| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ tạo cú hích cho nông nghiệp ĐBSCL

Thứ Tư 07/08/2024 , 08:45 (GMT+7)

Từ năm 2022 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh ĐBSCL đã triển khai 458 nhiệm vụ các cấp, bao gồm nhiệm vụ chuyển tiếp và nhiệm vụ mới.

Doanh nghiệp mạnh tay đầu tư KHCN

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp những năm qua đã tập trung giải quyết đồng bộ các khâu trong sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, trong đó ưu tiên giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu ngày càng đi vào đời sống, ứng dụng thực tế ngày càng tăng lên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh ĐBSCL đã triển khai 458 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Từ năm 2022 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh ĐBSCL đã triển khai 458 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp. Ảnh: Minh Đảm.

Tại vùng ĐBSL, các nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp tập trung vào đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật gắn với sản phẩm chủ lực của các địa phương như công nghệ sản xuất, chế biến thủy sản; nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng quy trình sản xuất; thu hoạch và chế biến lúa gạo, trái cây chất lượng cao; các sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế cao, hình thành các sản phẩm OCOP...

Đáng chú ý, giống bưởi da xanh Bến Tre, xoài Cao Lãnh (Đồng Tháp), giống sầu riêng Ri-6 sản xuất tại Tiền Giang và Bến Tre đã được xuất khẩu số lượng lớn sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản; tôm thẻ chân trắng xuất khẩu sang EU, Mỹ, Nhật Bản...

Giai đoạn 2022 - 2024, tổng kinh phí lĩnh vực KHCN do trung ương cân đối cho 13 tỉnh, thành ĐBSCL là 1.089 tỷ đồng, kinh phí được UBND các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL phê duyệt là 1.170 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 107%. Tổng kinh phí chi đầu tư phát triển KHCN do UBND các tỉnh, thành phố trong vùng phê duyệt là 217 tỷ đồng, ước tính kinh phí thực hiện đến tháng 4/2024 là 187,61 tỷ đồng, đạt 90%. Một số địa phương bố trí kinh phí cao hơn mức trung ương phân bổ như Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Trà Vinh.

Khoa học công nghệ đã giúp các tỉnh ĐBSCL nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Đảm.

Khoa học công nghệ đã giúp các tỉnh ĐBSCL nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực KHCN, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL cũng đã huy động được 517 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách, trong đó Công ty Vĩnh Hoàn đầu tư 50 tỷ đồng đổi mới dây chuyền công nghệ thủy sản phục vụ xuất khẩu, Công ty Cổ phần Mỹ Lan (Rynan) đầu tư hơn 40 tỷ đồng làm chủ công nghệ trong nuôi trồng thủy sản thông minh, Tập đoàn Việt Úc đầu tư 110 tỷ đồng phát triển khu nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao… 

Cây dừa mang về cho Bến Tre 400 triệu USD

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre chia sẻ, năm 2023, tỉnh đạt và vượt 15/24 chỉ tiêu theo Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra. Trong đó, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt nhờ có sự đóng góp quan trọng của ngành KHCN, thể hiện qua đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) vượt chỉ tiêu và đạt 47%.

Ngành KHCN tỉnh Bến Tre đã có những ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, qua đó đã góp phần đưa Bến Tre giữ vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng PCI cả nước, thứ 3 ở ĐBSCL. 

Đầu tư khoa học công nghệ cho ngành hàng dừa, Bến Tre thu về 400 triệu USD mỗi năm. Ảnh: Minh Đảm.

Đầu tư khoa học công nghệ cho ngành hàng dừa, Bến Tre thu về 400 triệu USD mỗi năm. Ảnh: Minh Đảm.

Với diện tích dừa hơn 79.000ha, lớn nhất cả nước, Bến Tre được mệnh danh là “Xứ sở dừa Việt Nam”, giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD mỗi năm. Nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng của cây dừa, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất và chế biến gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, lãnh đạo các địa phương ĐBSCL cũng hiểu rất rõ những mặt yếu kém đang cản trở sự phát triển của KHCN. Cụ thể, tỉnh Bến Tre nhận thấy các chính sách thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp và khu vực nghiên cứu, dẫn đến các sản phẩm nghiên cứu bị hạn chế thương mại hóa.

Ngoài ra, những thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị tự phát và mô hình kinh doanh cũ, tình hình thế giới vẫn đang diễn ra phức tạp và khó đoán định... Do đó, đòi hỏi ngành KHCN phải có những bứt phá, phát triển mạnh mẽ, tăng cường tiềm lực, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Trà Vinh sản xuất gần 730ha lúa phát thải thấp vụ đông xuân 2024 - 2025

Vụ đông xuân 2024 - 2025, Trà Vinh sản xuất 728ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại 14 hợp tác xã trên địa bàn 6 huyện, hoàn thành xuống giống vào ngày 30/12.