Thuyết, Chủ tịch Hội đồng quan trị Công ty Cổ phần Mía đường Cao Bằng cho biết: Thị trường đường trong nước khó khăn nhất là giai đoạn 2018 - 2020 do đường lậu, đường trợ cấp giá của Thái Lan tràn vào thị trường trong nước nên đường sản xuất trong nước khó cạnh tranh.

Năm 2021, thị trường đường trong nước khởi sắc, khôi phục trở lại do được các cấp ngành trung ương kiểm soát chặt chẽ đường lậu, đường nhập khẩu. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, tình trạng đường nhập lậu có dấu hiệu phức tạp trở lại, cạnh tranh với đường trong nước nên khó khăn cho các nhà máy sản xuất đường. Hiện nay, Công ty còn tồn hơn 5.000 tấn đường.

"Mong thời gian tới, các bộ ngành trung ương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các loại đường nhập lậu, trốn thuế để đường sản xuất trong nước có điều kiện cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường, phát triển ổn định. Ngoài ra, việc dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến các dịch vụ ăn uống, mua sắm của người dân giảm nên cũng làm sức tiêu thụ đường giảm mạnh", ông Nông Văn Thuyết cho biết thêm.

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm