| Hotline: 0983.970.780

Khổ như thiếu nước sạch

Thứ Hai 20/07/2015 , 09:41 (GMT+7)

Trong khi hầu hết người dân trong xã đều được sử dụng nước sạch thì một số hộ dân ở thôn Lương Bình và hàng chục hộ dân ở thôn Lạc Điền thuộc xã Phước Thắng (Tuy Phước, Bình Định) không có nước sạch để dùng.

Ở xóm 5 thôn Lương Bình, xã Phước Thắng có 4 hộ dân đang “đói” nước sạch dù nhà của họ nằm sát đường giao thông.

Ông Mai Văn Thanh, một trong những hộ dân ở đây, bức xúc: “Nhà chúng tôi ở sát đường giao thông, cách nhà mấy trăm mét người ta có nước sạch dùng ào ào, chỉ riêng cụm dân cư gồm 4 hộ là không có vì đường ống nước sạch chưa tới. Bức bí quá, chúng tôi định nối ống kéo nước về nhưng chi phí lớn quá, mỗi hộ phải tốn 4-5 triệu đồng. Với nông dân nghèo, khoản chi phí ấy là quá lớn, đành lấy nước bẩn làm nước sinh hoạt”.

Theo ông Bình, 4 hộ dân ở đây đang sử dụng nước trong cái giếng được đào từ xa xưa, nằm cạnh con mương gần đường giao thông làm nước sinh hoạt. Giếng nước này ăn mạch ngang của con mương, mương có nước thì giếng có nước, mương khô nước giếng khô theo.

Đáng lo ngại là nước của con mương này rất mất vệ sinh, thời điểm đập thủy lợi đóng, nước cạn, con mương ngập tràn rác rưởi, xác súc vật từ trên thượng nguồn tấp về. Mạch ngấm vào giếng, nước giếng bẩn theo, trở nên đen sì, hôi hám, bốc mùi.

Biết là nước bẩn nhưng những hộ dân ở đây cứ nhắm mắt xách về, lọc qua rồi dùng tắm giặt, rửa đồ ăn, vo gạo. Nước uống thì xuống xóm dưới mua với giá 2.000 - 2.500 đồng/can 20 lít.

Chị Nguyễn Thị Bảy (52 tuổi) than thở: “Nước sạch mua chỉ dùng để nấu ăn, còn tắm rửa giặt giũ đều dùng nước giếng. Do nước mất vệ sinh nên từ người lớn, trẻ nhỏ của 4 hộ dân đều mắc bệnh đường ruột. Đặc biệt, phụ nữ ai cũng mặc bệnh ngoài da, ngứa ngáy ghê lắm. Đi xét nghiệm máu bảo không có bệnh gì, nhưng cứ ngứa triền miên”.

Đám cưới, đám giỗ đang là nỗi ám ảnh của 21 hộ dân ở thôn Lạc Điền, cũng thuộc xã Phước Thắng. Do từ trước đến nay nước sạch chưa được kéo về nên 21 hộ dân ở đây phải mua nước sạch về nấu nướng, ăn uống.

“Những hộ ở các cụm dân cư rải rác, xa đường ống dẫn chính nên hiện vẫn chưa thể đưa nước về được. Tự bỏ kinh phí để đấu nối kéo nước về thì nông dân nghèo làm gì có khả năng, địa phương thì không có kinh phí nên cũng chẳng giúp được gì.
Chỉ mong cấp trên xem xét, hỗ trợ thì may ra mới kéo được nước sạch về những vùng dân cư đó”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, trần tình.

Ông Nguyễn Đủ (65 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Lạc Điền, thắc mắc: “Cớ sao nước sạch đã về đến xóm Ông Lợi rồi, chỉ còn cách đây mấy trăm mét mà lại không xuống tới đây?”.

Theo ông Đủ, thôn Lạc Điền có 5 xóm, trong đó có 3 xóm gồm 21 hộ dân là chưa có nước sạch. Hiện nay, muốn có nước uống, nước nấu ăn, những hộ dân ở đây phải sang thôn Đông Điền (xã Phước Thắng) và thôn Tân Giản (xã Phước Hòa), những nơi đã có nước sạch để mua nước.

Mùa không có gió, họ dùng xuồng chèo qua Đông Điền để mua nước. Mùa gió lớn, không dám đi xuồng, họ phải dùng xe máy qua thôn Tân Giản để mua.

“Giá bán 2 can nước (20 lít/can) 1.000 đồng, không đắt nhưng tốn công lắm. Chở nước bằng xe máy mỗi chuyến chỉ được 3 can. Ở đây, do nằm sát cạnh đầm Thị Nại, nước giếng đóng bị nhiễm mặn nghiêm trọng nên không dùng được. Nhà tui có 5 người, dùng tiết kiệm tối đa mỗi ngày cũng mất đến 120 lít nước (6 can), phải đi mua 2 chuyến mới đủ dùng. Chưa kể chuyện tốn tiền tốn bạc, chiếc xe máy chở nước miết cũng rã rời, phải sửa liên tục. Dân nhà quê làm không ra tiền mà đủ kiểu chi phí thế này không kham nổi”, ông Đủ than thở.

Theo người dân ở đây, họ sợ nhất là mỗi khi nhà có đám cưới, đám giỗ. Bởi những ngày này, nước nấu ăn là nỗi ám ảnh. Nhà ai có đám cưới phải đi mượn can cả làng để đi mua nước về dùng.

Ví như nhà ông Đủ, vào năm 2011 làm đám cưới cho con gái, ông phải cử hẳn một thằng cháu chuyên đi mua nước cả ngày để về phục vụ nhà bếp. Đám cưới dù tiết kiệm hết mức cũng phải dùng đến 1.000 lít nước (50 can).

“Họp HĐND kỳ nào cũng đưa ra vấn đề nước sạch nhưng mãi đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Đủ nói giọng chán nản.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm