Nhiều chủ vườn đã cho nhân công nghỉ việc, kinh doanh cầm chừng vì càng sản xuất càng lỗ vốn.
Kinh doanh kiệt quệ
Đứng nhìn vườn hoa hồng phơi giữa trời mưa phùn, anh Nguyễn Đức Hùng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) thở dài ngao ngán.
Theo anh Hùng, 4 sào hoa, cây cảnh của gia đình trước Tết âm lịch vừa qua vẫn bán chạy. Nay thì, dù có đẹp phơi phới cũng chẳng ai thèm ngó ngàng. Nguyên nhân ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
“Gia đình tôi mới chuyển sang trồng hoa được mấy năm nay thôi. Nói chung là số tiền đầu tư lớn, cũng còn đi vay mượn của anh em, họ hàng. Chứ nếu vay ngân hàng thì chắc tới đây bán nhà đi trả nợ mất thôi”, anh Hùng ngậm ngùi.
Anh Hùng tâm sự, thực tế không phải bây giờ, người trồng hoa ở Mê Linh mới “thấm đòn”. Cách đây cả tháng, khi xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) có người nhiễm bệnh, cách ly… giá hoa đã theo đà tụt giá. Lượng khách cả mua lẻ lẫn mối lớn tìm về mua thưa thớt dần.
“Tâm lý chung của người dân giờ đây là hạn chế ra đường. Ai cũng lo phòng, chống dịch bệnh, tâm trạng đâu mà chơi hoa, cây cảnh như trước”, anh Hùng thở dài.
Nhớ lại dịp sau Tết Nguyên đán 2019, anh Hùng bảo, nhu cầu mua hoa cúng lễ, đi hội lớn nên người trồng cũng ấm no. Có ngày, gia đình anh thu được vài triệu đồng cũng là chuyện thường. Còn nay, có ngày không bán được cây nào. Ngày nào may mắn thì có khách hỏi mua, bán được 100 – 200 nghìn đồng.
Giá các loại hoa đồng loạt giảm sâu. Hoa hồng mua buôn, các thương lái chỉ trả 200 – 400 đồng/cành. Loại bán chạy như hoa cúc, trước Tết có khi gần trăm nghìn/bó, nay chỉ còn 30 nghìn đồng.
Nếu như trước đây, anh Hùng thường xuyên thuê 3 – 4 nhân công để sản xuất, nhưng nay đã cho tạm nghỉ vì không có tiền trả. Theo tính toán, mỗi sào hoa, người trồng phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng/vụ. Nhưng với tình thế hiện nay, người trồng càng sản xuất thì càng lún sâu vào thua lỗ.
Nói như mếu, anh Hùng bảo, nhưng nếu bỏ ruộng vườn không chăm nữa, hoa càng xấu, lại càng không có khách hỏi mua, cũng không được. Hai vợ chồng anh túc tắc bảo nhau, lấy công bù lỗ, chăm mấy sào ruộng hoa chờ giá lên.
Chồng chất khó khăn
Ông Nguyễn Văn Tuấn, chủ hộ chuyên sản xuất hoa hồng tại đây cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới người nông dân. Cái nhìn rõ nhất là người trồng hoa đang phải mua vật tư nông nghiệp với giá cao vì nguồn hàng khan hiếm. Ngay cả như các loại các loại giấy bạc, túi nilon chuyên bọc hoa cũng được đà tăng giá.
Thứ hai, cũng theo ông Tuấn, vườn nhà ông ngay mặt đường, trước giờ khách tới tham quan, mua hoa đông nườm nượp. Nhưng giờ thì vắng hơn chùa bà Đanh. Hầu hết giá hoa hồng các loại từ nội địa cho tới nhập khẩu đều bị sụt giảm, có khi tới 2/3.
Không chỉ khách lẻ, ngay cả các mối buôn truyền thống cũng giảm lượng mua, dè dặt đặt hàng so với trước dịch bệnh. Mặc dù gia đình đã đi nhiều nơi, kết nối thêm các thị trường, nhưng việc sản xuất vẫn vô cùng ảm đạm.
Đi một vòng xã Mê Linh, nhiều nhà vườn đã hạ biển, khóa cửa tạm nghỉ kinh doanh vì càng sản xuất càng lỗ. Từ vài ngày nay, chợ hoa Mê Linh - vốn đông vui nhộn nhịp, giờ cũng khóa trái, không một bóng người.
Bên ngoài chợ, duy chỉ còn bà Nguyễn Thị Thắng ngồi ôm sạp hoa bán lẻ cho khách qua đường. Các con của bà Thắng trồng hơn một mẫu hoa hồng, cúc các loại. “Hôm rồi thương lái tới trả 7 nghìn một bó hoa cúc 50 bông, 20 nghìn 100 bông hồng, con tôi không bán, thế là ế. Tôi tiếc của, thương con nên đem ra bán lẻ gỡ gạc lại đồng vốn”, bà Thắng bùi ngùi.
Ngồi trò chuyện cùng bà Thắng lúc lâu, lác đác có 1 – 2 khách đi xe máy dừng lại hỏi mua hoa, ai nấy khẩu trang kín mít. Hoa hồng, khách trả 10 nghìn, rồi 7 – 8 nghìn một chục bông, bà Thắng cũng bán.
“Thôi thì đắt rẻ gì cũng bán, được đồng nào hay đồng đấy. Giữa thời kỳ dịch bệnh như này, ít người còn tâm trạng chơi hoa lắm. Người mua thì ít, người bán thì nhiều. Chả biết tới bao giờ dịch bệnh bớt đi cho người nông dân đỡ khổ”, bà Thắng nói tiếp.