| Hotline: 0983.970.780

Khóc cười vì bưởi Đoan Hùng

Thứ Bảy 16/04/2016 , 08:30 (GMT+7)

Cuộc họp HĐND tỉnh Phú Thọ năm 2007 bỗng dưng trở nên nóng khi đến đoạn chất vấn những người liên quan đến dự án 1.000 ha bưởi đặc sản trong đó có một số vườn bị lẫn giống. Giám đốc rồi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phải cúi đầu nhận khuyết điểm vì không quản lý chặt chẽ được cấp cơ sở.

Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười thật tươi, cuộc gặp gỡ hôm nay của họ khác hẳn với những ánh mắt mang “hình viên đạn”, những giọt nước mắt chua xót chục năm về trước.

Bị kiểm điểm vì bưởi

Những con người đó gắn liền với sự hồi sinh của cả vùng bưởi đặc sản Đoan Hùng (Phú Thọ) từng mang tiếng là “bưởi vô sinh”, “bưởi đặt vòng”, bị thẳng tay chặt trụi không thương tiếc…

Cuộc họp HĐND tỉnh Phú Thọ năm 2007 bỗng dưng trở nên nóng khi đến đoạn chất vấn những người liên quan đến dự án 1.000 ha bưởi đặc sản trong đó có một số vườn bị lẫn giống. Giám đốc rồi Phó Giám đốc Sở NN-PTNT phải cúi đầu nhận khuyết điểm vì không quản lý chặt chẽ được cấp cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ, người liên quan trực tiếp đến dự án lúc đó run run cầm bản kiểm điểm mà mới chỉ đọc đến đoạn đầu thì nghẹn ngào bật khóc. Những giọt nước mắt lăn ngược vào tim, chua xót.

Số là, năm 2003 tỉnh Phú Thọ có một đại dự án trong nông nghiệp đó là phục tráng 1.000 ha bưởi đặc sản gồm hai giống Bằng Luân và Chí Đám cho 16 xã thuộc huyện Đoan Hùng. Việc cắt mắt ghép nhân giống được giao cho Trung tâm Giống cây trồng tỉnh (nay là Công ty CP Giống - VTNN Công nghệ cao Việt Nam). Quá trình thực hiện trong nhà lưới không may là nhân viên kỹ thuật đã sơ suất cắt nhầm mắt của giống bưởi khác.

Tỷ lệ bưởi lẫn giống trong độ cho phép của dự án nhưng ngặt nỗi lại dồn vào diện tích của mấy hộ thành ra mới sinh chuyện. Sự nhầm lẫn này phải mấy năm sau mới được phát hiện ra khi bưởi đậu quả mà điển hình nhất là vườn nhà ông Lập, ông Cường, Hoan bị lẫn với bưởi Diễn và bưởi chua. Vậy là đâm đơn kiện nhất mực đòi bắt đền vì họ sợ huyện nhà đang xây dựng thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng mà bị lẫn như thế sẽ không bán được, sẽ không được vào Hiệp hội.

Chỉ ba hộ kiện nhưng mọi thứ cứ rối tinh, rối mù đến hàng chục tờ báo phải vào cuộc. Ngay trong hồi cây bưởi đang quay cuồng trong vòng kiện tụng đó, Phú Thọ đã tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học đến để hiến kế xem xem nên để các cây bưởi lẫn hay là cắt đi. Đề xuất của Trung tâm giống tỉnh là cắt mắt ghép lại. Toàn bộ tiền do đơn vị chi trả, ngoài ra còn hỗ trợ phân bón để chăm cho bằng các cây không bị lẫn khác.

Trong dịp ấy, Viện Nghiên cứu rau quả trình bày nghiên cứu mới qua phát hiện thực tế ở Hà Tây cũ có những vườn bưởi Diễn mất mùa vì chỉ trồng chuyên một loại bưởi nên thụ phấn rất yếu. Hiện tượng này sẽ được khắc phục nếu cây có cơ hội được giao phấn với những loại bưởi khác theo kiểu trồng xen kẽ. Lúc ấy, tỷ lệ đậu quả mới cao, chống rụng quả cũng rất tốt. Cuối cùng, họ kết luận, trồng bưởi xen mới tốt, không nên chặt đi. Nếu lẫn khoảng 10% thì để nguyên mà chưa có thì phải trồng thêm vào để cây giao phấn.

