| Hotline: 0983.970.780

Khó quản lý giống lâm nghiệp

Thứ Tư 15/08/2018 , 08:45 (GMT+7)

Nhiều cơ sở SX giống cây lâm nghiệp khi bị kiểm tra thì khai nhận rằng chỉ SZX giống để sử dụng chứ không bán ra ngoài. Tuy nhiên, khi không có mặt của cơ quan chức năng lại lén lút bán sản phẩm, gây khó khăn trong quản lý...

08-43-13_1
Hiện chỉ có 50/175 cơ sở SX giống lâm nghiệp ở Quảng Nam có giấy phép kinh doanh

Tỉnh Quảng Nam có lịch thời vụ trồng rừng hàng năm bắt đầu từ khoảng 15/9 cho đến đầu tháng 1 năm sau. Trong năm 2018, do chưa có kế hoạch cũng như nguồn vốn để trồng rừng phòng hộ nên tỉnh đang tập trung vào trồng rừng SX với diện tích khoảng 9.755ha. Để đáp ứng nhu cầu SX, toàn tỉnh cần số lượng giống khoảng 21 triệu cây, trong đó chủ yếu là keo lai và keo tai tượng Úc.

Ông Nguyễn Minh Quang, cán bộ kỹ thuật Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Chiên Đàn (Phú Ninh) cho biết, đến thời điểm hiện tại một số địa phương đã bắt đầu trồng rừng nhưng chưa ồ ạt. Chủ yếu khu vực miền núi đường sá gặp khó khăn vào mùa mưa nên người dân tranh thủ trồng trước. Do đó, lượng giống bán ra của xí nghiệp chưa đáng kể (khoảng 30.000 cây/tháng).

Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Chiên Đàn là một trong những đơn vị SXKD giống cây lâm nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh của tỉnh. Hàng năm, cơ sở cung cấp khoảng hơn 1 triệu cây giống cho các huyện Tiên Phước, Quế Sơn, Phú Ninh, Thăng Bình với các sản phẩm là keo giâm hom từ keo lai nuôi cấy mô và keo tai tượng Úc.

“Với cây keo giâm hom, chúng tôi cắt ngọn từ cây keo lai nuôi cấy mô rễ trần có giấy chứng nhận nguồn gốc lô giống cây trồng lâm nghiệp của Cty CP Giống lâm nghiệp Nam Trung Bộ. Sau 3 năm các cây đầu dòng này sẽ được phá bỏ để thay thế bằng loạt cây mới, đảm bảo được chất lượng nguồn giống cung cấp ra thị trường.

Còn keo tai tượng Úc được nhập từ ĐH Thái Nguyên với giá trung bình khoảng 7,5 triệu đồng/kg hạt giống về ươm trồng. Đây là giống cây mới có ở Quảng Nam được khoảng 2 năm nhưng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, phát triển tốt và được người dân rất ưa chuộng. Giá bán của giống này cũng cao hơn keo lai bình thường từ 200 – 300 đồng/cây. Trong năm 2017 chúng tôi xuất ra thị trường gần 50.000 cây”, ông Quang cho biết.

Theo Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 cơ sở SX giống cây lâm nghiệp có giấy phép kinh doanh như Xí nghiệp Giống lâm nghiệp Chiên Đàn. Con số này chỉ chiếm khoảng 30% trong tổng số các cơ sở SX giống của tỉnh (50/175 cơ sở). Đa số không có giấy phép kinh doanh đều là hộ cá thể gia đình.

Ông Huỳnh Hùng, Phó phòng Sử dụng - phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam) cho biết, việc kiểm tra chất lượng nguồn giống đến nay chỉ có thể đảm bảo thực hiện được đối với các cơ sở kinh doanh có giấy phép bằng đợt kiểm tra trong tháng 8, thời gian chuẩn bị xuống giống. Bên cạnh đó còn có các kiểm tra đột xuất nếu có thông tin cơ sở nào đó có biểu hiện vi phạm.

08-43-13_2
Các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh phải có nguồn gốc xuất xứ giống rõ ràng

Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam sẽ phối hợp với ngành kiểm lâm, ngành nông nghiệp các huyện trên địa bàn tổ chức đánh giá lại các cơ sở SXKD giống lâm nghiệp. Cơ quan chức năng sẽ dựa trên 2 điều kiện là về giấy phép kinh doanh, của cơ sở và nguồn gốc xuất xứ của hạt giống. Nếu các giấy tờ của cơ sở không đủ các điều kiện này thì không được phép kinh doanh.

Cũng theo ông Hùng, đối với các cá thể hộ gia đình SX giống thì rất khó có thể kiểm soát được. Trước đây, công việc này giao cho cấp huyện quản lý, tuy nhiên do không kiểm soát được nên từ năm 2014 đến nay, ngành kiểm lâm tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra.

"Các hộ SXKD cho rằng, họ tự sử dụng giống chứ không bán ra bên ngoài. Có thể lúc không có cơ quan chức năng thì họ lại bán giống. Do đó, nếu vô tình phát hiện hoặc thậm chí là mật phục, bắt tại chỗ các cơ sở này buôn bán giống mới có thể xử lý được”, ông Hùng nói.

 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.