| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Thứ Tư 02/09/2020 , 07:00 (GMT+7)

Khoa học công nghệ đã trở thành một trong hai trụ đỡ trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông sản năng suất, chất lượng có giá trị cao.

Khoa học công nghệ tạo đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản

Sau 8 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả to lớn, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trở thành cường quốc về xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Chuyên gia Úc kiểm tra dây chuyền chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Lê Bền.

Chuyên gia Úc kiểm tra dây chuyền chiếu xạ tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Ảnh: Lê Bền.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, giai đoạn 2016-2020 khoa học công nghệ đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành và các vấn đề mà thực tiễn sản xuất yêu cầu. Đó là việc tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nhất là công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp và đã tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho hàng hoá nông sản và ngành nông nghiệp đối với thị trường nội địa và quốc tế. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU,... Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 thế giới.

Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hoá, hiện đại, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Công nhận hàng trăm giống, vật nuôi

Từ kết quả nghiên cứu, Bộ NN-PTNT đã công nhận 210 giống mới (trong đó, giống cây trồng: 157, giống thủy sản: 12; giống cây lâm nghiệp: 22 và giống vật nuôi: 19), 169 tiến bộ kỹ thuật mới (trồng trọt là 71 tiến bộ kỹ thuật, chăn nuôi 34 tiến bộ kỹ thuật, lâm nghiệp 21 tiến bộ kỹ thuật; thủy lợi 28 tiến bộ kỹ thuật, thủy sản 15 tiến bộ kỹ thuật), 81 sáng chế/giải pháp hữu ích đã được công nhận; nhiều công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam; 1.889 bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế; 4324 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nhiều giải thưởng cao quý như VIFOTEC, Bông lúa vàng, Techmart, Châu Á Thái Bình Dương...

Các giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới,… đã được chuyển giao áp dụng vào sản xuất nông nghiệp thông qua doanh nghiệp và người nông dân, giảm chi phí đầu tư, góp phần tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp; nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản đã giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ tư từ trái qua) thăm mô hình thủy sản tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lê Tuấn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ tư từ trái qua) thăm mô hình thủy sản tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Lê Tuấn.

Lĩnh vực khoa học công nghệ cũng đã thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước quan tâm và đã đầu tư với quy mô lớn, theo chuỗi giá trị ngành hàng. Những doanh nghiệp này đã áp dụng nhiều quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới, công nghệ nhập khẩu và đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành như Vinaseed, ThaiBinhseed, Lộc Trời, Masan...

Việt Nam đã chọn tạo, được chuyển giao và ứng dụng các giống lúa trên phạm vi cả nước với diện tích là 4,6 triệu ha, chiếm 60% tổng diện tích lúa cả nước. Riêng vùng ĐBSCL là trên 80% diện tích cả vùng, trong đó giống lúa OM5451 đã được gieo trồng trên diện tích gần 1.000.000 ha ở ĐBSCL.

Khoa học công nghệ là một trong hai trụ cột chính của công cuộc cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống cây ăn quả, bám sát nhu cầu thị trường, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp đã góp phần trực tiếp đưa diện tích cây ăn quả tăng mạnh, từ 869,1 nghìn ha năm 2016 lên tới 1,1 triệu ha 2020. Trong đó cam, quýt và bưởi, bòng tăng mạnh về diện tích và sản lượng.

Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm ngày càng được mở rộng và tăng đều qua các năm, từ 3,32 triệu ha năm 2016 lên 3,58 triệu ha năm 2020. Bình quân tăng khoảng 66 nghìn ha/năm; sản lượng cà phê nhân tăng 23,2 nghìn tấn, sản lượng búp chè tươi tăng 16,4 nghìn tấn, sản lượng mủ khô cao su tăng 182,3 nghìn tấn, sản lượng hồ tiêu tăng 58,6 nghìn tấn. Giống cà phê mới cho năng suất cà phê Việt Nam cao hơn cà phê thế giới từ 2-2,5 lần.

