Tạm dừng sản xuất hàng ngàn ha vụ hè thu
Chúng tôi đến hồ chứa nước Suối Trầu, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khi mực nước ngày càng cạn kiệt do nắng hạn kéo dài, không có mưa bổ sung.
Ông Đặng Văn Thắng, Phó trưởng Văn phòng Đại diện Công ty TNHH MTV Thủy lợi Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) tại Ninh Hòa cho biết, hiện mực nước hồ Suối Trầu chỉ còn 3,7 triệu m3, đạt 39% so với dung tích thiết kế. Do nguồn nước thiếu hụt, không đảm bảo nước tưới cho sản xuất theo kế hoạch trong vụ hè thu 2024, nên công ty đã đưa ra phương án tạm dừng sản xuất một số xứ đồng cuối nguồn nước.
“Khi hồ đủ nước sẽ đáp ứng sản xuất cho hơn 460ha mỗi vụ (2 vụ/năm) tại địa bàn các xã Ninh Xuân, Ninh Bình, Ninh Quang, Ninh Tân, Ninh Hưng và hỗ trợ cho 255ha (vụ đông xuân) thuộc hệ thống thủy lợi đập dâng Đồng Tròn. Tuy nhiên sau khi kết thúc tưới vụ đông xuân năm nay, do diễn biến tình hình thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, nguồn nước cạn kiệt nên công ty đã tạm dừng sản xuất hơn 141ha tại các xã Ninh Quang, Ninh Tân”, ông Đặng Văn Thắng chia sẻ.
Ghi nhận của chúng tôi tại xã Ninh Quang, hiện nhiều diện tích đã được nông dân tranh thủ lấy nước đổ ải từ hồ Suối Trầu để thực hiện cày bừa, gieo sạ.
Theo người dân địa phương, hồ Suối Trầu đã bắt đầu điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ hè thu từ ngày 22/4. Để tiết kiệm nguồn nước, công ty thực hiện phương án điều tiết luân phiên (mở 10 ngày và đóng nước 7 ngày). Vì vậy, các cánh đồng gần kênh nước dẫn, nông dân đã đồng loạt ra đồng làm đất, tiến hành gieo sạ. Tuy nhiên đối với cánh đồng thôn Tân Quang trên địa bàn xa nguồn nước buộc tạm dừng sản xuất trong vụ hè thu để tránh thiệt hại.
Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp 2 Ninh Quang cho biết, hiện diện tích sản xuất nông nghiệp của Hợp tác xã hưởng nước từ hồ Suối Trầu khoảng 298ha. Vụ đông xuân vừa qua, toàn bộ diện tích đã được sản xuất, nhưng vụ hè thu này nhiều diện tích buộc tạm dừng sản xuất theo khuyến cáo của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa và UBND xã Ninh Quang.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, đến nay, hợp tác xã đã sản xuất được gần 100ha. Đối với diện tích còn lại, hợp tác xã sẽ tiến hành sản xuất khi đảm bảo nguồn nước.
“Đối với vùng khoanh vùng sản xuất, chúng tôi đã họp bàn cùng các trưởng thôn và bà con nông dân đều thống nhất. Tuy nhiên nếu trong tháng 4 âm lịch này có mưa tiểu mãn bổ sung nguồn nước cho hồ Suối Trầu, đảm bảo cao trình thì công ty sẽ thông báo cho hợp tác xã tiến hành sản xuất toàn bộ diện tích còn lại”, ông Nguyễn Hữu Phước cho hay.
Không chỉ hồ Suối Trầu mà các hồ như Am Chúa, Láng Nhớt, Cây Sung, Suối Lớn và các đập dâng Sông Cái, Hàm Rồng, Đồng Tròn, Phước Mỹ cũng không đảm bảo nguồn nước tưới, buộc tạm dừng sản xuất trong vụ hè thu.
Ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, tổng diện tích trên địa bàn tỉnh tạm dừng sản xuất trong vụ hè thu khoảng 1.227ha, chiếm 8% so với kế hoạch.
Đối với diện tích tạm dừng sản xuất tại các hồ chứa và đập dâng, công ty đã thông báo cho các địa phương. Tuy nhiên nếu thời tiết trong thời gian tới có mưa tiểu mãn, các hồ tích nước thêm, công ty sẽ tính toán mở rộng diện tích sản xuất.
Khuyến cáo
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung bộ, từ tháng 4 đến tháng 8, tổng lượng mưa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Mực nước trên các sông tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ít biến đổi và có xu thế giảm, riêng thời kỳ nửa cuối tháng 5 và đầu tháng 6, mực nước trên các sông tỉnh Khánh Hòa có dao động. Tuy nhiên mực nước trung bình các tháng trên sông Cái Nha Trang ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, trên sông Dinh Ninh Hòa ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.
Trong khi đó, thời điểm đầu tháng 5/2024, tổng dung tích 19 hồ chứa do Công ty Thủy lợi Khánh Hòa quản lý chỉ còn 140 triệu m3, đạt 65% so với dung tích thiết kế. Trong đó nhiều hồ có mực nước thấp như Suối Trầu (đạt 39%), Suối Sim (đạt 37%), Am Chúa (đạt 39%), Đá Đen (đạt 19%).
Trước tình hình dự báo thời tiết diễn biến phức tạp, khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra, ông Phạm Lựa, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo các chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hệ thống công trình, kênh mương để điều tiết nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, không để thất thoát nước gây lãng phí. Đồng thời ngay từ đầu vụ hè thu phải có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Ngoài ra, công ty cũng đã yêu cầu công nhân thủy nông thường xuyên kiểm tra hệ thống tưới được phân công quản lý, để phối hợp với các đơn vị dùng nước kiểm tra điều tiết nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
“Hiện nay thời tiết nắng hạn gay gắt, nguồn nước một số hồ chứa thiếu hụt, chúng tôi đã phối hợp các địa phương, đơn vị dùng nước tuyên truyền, vận động người dân sản xuất đồng loạt, tập trung để tiết kiệm nước. Đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sản xuất ngoài diện tích đã khoanh vùng, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới”, ông Phạm Lựa khuyến cáo.
Cũng theo lãnh đạo Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, công ty đã đôn đốc các địa phương thường xuyên kiểm tra kỹ các đập ngăn mặn do địa phương quản lý. Cùng với đó yêu cầu các đơn vị dùng nước nạo vét, phát dọn kênh mương cấp 3 và nội đồng thông thoáng; gia cố, tu bổ các công trình thủy lợi bị hư hỏng gây thất thoát nước do địa phương quản lý để đảm bảo trong công tác điều tiết nước tưới. Phía công ty cũng đã xây dựng phương án chống hạn cho từng hệ thống công trình có khả năng thiếu nước tưới.
Mới đây, đoàn công tác của Cục Thủy lợi đã kiểm tra công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, đoàn đến khảo sát tình hình nguồn nước tại các hồ chứa nước Tiên Du và Suối Trầu (thị xã Ninh Hòa), đồng thời làm việc với đơn vị quản lý hồ chứa. Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó với tình hình nắng hạn, thiếu nước có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên ông lưu ý địa phương cần tiếp tục chủ động nhân lực, phương tiện và các phương án ứng phó cụ thể, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt và hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trong trường hợp nắng nóng tiếp tục kéo dài, gây hạn hán, thiếu nước.