Lý luận hoàn toàn đúng về mặt khoa học nhưng lại không đúng thời điểm, đúng ý lãnh đạo địa phương nên bị cho là “chạy chọt” thế nọ, thế kia khiến cho mọi việc càng trượt đi dài dài…

Cuộc hội ngộ kỳ lạ

Để gần mười năm sau, tôi là một người chứng kiến cuộc gặp mặt giữa người đàn bà bị kiện Nguyễn Thị Tâm và người đàn ông đi kiện Đặng Văn Lập ở trên chính vườn bưởi ở xã Vân Du. Họ thân mật như thể là những người trong gia đình lâu ngày gặp mặt, cứ “bá bá, em em”. Chẳng gì bà Tâm cũng là em kết nghĩa của ông Lập còn gì?

Ông kể, năm 2005 gia đình mình có đăng ký với dự án để trồng trên 300 gốc bưởi. Năm 2007 khi cây ra quả bói mới phát hiện 80% không phải bưởi Bằng Luân mà là bưởi Diễn, thậm chí có vài cây lẫn cả bưởi chua. Bưởi Đoan Hùng chính hiệu chỉ to chét mốt, chét hai (lớn hơn một chét tay) còn giống bưởi này lại quả to hơn hẳn.

Phen này không khéo chết vì ngập đầu, ngập cổ trong nợ nần. Bà vợ ông Lập vốn bị bệnh tim cũng gần như đứng tim luôn dịp đó vì lo lắng. Thế là ông tức tốc đi kiện, kiện đến khi đòi được đền bù, đòi được cắt ghép lại đúng giống bưởi Bằng Luân thì mới chịu dừng lại vì phát hiện bưởi Diễn trồng ở đất này ăn ngon quá.

17-13-35_cimg1480
Dân Đoan Hùng sống tốt nhờ bưởi

Thế là ông giữ lại tất để chăm sóc. Giờ nó đẹp tựa như vườn địa đàng với cây cối sum suê, đường uốn vòng quanh đồi xe tải dễ dàng ghé thùng đón quả mỗi vụ thu hoạch. Năm 2015, vườn bưởi đã đem lại cho gia đình ông thu nhập tới 150 triệu. Ông cười hiền lành với “em gái” rằng: “Nhờ em kết nghĩa mà tôi có nhà cửa khang trang như hiện nay, có tài sản như bây giờ, có vườn bưởi là tài sản mãi mãi cho con, cho cháu”.

Trở lại chuyện truân chuyên của cây bưởi đất Tổ mươi năm về trước, bưởi Đoan Hùng trồng mới một số bị lẫn giống đã đành những cây bưởi gốc hàng chục năm, hàng trăm năm đến giai đoạn ấy cũng đồng loạt không ra quả nhiều vụ liên tiếp. Nhiều nhà phải cay đắng chặt phăng đi những gốc bưởi gia truyền.

Ông Vũ Văn Minh ở xã Bằng Luân là một trường hợp như vậy. Vườn nhà ông vốn có 7 cây bưởi cổ thụ do cựu lý trưởng Trung Khánh trồng, mùa nào cũng cho quả ngon nức tiếng.

Năm 1997, ông Minh mang quả của một cây ngon nhất trong vườn đi thi thì ngay lập tức ẵm giải, trở thành cây đầu dòng quý hiếm nhân giống cho cả vùng. Thế rồi, giai đoạn chìm đắm của bưởi Đoan Hùng bắt đầu khi thời tiết bất thuận, cây không đậu quả nhiều năm liên tiếp. Bởi vậy, đợt đứa con san đất, làm nhà ông đã cho chặt hết 6 cây bưởi, chỉ giữ lại một cây ở góc vườn.

Thế rồi, khi có công nghệ thụ phấn bằng hoa bưởi chua của Sở Khoa học Công nghệ Phú Thọ, cây bưởi hơn 100 tuổi ở góc vườn ấy bỗng dưng “hồi xuân”. Nó lại dâng lên cho ông lão những mùa quả ngọt như thủa đương thì. Giờ thì vườn nhà ông Minh lại mở rộng ra với 40 gốc.

Trước đây thời tiết bình thường, người trồng bưởi đâu cần phải làm thay con ong, con bướm như thế nhưng giờ đây nhà vườn nào độc canh một loại giống đều phải thực hiện như thế cả. Một cái hoa bưởi chua chấm được 20 đài quả bưởi ngọt. Kỳ lạ là việc giao phấn này giúp tăng đậu quả chứ không hề ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Vườn bưởi của “ông rồ”

Tình cờ trồng vườn tạp mà thành công hơn hẳn vườn thuần đó là trường hợp của “ông rồ” Trương Văn Lễ - người xã Bằng Luân, huyện Đoan Hùng. Cách đây 20 năm, khi đang sống tốt bằng nghề buôn trâu bò, buôn bất động sản, ông Lễ đã bán lại tất cả tài sản, rời nhà từ trong làng ra lập lán trại trên đồi để trồng bưởi.

Người làng bảo ông này sau khi bị tai nạn đến chấn thương sọ não phải nằm nhà 3 năm giờ đã hóa rồ. Quả thực là ông rồ vì bưởi thật bởi hễ có đồng nào lại ném tất vào kiến thiết, chăm chút cho vườn bưởi trong khi nhiều hộ khác đang ào ào chặt bưởi đi để trồng keo, trồng bạch đàn. Khi có dự án 1.000 ha bưởi ông đăng ký luôn 300 cây trong khi một số nhà khác chỉ rón rén nhận 5-10 cây.

cimg1474141547480
“Ông rồ” Trương Văn Lễ

Cách trồng bưởi của ông cũng không giống một ai, trồng đến 5 loại bưởi là bưởi Diễn lá to, bưởi Diễn lá nhỏ, bưởi Bằng Luân, bưởi Chí Đám… xen nhau. Bưởi Diễn cũng là một dòng bưởi gốc từ Đoan Hùng nhưng quả muộn hơn, đẹp hơn, tỷ lệ đậu quả rất tốt chứ không đỏng đảnh như bưởi Đoan Hùng.

Khi “ông rồ” thu hoạch tằng tằng mỗi vụ hàng trăm triệu (năm 2015 kỷ lục thu được tới 230 triệu) mọi người đã bớt cười. Khi đoàn xe cả chục chiếc do Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu nối đuôi nhau về thăm “ông rồ”, người ta không cười nữa mà chuyển sang khâm phục.

Giờ vườn bưởi ấy giờ có người trả giá đến 6 tỉ đồng nhưng ông Lễ vẫn lắc đầu bởi bưởi càng già càng ngon càng có giá, bởi mồ mả của bố mẹ ông đã đặt tất ở trong khu vườn ấy rồi.

Bốn năm nay hàng ngàn hộ dân Đoan Hùng đổi đời kỳ diệu nhờ bưởi như vậy. Dân được tiền càng thêm chăm chút cho cây khác hẳn với trước đây bưởi ngậm ngùi xen với tre, với sắn, với xoan. Vất vưởng cùng trời đất, quả không chăm nên thường khô hóa gạo.

Sản lượng thứ quả đặc sản này tăng đột biến từ 2.000 tấn năm 2010 lên đến gần 9.000 tấn năm 2015, giá trị ước đạt trên 200 tỷ đồng, bình quân thu khoảng 600 triệu đồng/ha đối với bưởi Chí Đám, 400 triệu đồng/ha đối với bưởi Bằng Luân. Một cái kết đẹp như cổ tích cho những người dám mơ và sống chết với giấc mơ.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Vượt thách thức, triển khai toàn diện công tác thủy lợi, nước sạch nông thôn

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2024, nhưng Cục Thủy lợi đã triển khai thực hiện toàn diện công tác về thủy lợi, nước sạch nông thôn.

Khánh Hòa dự báo mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất

Theo dự báo, từ đêm 23 - 25/12, tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất…