Phiên tòa đã kết thúc vào ngày 6/11/2021. Ba bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố và bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đưa ra xét xử là Nguyễn Duy Linh (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, bị truy tố và xét xử về tội “nhận hối lộ”). Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, nguyên Giám đốc Công ty Bắc Nam 79, bị truy tố và xét xử về tội “đưa hối lộ”), và Hồ Hữu Hòa, bị truy tố và xét xử về tội “môi giới hối lộ”).
Tại tòa, mọi việc đã được làm sáng tỏ: Nguyễn Duy Linh đã khai nhận, có nhận của Vũ “nhôm” 5 tỷ đồng để báo cho Vũ biết là Vũ sẽ bị khởi tố và khuyên Vũ trốn đi.
Trong cáo trạng cũng như trong phần luận tội, tuy đã khẳng định hành vi nhận hối lộ của Nguyễn Duy Linh là “hết sức nghiêm trọng”, nhưng đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa lại đề nghị tòa cho Nguyễn Duy Linh hưởng “sự khoan hồng đặc biệt”.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Sự “khoan hồng đặc biệt” là gì? Được quy định tại điều nào trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự?
Trong Bộ luật Hình sự, chỉ có Điều 51 (các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự). Nhưng điều luật này không có khoản nào, điểm nào định nghĩa “sự khoan hồng đặc biệt” là gì, và những hành vi nào của bị cáo thì sẽ được hưởng “sự khoan hồng đặc biệt” cả.
Muốn Nguyễn Duy Linh được hưởng “sự khoan hồng đặc biệt” như đề nghị trên của đại diện Viện Kiểm sát, thì phải chờ Quốc hội sửa lại Bộ luật Hình sự, đưa thêm điều đó vào luật.
Khoản 4, Điều 354 (tội nhận hối lộ) của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên, thì hình phạt phải chịu sẽ là tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nguyễn Duy Linh nhận hối lộ tới 5 tỷ đồng, lẽ ra Hội đồng xét xử phiên tòa phải áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo, và trong trường hợp bị cáo đã nộp lại 5 tỷ đồng tiền đã nhận hối lộ từ Vũ “nhôm”, thì hình phạt đối với Linh sẽ chuyển xuống thành tù chung thân theo quy định của luật.
Trường hợp này, cũng giống hệt như trường hợp Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông trong vụ án Mobifone mua lại 95% cổ phần của Công ty AVG. Son đã nhận hối lộ của Phạm Nhật Vũ 3 triệu USD. Vụ án cũng do Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử. Tại tòa, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị mức án tử hình đối với Son. Nhưng do Son đã nộp lại 3 triệu USD tiền nhận hối lộ, nên đã được Hội đồng xét xử tuyên mức án chung thân.
Thế nhưng trong vụ án này, Hội đồng xét xử lại chỉ tuyên phạt Nguyễn Duy linh 14 năm tù, thấp hơn cả mức khởi điểm của Khoản 4, Điều 354, là điều luật bắt buộc phải áp dụng đối với hành vi của Nguyễn Duy Linh.
Cả đại diện Viện Kiểm sát và quan tòa, đều là những người hết sức tinh thông về luật. Cùng một tòa án xét xử, hai vụ án giống hệt nhau. Không hiểu sao lại có cách lượng hình khác nhau như vậy?