| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Bảy Núi

Thứ Hai 04/11/2024 , 10:21 (GMT+7)

An Giang Việc phát triển rừng bền vững tại vùng Bảy Núi không chỉ dừng lại ở các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên mà còn giúp phát triển kinh tế cho người dân.

Rừng phòng hộ núi Cấm ở vùng Bảy Núi – An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Rừng phòng hộ núi Cấm ở vùng Bảy Núi – An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Khôi phục và phát triển rừng hướng đến bền vững

Vùng Bảy Núi là khu vực có giá trị sinh thái và văn hóa quan trọng, đồng thời là một trong những khu vực rừng phòng hộ và đặc dụng lớn của miền Tây Nam bộ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và suy giảm tài nguyên thiên nhiên, việc quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững tại đây trở thành một nhiệm vụ cấp thiết.

Điều đó không chỉ nhằm duy trì các chức năng sinh thái mà rừng còn mang lại cơ hội phát triển kinh tế cho người dân thông qua mô hình kinh tế dưới tán rừng, làm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh… từ đó đóng góp vào sinh kế và cải thiện đời sống của cư dân địa phương.

An Giang có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp gần 16.820ha, gồm rừng đặc dụng trên 1.832ha, rừng phòng hộ diện tích trên 11.445ha, rừng sản xuất 3.542ha. Rừng và đất rừng của An Giang tuy không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho an ninh, quốc phòng biên giới. 

Rừng ở An Giang tập trung ở vùng Bảy Núi bao gồm các huyện, thành phố: Thoại Sơn, Tri Tôn, thị xã Tịnh Biên và TP Châu Đốc có địa hình đặc thù, là nơi tập trung nhiều khu rừng đặc dụng và phòng hộ quan trọng, như rừng tràm Trà Sư, rừng phòng hộ núi Cấm, núi Dài và núi Cô Tô…

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cũng chú trọng đến việc khôi phục và phát triển rừng, với mục tiêu hướng tới sự bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cũng chú trọng đến việc khôi phục và phát triển rừng, với mục tiêu hướng tới sự bền vững. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Tuy nhiên, rừng ở đây đối mặt với nhiều thách thức, do đó, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đã không ngừng nâng cao công tác bảo vệ và quản lý rừng, với những biện pháp cụ thể như kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động khai thác gỗ trái phép, tuần tra rừng thường xuyên, phòng chống cháy rừng và áp dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý tài nguyên rừng.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cho biết: “Chúng tôi đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại vùng Bảy Núi, đặc biệt là tình trạng phá rừng trái phép và khai thác tài nguyên bừa bãi. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính quyền và sự đồng lòng của người dân, công tác bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, từ việc nâng cao nhận thức người dân đến việc đầu tư vào hạ tầng phóng chống cháy rừng trong mùa khô và trang thiết bị tuần tra hiện đại”.

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang cũng chú trọng đến việc khôi phục và phát triển rừng, với mục tiêu hướng tới sự bền vững. Những dự án trồng rừng, tái tạo cảnh quan thiên nhiên, và bảo tồn đa dạng sinh học đang được thực hiện đồng loạt.

Cụ thể, Ban quản lý đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và tổ chức quốc tế để nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật trồng rừng mới, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của rừng đối với biến đổi khí hậu và các tác động từ bên ngoài.

Ông Nhân nhấn mạnh, việc khôi phục và phát triển rừng không chỉ là trồng thêm cây, mà còn là tạo ra một hệ sinh thái bền vững. Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang đang tập trung vào việc khôi phục các loài cây bản địa, cải thiện thảm thực vật và đảm bảo các loài động vật quý hiếm có môi trường sống an toàn. Đồng thời, khuyến khích các hộ dân sống gần rừng tham gia vào việc bảo vệ và phát triển rừng, từ đó họ có thể hưởng lợi từ nguồn tài nguyên này một cách bền vững.

Mô hình chăn nuôi bò dưới tán rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình chăn nuôi bò dưới tán rừng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kinh tế dưới tán rừng giúp người dân có thêm thu nhập

Một trong những điểm sáng trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng ở vùng Bảy Núi là mô hình kinh tế dưới tán rừng. Mô hình này không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế từ những nguồn tài nguyên có sẵn dưới tán rừng, như chăn nuôi, trồng trọt hay khai thác các sản phẩm từ rừng (mật ong, thảo dược, cây thuốc nam, nấm…). Điều này giúp người dân có thêm thu nhập mà không phải phá rừng, từ đó góp phần vào việc duy trì bền vững hệ sinh thái.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình này, anh Trần Văn Bình, một hộ dân nhận khoán rừng tại xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên cho biết: Gia đình ông Bình đã tham gia mô hình kinh tế dưới tán rừng được 5 năm. Ông đã mở trang trại nuôi bò dưới tán rừng, đồng thời trồng thêm một số loại cây thuốc nam. Nhờ sự hỗ trợ của Ban quản lý rừng, gia đình ông Bình được hướng dẫn cách chăn nuôi và trồng trọt sao cho phù hợp với hệ sinh thái rừng. Hiệu quả kinh tế  mang lại ổn định cho cuộc sống, mà quan trọng nhất không phải phá rừng mà vẫn có thể sống tốt từ nguồn tài nguyên rừng.

Một trong những điểm sáng trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng ở vùng Bảy Núi là mô hình kinh tế dưới tán rừng, trồng cây dược liệu và thuốc nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Một trong những điểm sáng trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng ở vùng Bảy Núi là mô hình kinh tế dưới tán rừng, trồng cây dược liệu và thuốc nam. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, việc khai thác sản phẩm từ rừng còn giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Ông Phạm Văn Đạt, ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, chỉ biết làm rẫy quanh rừng. Nhưng từ khi được nhận khoán rừng và tham gia mô hình nuôi ong lấy mật dưới tán cây, kinh tế gia đình cải thiện đáng kể. Chúng tôi vừa có thêm thu nhập, vừa biết cách bảo vệ rừng. Thật sự là một mô hình hiệu quả, giúp chúng tôi hiểu giá trị của rừng và đồng hành cùng công tác bảo vệ rừng”. 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.