Để giải quyết bài toán làm chủ công nghệ về con giống, ngành tôm Việt Nam từ các viện, trường đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Tập đoàn Nam miền Trung, Việt Úc đã vào cuộc quyết liệt, với quyết tâm cao, góp phần từng bước chủ động được con giống, thúc đẩy ngành tôm phát triển mạnh mẽ.

Đối với con cá tra, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đã làm chủ công nghệ và chuyển giao vào sản xuất giống cá tra bố mẹ và từng bước đáp ứng đủ giống chất lượng cho sản xuất... Đồng thời, nâng cao chất lượng và tỷ lệ sống của cá tra trong giai đoạn ương nuôi con giống đạt tỷ lệ sống gần 50%; giống cá tra tăng trưởng nhanh (tăng trên 20%)...

Trong chăn nuôi, đã chọn lọc thành công dòng lợn nái có số con cai sữa đạt 26,1 con/nái/năm. Chọn tạo được giống lợn thịt thương phẩm tăng trọng nhanh (>750 gram/ngày), tiêu tốn thức ăn thấp (<2,5 kg thức ăn/kg tăng khối lượng) và chọn tạo được dòng lợn có tỷ lệ mỡ giắt trên 3%.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đến năm 2017 đạt trên 8,0 tỷ USD, năm 2019 đạt trên 11,3 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đến 2020 phải đạt được là 7,8 tỷ USD. Để đạt được kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của công tác chọn tạo giống mới cùng với kỹ thuật trồng rừng thâm canh đã đưa năng suất rừng trồng cây sinh trưởng nhanh (keo, bạch đàn) có nơi lên đến 40-45 m3/ha/năm, trung bình đạt khoảng 20 m3/ha/năm.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đinh Tùng.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé sẽ giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đinh Tùng.

Trong lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai, đã có nhiều giải pháp, công nghệ, vật liệu mới được công nhận đưa vào ứng dụng trong xây dựng công trình; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong cảnh báo, dự báo nguồn nước, hạn mặn, thiên tai phục vụ chỉ đạo, điều hành sản xuất chủ động, ổn định; ứng dụng thiết bị, quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng chủ lực... góp phần quan trọng trong phòng, chống thiên thai, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững.

Từ những đóng góp trên có thể khẳng định, khoa học công nghệ đóng vai trò rất quan trọng trong ngành nông nghiệp, là một trong hai trụ cột chính của công cuộc cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Giai đoạn 2016 - 2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đã có những bước tiến đáng kể, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm khoảng 7 - 8%/năm. Nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến lên đến hơn 100 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Trong đó có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Riêng trong hai năm 2018 và 2019 đã có 30 dự án lớn về chế biến nông lâm thủy sản với số vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD đã khởi công xây dựng và một số cơ sở đã hoàn thành đi vào sản xuất. Nhờ đó, cơ cấu sản phẩm chế biến tinh, chế biến sâu trong tổng sản phẩm xuất khẩu đã tăng, giá trị nông lâm thủy sản xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá, xuất siêu ngày càng tăng đưa nông sản Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản.

Xem thêm
VRG đã bán được mủ cao su thích ứng EUDR

VRG vừa tổ chức Lễ công bố thích ứng quy định EUDR của Liên minh Châu Âu và ký kết bán mủ cao su thích ứng EUDR của một số đơn vị thành viên.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Greenfeed được vinh danh nhờ chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp

Greenfeed được gọi tên trong tốp 100 doanh nghiệp bền vững năm thứ ba liên tiếp, nhờ các thực hành nông nghiệp tuần hoàn ứng dụng trong mọi hoạt động sản xuất. 

Hà Nội: Dự kiến tổ chức đấu giá hơn 7.000m² đất tại quận Long Biên

Hà Nội giao 9.989,5m² đất tại phường Thượng Thanh cho quận Long Biên để chỉnh trang hạ tầng, đấu giá và xây đường giao thông.