| Hotline: 0983.970.780

Khơi thông đồng vốn Tam Nông: Lựa chọn thế mạnh đầu tư

Thứ Tư 17/12/2014 , 09:40 (GMT+7)

Không chỉ mạnh dạn vay vốn của ngân hàng NN-PTNT (Agribank) để phát triển kinh tế, nhiều nông dân ở Ninh Bình đã chọn hướng làm ăn táo bạo, hiệu quả./ Khơi thông đồng vốn Tam nông: Vốn để đời

Họ sẵn sàng từ bỏ một công việc ổn định có thu nhập cao tại Cty có vốn nước ngoài để về quê lập nghiệp; tìm những con nuôi, cây trồng mới, lạ để phát triển thành trang trại có doanh thu tiền tỷ.

Từ 2,1 triệu đồng mừng cưới

19 tuổi, anh Hoàng Văn Điền ở thôn Đông Sơn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình lập gia đình. Sau đám cưới, bố mẹ cho hai vợ chồng anh ra ở riêng cùng với mảnh vườn cạnh con kênh của làng. Vốn liếng ban đầu là số tiền 2,1 triệu đồng do bạn bè và người thân mừng cưới. Cầm số tiền đó trên tay (1997), anh Điền nghĩ không biết phải đầu tư cái gì? Nếu muốn làm theo ý tưởng thì không đủ vốn. Nếu vay mượn cũng chưa có gì để thế chấp.

Suy nghĩ mãi, anh quyết định nuôi 500 con gà trắng. Thấy nuôi gà có lãi, anh bàn với vợ nuôi thêm 100 con lợn thịt. Chục lứa gà, lứa lợn được xuất chuồng, vợ chồng anh nhẩm tính thấy có lãi. Song nếu chỉ dừng ở mức như thế thì chỉ mới đủ ăn, đủ mặc chứ khó giàu lên.

Thế rồi, quy mô trang trại của gia đình anh được mở rộng. Lần này có sự tiếp sức của Agribank chi nhánh Yên Mô. Số vốn được vay, anh đầu tư chuồng trại và mua thêm con giống để chăn nuôi. Năm 2011, trang trại lợn của anh lên đến 500 con. Có thời điểm trong năm, lợi nhuận anh thu được 800 triệu đồng.

Năm 2014, lợi nhuận thu được trong chăn nuôi của gia đình anh Hoàng Văn Điền ước đạt 1,6 tỷ đồng. Anh Điền bảo, đây là khoản lợi nhuận lớn nhất có được sau hơn chục năm chăn nuôi. Cuộc sống gia đình sung túc, anh còn giải quyết việc làm cho 6 lao động có thu nhập 3 – 5 triệu đồng/tháng.
Có được điều này, anh Điền nhận được sự tiếp sức của Agriabank Yên Mô. Theo anh Điền, lãi suất thời điểm này khá lý tưởng cho người chăn nuôi. Năm tới, anh sẽ mở rộng để đầu tư 2.000 lợn nái và hàng chục ngàn con vịt trời.

Ngoài việc nuôi lợn thịt, anh Điền còn nuôi 40 con lợn nái và 2 con lợn đực giống. Gần 2 năm nay, anh không phải mua lợn giống mà còn cung ứng cho thị trường. Trải qua hơn chục năm lam lũ, vợ chồng anh Điền đã tạo lập nên một cơ ngơi giàu có với cuộc sống sung túc.

Dẫu vậy, anh vẫn trăn trở cho những hoạch định tiếp theo. Đầu năm nay, anh đi cùng đoàn Huyện ủy Yên Mô tham quan mô hình nuôi vịt trời tại Lục Nam (Bắc Giang). Chuyến đi đã giúp anh quyết định nuôi con đặc sản mới lạ này.

Tháng 5 vừa rồi, anh đã được anh Tô Quang Dần ở Lục Nam bán cho 250 con vịt trời. Sau 7 tháng nuôi, tổng đàn vịt trời của anh Điền lên đến 2.000 con.

Anh Điền thú nhận rằng, nuôi vịt trời tại thời điểm này, nó là một con nuôi siêu lợi nhuận. Sản phẩm bán trên địa bàn toàn tỉnh và đã có mặt tại một số tỉnh ở phía Nam. Giá bán hiện tại là 240.000 đ/con.

