| Hotline: 0983.970.780

Khó như đòi bồi thường bảo hiểm tàu cá!

Thứ Năm 02/11/2017 , 13:45 (GMT+7)

Hiện Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Định đang hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, gia đình ngư dân Cao Ly ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) khởi kiện Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) vì công ty này từ chối bồi thường tàu cá BĐ 96763 TS bị chìm.

Trước đó, TAND TP Quy Nhơn xử phiên sơ thẩm buộc PJICO phải bồi thường 1,5 tỷ đồng, nhưng PJICO từ chối và kháng án.
 

Không phải lần đầu

Trường hợp PJICO từ chối bồi thường bảo hiểm tàu cá cho ngư dân không phải mới xảy ra lần đầu tại Bình Định.

14-17-03_ngu_dn_kien_pjico
Ngư dân Đỗ Văn Vương (ngoài cùng bìa trái), người đã trải qua rất nhiều gian nan mới cầm được tiền bồi thường của PJICO và mẹ của ông Cao Ly (ngồi giữa), người đại diện cho gia đình ngư dân đang “dắt” PJICO ra tòa

Trước đây, vào ngày 16/8/2015, trong chuyến đánh bắt dài ngày tại ngư trường Hoàng Sa, tàu cá BĐ 97044 TS (444 CV) của ngư dân Đỗ Văn Vương ở thôn Lâm Trúc 2, xã Hoài Thanh (huyện Hoài Nhơn) bị chìm do nước vào buồng máy tại tọa độ 15001N, 111021E. Vụ việc được thông báo tới PJICO Bình Định, nơi cấp giấy chứng nhận bảo hiểm khai thác hải sản số P-15/BDI/2600/0097, cho hợp đồng trị giá hơn 65 triệu đồng do chủ tàu Đỗ Văn Vương mua từ tháng 4/2015.

Đầu tháng 11/2015, ngư dân Đỗ Văn Vương gửi đơn đến PJICO Bình Định yêu cầu bồi thường. Sau gần 10 tháng, yêu cầu của ngư dân Vương không có hồi âm. Đến ngày 15/8/2016, PJICO Bình Định ra thông báo chối bỏ trách nhiệm. Lý do đưa ra là tấm giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá số 291/ĐKTC được cấp bởi cơ quan đăng kiểm, trong đó nêu phạm vi hoạt động của tàu cá BĐ 97044 TS của ngư dân Vương thuộc vùng hạn chế III (cách bờ không quá 20 hải lý), trong khi vị trí chìm tàu trên biển Hoàng Sa, không nằm ở vùng hoạt động của tàu theo đăng kiểm!

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 27/3/2017, nội dung “hạn chế III” của giấy chứng nhận 291/ĐKTC bị tòa bác bỏ, khi HĐXX TAND tỉnh dẫn chứng các điều khoản quy định của pháp luật về Quy chế đăng kiểm tàu cá. Tòa phúc thẩm nhận định: “Tàu cá BĐ - 97044TS đóng theo mẫu dân gian, không có hồ sơ kỹ thuật, có tổng công suất 444CV, được phép hoạt động trên vùng biển xa”, nhờ đó ngư dân Đỗ Văn Vương mới cầm được tiền bồi thường của PJICO Bình Định.

Vùng “hạn chế III” được PJICO Bình Định vận dụng làm “bảo bối” trong việc chối bỏ trách nhiệm bồi thường của mình đối với tàu cá bị nạn mang số hiệu BĐ 97044TS. Chỉ có điều, “bảo bối” này là căn cứ “cố đấm ăn xôi”, không phù hợp các quy định hiện hành. Sau khi ngư dân Đỗ Văn Vương “dắt” PJICO Bình Định ra tòa, ở 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử (HĐXX) đều tuyên buộc PJICO Bình Định phải bồi thường 4,6 tỉ đồng.
 

“Bổn cũ lập lại”

 Đến lượt tàu cá BĐ 96763 TS (410CV) của ngư dân Cao Ly ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn) bị PJICO Bình Định từ chối khi được yêu cầu bồi thường bảo hiểm.

Sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, tàu cá BĐ 96763 TS của ngư dân Cao Ly đang trên đường vào bờ thì tàu bị phá nước, chìm vào lúc 22 giờ ngày 12/8/2016, tại vùng biển cách bờ biển huyện Hoài Nhơn khoảng 280 hải lý về hướng Đông, mất cả sản phẩm và ngư lưới cụ.

Trong lúc các ngư dân bị nạn đang gặp hiểm nguy, thì tàu cá BĐ-95469 TS của ông Trương Anh Tuấn ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), cùng tổ đoàn kết trên biển với tàu ông Ly, đang đánh bắt gần đó kịp thời ứng cứu, đưa các ngư dân bị nạn lên tàu về bờ an toàn. Tàu cá BĐ 96763 TS được ngư dân Cao Ly đóng từ năm 1991, có mức đầu tư 1,5 tỷ đồng, mua bảo hiểm vào ngày 1/8/2016 với mức phí hơn 28 triệu đồng, bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 5/8/2016.

Sau đó, gia đình ông Ly chuyển hồ sơ cho PJICO Bình Định yêu cầu được bồi thường. “Bổn cũ lập lại”, PJICO Bình Định trả lời vị trí tàu của ngư dân Cao Ly bị chìm nằm ngoài vùng hoạt động theo đăng kiểm, nên không thuộc trách nhiệm bồi thường.

Uất ức, ngư dân Cao Ly lại “dắt” PJICO Bình Định ra tòa. Ngày 6/9/2016, TAND TP Quy Nhơn tuyên buộc PJICO Bình Định phải có nghĩa vụ bồi thường 1,5 tỉ đồng bảo hiểm cho tàu cá BĐ 96763 TS của ngư dân Cao Ly. PJICO Bình Định kháng án. Vụ việc đang được TAND tỉnh Bình Định hoàn tất hồ sơ để đưa ra xét xử phúc thẩm trong những ngày tới.

Bà Nguyễn Thị Phi, vợ ngư dân Cao Ly, bức xúc: “Gia đình tui nghèo lắm, không có điều kiện đóng tàu mới, đành mua lại con tàu cũ, vay thêm ngân hàng cải hoán, nâng công suất lên trên 400 sức ngựa để đánh bắt xa bờ. Gia đình mua bảo hiểm tàu cá tại PJICO Bình Định. Khi tàu chìm, phía bảo hiểm từ chối chi trả bồi thường khiến gia đình hết sức khó khăn”.

Sau khi bị PJICO Bình Định từ chối bồi thường bảo hiểm, gia đình ngư dân Cao Ly lâm cảnh khó khăn. Từ là 1 chủ tàu, suốt thời gian qua ngư dân Cao Ly phải đi bạn tàu cá khác để tiền nuôi sống gia đình. Bà Nguyễn Thị Phi, vợ ngư dân Cao Ly, cũng không còn vốn mua bán cá, mà phải chuyển sang làm nghê vá lưới thuê để kiếm tiền mua gạo. “Mua bảo hiểm tàu cá là để bảo toàn tài sản của gia đình mình. Không ngờ khi tàu gặp sự cố không may thì quyền lợi của mình bị công ty bảo hiểm từ chối”, ngư dân Cao Ly than thở.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.