30 tỷ đồng khôi phục tài nguyên nước
Ngày 19/8, Bộ NN-PTNT, WWF-Việt Nam, Heineken Việt Nam cùng các địa phương khởi động chương trình hợp tác phục hồi tài nguyên nước ở lưu vực sông Hồng, sông Đồng Nai, sông Tiền nhằm mục tiêu phục hồi tính nguyên vẹn hệ sinh thái và đa dạng sinh học, tăng cường quản trị tài nguyên nước tại các lưu vực sông trọng điểm của Việt Nam.
Chương trình Hợp tác “Bảo tồn tài nguyên nước tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai tỉnh Đồng Nai, và Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang” sẽ được thực hiện trong vòng 4 năm với tổng ngân sách 30 tỷ đồng, do Heineken Việt Nam tài trợ.
Đây là những khu vực có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị kinh tế xã hội cao đối với các địa phương. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức tài nguyên nước, rừng và đất; việc quản lý chưa hiệu quả các nguồn thải; cùng với các tác động của biến đổi khí hậu đã khiến cho tài nguyên nước tại đây bị suy giảm về số lượng và suy thoái về chất lượng.
Theo kế hoạch, các hệ sinh thái ở vùng đầu nguồn quan trọng của các lưu vực sông này sẽ được phục hồi bằng nhiều giải pháp khác nhau, góp phần nâng cao khả năng điều tiết, cung cấp nước cho cộng đồng và các hoạt động nông nghiệp và sản xuất ở vùng hạ du của các lưu vực sông quan trọng này.
Bảo tồn 3 tỷ lít nước mỗi năm từ chương trình
Mục tiêu đến 2025, các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai, Khu Bảo tồn Sinh thái Đồng Tháp Mười và Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ được phục hồi, bảo vệ và các cộng đồng trong khu vực sẽ thực hiện các thói quen mới trong cuộc sống và sinh hoạt, giúp bảo vệ, phục hồi và tiết kiệm để hướng tới mục tiêu bảo tồn 3 tỷ lít nước mỗi năm cho môi trường cũng như sản xuất và hoạt động nhân sinh ở vùng hạ du của các lưu vực sông.
Trong đó, dự kiến, gần 2 tỷ lít nước sẽ được gia tăng mỗi năm thông qua hoạt động nuôi dưỡng, làm giàu 1.100 ha rừng tự nhiên trên cả 3 lưu vực sông; 200 triệu lít nước mỗi năm sẽ được gia tăng từ hoạt đồng trồng mới, bổ sung 32,3 ha rừng gỗ lớn và cây bản địa; 800 triệu lít nước sẽ được bù hoàn mỗi năm riêng tại Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười thông qua việc nghiên cứu và áp dụng kế hoạch quản lý và điều tiết chế độ thủy văn phù hợp.
Ngoài ra, các cộng đồng sinh sống trong các vùng lõi và vùng đệm của Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và Vườn Quốc gia Xuân Sơn sẽ được đào tạo để cùng tham gia thay đổi thói quen sinh hoạt và sản xuất để giảm tác động đến nguồn nước, tham gia các hoạt động trồng và giữ rừng.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT, ở Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ rất quan tâm đến phát triển, bảo tồn, cải tạo tài nguyên nước, đặc biệt gần đây nhất Đề án An ninh nguồn nước đã được Bộ NN-PTNT trình đề xuất Bộ Chính trị để thông qua. Từ câu chuyện tạo nguồn, từ câu chuyện tuần hoàn nước, câu chuyện bảo tồn nước, sử dụng nguồn nước hiệu quả cả về số lượng và số lượng.
Ông Tuấn đánh giá cao chương trình khôi phục nguồn nước cho sông Đồng Nai, sông Hồng, sông Tiền Giang. Đây là dự án quan trọng trong chương trình hợp tác tổng thể chung về phát triển nông nghiệp gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được Bộ NN-PTNT tổ chức ký kết với WWF ký kết vào ngày 14/2/2022.
"Đây là một dự án kỹ thuật quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa và giá trị rất tích cực nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo nguồn nước sạch cho dân cư và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. Vì mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn tài nguyền thiên nhiên, bảo tồn nguồn nước theo đúng tinh thần mà Dự án tài nguyên nước mới đây Bộ NN-PTNT đã trình Chính phủ phê duyệt", Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế Bộ NN-PTNT nhận định.
Ông Tuấn đánh giá cao tinh thần trách nhiệm kinh doanh của Heniken ở Việt Nam, đây sẽ là mô hình tốt cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khác ở Việt Nam học tập.
Sự kiện hôm nay đánh dấu sự quyết tâm cam kết của các bên cho nỗ lực phục hồi nguồn nước, góp phần đảm bảo môi trường sống an toàn, khỏe mạnh cho khu vực cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức thói quen tốt cho cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo tồn và trân quý tài nguyên thiên nhiên.
Ông Hoàng Việt, Quản lý chương trình Nước của WWF-Việt Nam cho biết, chương trình được thiết kế theo cách tiếp cận tổng hợp nhằm giải quyết các vấn đề an ninh nguồn nước dựa vào các giải pháp thuận theo tự nhiên và dựa vào cộng đồng.
“Với những cam kết mạnh mẽ và hợp tác chặt chẽ của Vụ Hợp tác Quốc tế, Vụ Quản lý Nguồn nước, Tổng cục Thủy lợi và Vụ Quản lý Rừng Đặc dụng, Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ NN-PTNT và các địa phương tham gia, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Heineken Việt Nam trong Chương trình hợp tác này, WWF-Việt Nam tin tưởng là các hệ sinh thái nước ngọt quan trọng của Việt Nam sẽ được bảo vệ và phát triển bền vững, gia tăng nguồn cung cấp nước cho con người và thiên nhiên, trong bối cảnh thiếu nước ở vùng hạ du các con sông ngày càng gia tăng, đặc biệt trong mùa khô.
Việc thực hiện Chương trình hợp tác này sẽ đưa ra các bài học kinh nghiệm để thúc đẩy các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong công tác bảo vệ an ninh nguồn nước, phục vụ bền lâu cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như lợi ích của cộng đồng", ông Việt nói.