Anh Điền có thú thích các con vật lạ. Ngoài đàn vịt trời anh đang nuôi thì trong khu vườn của anh còn có 200 con gà nhiều cựa. Trong số gà này, có một con gà 9 cựa đã có người ra giá 70 triệu đồng nhưng anh không bán. Số gà còn lại đều có từ 6 – 8 cựa.

Từ chối lương cao về quê nuôi lợn

Không chỉ chăm lo cho phát triển kinh tế, anh Phạm Ngọc Thạch còn say mê nghiên cứu khoa học. Dự kiến trong năm tới, anh Thạch sẽ hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Viện Chăn nuôi. Với những bước đi vững chắc, có thêm người vợ hiền là bạn học cùng đại học hiện là Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Hải là hậu phương lớn để các ý tưởng của anh Thạch sớm thành hiện thực.

Anh Phạm Ngọc Thạch ở thôn Vân Bòng, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp 1 đã xin vào làm việc tại một Cty có vốn đầu tư nước ngoài. Anh Thạch bảo, hồi đó có rất nhiều sinh viên xin vào Cty. Lý do anh được tuyển là nhờ lợi thế vốn ngoại ngữ tiếng Anh.

Làm việc ở Cty, lương của một sinh viên mới ra trường được trả bằng đô la, anh Thạch đủ trang trải cuộc sống và cống hiến sức trẻ. Không chỉ có lương mà anh còn được thưởng do hiệu quả công việc. Vậy mà, đến một ngày đầu năm 2001, anh quyết định từ chối mức lương cao ở Cty này để về quê lập nghiệp.

Tôi hỏi, có phải vì tiếng gọi của tình yêu mà anh từ bỏ công việc lý tưởng đó? Anh Thạch cười, đúng là vì tình yêu. Song không chỉ có đơn thuần là tình yêu đôi lứa. Anh bảo, kiến thức mình học được nhưng nếu chỉ làm việc ở Cty sẽ chưa giúp được nhiều cho quê hương. Thế rồi anh quyết định về quê, mạnh dạn vay vốn của Agribank Yên Khánh để đầu tư chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại.

Đề án phát triển kinh tế của anh được huyện Yên Khánh và Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình duyệt lên duyệt xuống. Không phải các ngành, các cấp gây khó dễ cho việc đầu tư của anh mà chính là họ cân nhắc địa điểm đặt trang trại sao cho phù hợp, xa khu dân cư. Đi kèm với xây dựng trang trại anh đã đầu tư hệ thống biogas để giải quyết nước thải. Từ kinh nghiệm này, anh còn sản xuất bán bể biogas với con số 300 cái/tháng cho nhân dân trong vùng.

Đề án được duyệt, đất được thuê 49 năm, anh Thạch cùng các công nhân bắt tay vào xây dựng chuồng trại. Với vốn kiến thức học được trong trường và những kinh nghiệm tích lũy được, anh đã có cơ sở để đầu tư nuôi 30 con lợn nái và 400 con lợn thịt. Đến năm 2003, khi Agribank cho vay 150 triệu đồng, anh đã mở rộng để nâng số lợn nái lên 100 con. Từ đó, mỗi tháng anh Thạch cho xuất chuồng 20 – 25 tấn lợn hơi. Cùng với thúc đẩy trang trại phát triển, anh còn đầu tư nhà máy thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hưng Yên.

Hơn chục năm nay, cùng với bán lợn và cung ứng thức ăn chăn nuôi trên thị trường, doanh thu mỗi năm mà anh Thạch thu được đạt trên 15 tỷ đồng. Không chỉ có làm giàu cho bản thân, anh Thạch còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động có mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.

Ngoài chăn nuôi, anh Thạch còn mở hướng làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo với đàn lợn đực giống 20 con. Anh bảo, đây chính là nguồn thu lớn, sạch nhất, khỏe nhất. Một lượng tinh nhân tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu cho 100 con lợn nái của gia đình mà còn cung ứng cho hàng ngàn hộ chăn nuôi trên địa bàn của huyện.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Agribank  trao 50 phần quà cho các gia đình khó khăn

50 hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang vừa được nhận quà từ Agribank.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.