| Hotline: 0983.970.780

Sau các thảm hoạ thiên tai mới thấy giá trị của rừng

Thứ Tư 16/10/2024 , 06:07 (GMT+7)

Lũ lụt, sạt lở đất kinh hoàng tại các tỉnh miền núi, như hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề cấp thiết hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Tuyên Quang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Tuyên Quang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về độ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Với độ che phủ rừng trên 65%, cùng nhiều cánh rừng đặc dụng, nguyên sinh quý hiếm, Tuyên Quang là điểm sáng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực hiện tốt việc quản lý bảo vệ rừng, nhất là những cánh rừng già, rừng đặc dụng nguyên sinh có vai trò quan trọng trong việc hạn chế lũ lụt, sạt lở đất. Câu chuyện giữ rừng không chỉ dừng lại ở việc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, mà còn phải là việc xây dựng bảo vệ rừng, để hình thành những cánh rừng lâu năm, rừng già đa tầng.

Những cánh rừng nhiều tầng tán, khi có lượng nước mưa lớn đổ xuống, qua mỗi tầng tán sẽ nhỏ dần đi, bộ rễ của các tầng tán rừng cũng sẽ phân tán nước làm giảm mức độ tàn phá của dòng chảy. Hơn nữa hệ thống bộ rễ nhiều tầng tán của rừng cũng sẽ giữ đất rất tốt, hạn chế sạt lở, xói mòn.

Chú trọng công tác quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang thường xuyên tham mưu cho Sở NN-PTNT về việc triển khai thực hiện Luật Lâm nghiệp và công tác quản lý bảo vệ rừng tại các địa phương. Nhất là các địa bàn trọng điểm rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh có nhiều loài gỗ quý hiếm.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 60 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó có 50 vụ xử phạt vi phạm hành chính, 10 vụ xử lý hình sự, giảm 31 vụ so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ giảm là 34%. Con số này thể hiện quyết tâm của lực lượng kiểm lâm trong công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có những cánh rừng đặc dụng rộng lớn như rừng đặc dụng Na Hang – Lâm Bình; rừng đặc dụng Cham Chu, rừng đặc dụng Tân Trào… Những cánh rừng đặc dụng có nhiều loại gỗ quý với tuổi đời vài trăm năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần to lớn trong công tác cân bằng hệ sinh thái, giữ đất, giữ nước, giảm thiểu lũ ống, lũ quét, sạt lở đất…

Ông Nguyễn Mạnh Thường, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương cho biết, trước kia nhiều người dân trong thôn tham gia phá rừng. Nhưng khoảng hơn 20 năm trở lại đây, rừng được bảo vệ tốt hơn. Đầu năm 2020, khi tỉnh Tuyên Quang có chủ trương giao khoán cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, gia đình ông Thường nhận bảo vệ 30ha.

Những cánh rừng già đa tầng được bảo vệ nghiêm ngặt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, cân bằng hệ sinh thái. Ảnh: Đào Thanh.

Những cánh rừng già đa tầng được bảo vệ nghiêm ngặt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn đất, cân bằng hệ sinh thái. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Thường cho biết, bảo vệ rừng không chỉ vì được nhận tiền công giao khoán mà còn bảo vệ tài nguyên của đất nước, bảo vệ an toàn tính mạng của các hộ dân và tương lai của thế hệ mai sau. Như những trận lũ lụt vừa rồi, tại những vùng đất trống, đồi núi trọc hay những vùng rừng non hay xảy ra tình trạng sạt lở đất nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của các hộ dân. Do đó, ông càng thấy việc thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng của mình trở nên ý nghĩa hơn.

Bên cạnh những kết quả nổi bật đạt được, thì công tác quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Tuyên Quang cũng gặp những khó khăn nhất định như, rừng tự nhiên chưa có chủ do chính quyền cấp xã quản lý, còn nhiều loại lâm sản quý, hiếm là đối tượng bị xâm hại cao nhất.

 Thế nhưng hầu như toàn bộ diện tích rừng này lại chủ yếu phân bố tập trung tại khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, vùng xâu, vùng xa và ở những nơi người dân còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Một số người dân nhận thức chưa đầy đủ đã tự ý phá rừng để chiếm đất, phá rừng tự nhiên trên diện tích đất được giao để trồng rừng, khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật… Những khó khăn nêu trên cũng là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang sẽ chú trọng thực hiện tháo gỡ trong giai đoạn tiếp theo.

Xem thêm
Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Cục Hải quan Bình Định vừa đối thoại với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định về những vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan khi tham gia xuất nhập khẩu.

Gia Lai trải ‘thảm đỏ’ cho các dự án đầu tư trồng rừng

Với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt 49,2%, tỉnh Gia Lai đang chủ trương trải 'thảm đỏ' đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng.

Phú Yên ứng dụng công nghệ quản lý, bảo vệ rừng

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đang ứng dụng những giải pháp công nghệ nhằm giúp cán bộ, nhân viên trong ngành hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất