| Hotline: 0983.970.780

Khốn khó như 'bọ giữ rừng': [Bài 1] Mượn gạo lên rừng

Thứ Tư 30/10/2019 , 09:04 (GMT+7)

Nguyễn Văn Kiên, nhân viên bảo vệ rừng có thâm niên gần 10 năm đã dứt lòng làm đơn xin thôi việc. Lương hợp đồng mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 4 triệu bạc mà cứ biền biệt xa vợ con, ngày đêm gắn với rừng thiêng nước độc.

“Thiệt lòng, có yêu rừng đến mấy thì cũng phải dằn lòng. Gặp nhau, bạn bè vẫn nói đùa, khốn khó như mấy bọ giữ rừng (tiếng bọ theo cách gọi địa phương có thể là hàng cha chú, cũng có thể là bạn bè thân). Làm sao theo nghiệp được mãi”, anh Kiên nói.

17-51-00__1-_chot_bvr
Chốt của lực lượng BVR Động Châu giữ rừng thẳm.

Ban Quản lý Rừng phòng hộ (BQLRPH) Động Châu (Lệ Thủy, Quảng Bình), được giao bảo vệ gần 30.000ha rừng tự nhiên, với nhiều giá trị nổi bật về đa dạng sinh học. Toàn đơn vị có 45 cán bộ, nhân viên, trong đó có 22 viên chức diện biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo ngạch, bậc và 23 nhân viên hợp đồng BVR. Trong đó, 23 nhân viên bảo vệ được hưởng lương từ nguồn kinh phí của dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nay nguồn kinh phí sự nghiệp BVR do Chính phủ cấp.
 

Lương trả 3 tháng một lần

Ông Trương Minh Quảng, Giám đốc BQLRPH Động Châu cho biết, trong khi lương của 22 viên chức bảo vệ rừng tại đơn vị được cấp đều thì lương của nhân viên hợp đồng BVR mỗi quý được thanh toán hồ sơ một lần và khi đó mới chính thức có… lương. “Như vậy thì cũng đã tốt rồi, trước đây, còn nợ lương của anh em đến 8, 9 tháng mới có trả”, ông Quảng cho hay.

Lực lượng của BQLRPH Động Châu (ngoài bộ phận văn phòng) đều được phiên về các trạm và chốt BVR. Hiện đang có 2 trạm và 20 chốt được phân bố ở những địa bàn hiểm yếu, nơi có nhánh đường, nhánh suối mà lâm tặc lợi dụng để vào rừng khai thác lâm sản. Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, mọi thứ đều thiếu và phải mua từ đồng bằng lên. Cuộc sống gian nan và thiếu thốn luôn là bạn đồng hành cùng với họ.

Trước đây, trên đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) có 2 Trạm BVR là Trạm Cầu Khỉ và Trạm Bãi Đạn. Sau này để có lực lượng số đông, hỗ trợ cho nhau nên được Ban sáp nhập lại với tổng quân số 11 người. Anh Đỗ Duy Đài, trạm trưởng bảo để tháo gỡ khó khăn, đơn vị phân công cán bộ hưởng lương ngân sách về làm trưởng một trạm BVR để làm nòng cốt và cho anh em hợp đồng mượn tạm lương mà sinh hoạt.

11 người của trạm, chỉ có 3 người hưởng lương hàng tháng. “Để bảo đảm đời sống, tôi phải cho anh em mượn lương để mua muối mắm và xăng xe đi lại, gạo lấy từ gia đình, rau tự trồng và hái rau rừng. Biết là khó khăn nhưng tôi động viên anh em cố gắng, nương tựa vào nhau để bảo vệ tốt rừng”, anh Đài nói.

Bữa cơm ở trạm chỉ có nồi cơm là to đùng. Thức ăn có anh rau với cá khô kho mặn. Con suối sau lưng trạm cũng có cá. Nhưng anh em lâu lâu mới thả lưới được nồi canh. Anh Lê Văn Tuân, trạm phó nói, mai tranh thủ chạy về nhà mượn ít gạo lên cho anh em. "Tiện thể mua thêm chút cá, thịt để có bữa tươi chứ cứ cá khô kho mặn mãi cũng tội anh em quá".

17-51-00__2-_luc_luong_bvr
Lực lượng BVR Động Châu tuần rừng và táo bỏ bẫy thú.

Nói về thu nhập của anh em hợp đồng BVR, ông Quảng cho biết đã vận dụng cho hưởng theo hệ số cơ bản. Có nghĩa là người có bằng đại học  được khoảng 4 triệu đồng, bằng trung cấp chỉ được 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, không hề có thêm một chế độ, khoản ưu đãi nào. Phần nhiều anh em, trong thời gian chưa có lương thì vay mượn, tạm ứng để mua gạo, thức ăn, thuốc men cho việc đi tuần rừng. “Sau 3 tháng, khi nhận lương, trừ các khoản mượn, ứng thì cũng chỉ dôi được 1 đến 2 triệu đưa về cho vợ”, anh Tuân nói.

Việc nặng nhọc, đầy áp lực, thu nhập thấp nên nhiều anh em hợp đồng BVR đã bỏ việc. Trong hai năm gần đây, có có gần 10 anh em xin nghỉ về nhà để đi phụ hồ. “Họ tính, phụ hồ mỗi cũng được 300 ngàn đồng. Nếu làm có nghỉ ngơi chỉ 20 ngày công, chi cho tiền thuốc, nước còn về đưa cho vợ được 5 triệu đồng. Làm chuyên cần thì còn nhiều hơn”, anh Tuân kể.
 

Vắt sức giữ rừng

Rừng của BQL RPH Động Châu nằm ở vùng giáp ranh của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Rừng ở đất còn nhiều gỗ quý, còn rừng nguyên sinh nên là nơi luôn được lâm tặc hai tỉnh xâm nhập. Gỗ lậu được khai thác vì do địa hình nên chỉ có về được bên mạn Quảng Trị. Do đó nhiệm vụ BVR của Ban càng khó khăn bội phần.

Trạm BVR Cầu Khỉ có 4 chốt là chốt Khe Đan, chốt Khe Lương, chốt Khe Bùm và chốt 531. Từ Trạm, đi đến các chốt cũng mất 4-5 giờ đồng hồ băng rừng rậm.

Băng suối tuần rừng ở Động Châu…

Các chốt đều có lán trại che bằng bạt cho anh em trú chân qua đêm. Thông thường, mỗi chuyến đi vào chốt, anh em cũng mất 4 - 5 ngày, trong đó có 3 tối ngủ ở chốt. Mỗi chuyến đi tuần, cao nhất cũng chỉ bố trí được 3 người, thường xuyên thì chỉ có 2 người.

Khi lên chốt tuần tra, anh em phải mang theo xoong nồi, gạo muối, mắm để ăn trong mấy ngày. Ngoài việc kiểm tra thực trạng rừng, phát hiện lâm tặc xâm hại, anh em còn phải tìm kiếm, tháo bỏ các loại bẫy thú của những người săn bắt trái phép. Trung bình mỗi tháng, anh em phải thực hiện vào chốt để tuần rừng 3 - 5 chuyến.

Dù chưa có vụ đụng độ lớn nào giữa lực lượng BVR với lâm tặc, nhưng, anh em bị rình rập, bị quấy phá thì thường xuyên. Mới đây nhất, hai anh Nguyễn Hùng và Lê Tư được phân công vào tuần rừng ở chốt Khe Đan. Gần buổi sáng lối suối, cắt rừng, vào đến nơi, hai anh nghỉ lấy sức một lúc rồi buộc xong nồi, gạo, mắm chắc chắn lên mái lán để yên tâm đi tuần. Hôm sau, tuyến đi tuần xa hơn, hai anh em phải nấu cơm nắm để đi ăn trưa.

Đến khi mặt trời sắp xuống núi, hai anh mới băng rừng về chốt. Vào lán, cả hai mới tá hỏa vì thấy xong nồi bị đạp méo, gạo, thức ăn bị đổ vưng vãi ra đất. Biết là bị lâm tặc vào lán phá nên anh Hùng trèo lên cây cao gọi điện về báo lãnh đạo Ban.

Nhận được tin, ông Quảng lệnh cho hai người phải băng rừng về ngay không chậm trễ. “Nếu chậm, hai anh em có thể bị đói lả trong rừng”. Trạm cũng cử một tổ mang theo cơm nắm đi ngược vào để đón. Sau gần 3 giờ đồng hồ, anh em gặp nhau. Mọi người cứ ôm lấy nhau, mừng trào nước mắt.

Cũng do khó liên lạc với anh em khi đi chốt, nên cứ nhận được dự báo thời tiết có mưa, bão là anh em ở Trạm phải vào rừng để tìm anh em các chốt báo tin để thu xếp quay về sớm. Nếu chậm, mưa rừng, lũ suối cắt hết đường về…

Đầu năm nay, Ban được giao nhiệm vụ tiếp nhận BVR trên 12.000ha rừng từ Cty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại chuyển qua. Diện tích rừng tăng thêm nhưng khi phí cho BVR không thay đổi.

17-51-00__4-_chm_vuon_ry_xnh
Chăm vườn rau xanh rại Trạm BVR.

Ban cũng đã nhiều lần đề nghị hỗ trợ kinh phí lên huyện, huyện trình xin tỉnh. Đến nay cũng chưa thấy có động tĩnh gì. Theo ông Quảng, diện tích rừng được tiếp nhận nằm xen giữa địa gới hành chính của 3 xã Ngân Thủy, Kim Thủy và Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy). Mỗi khu vực rừng cách nhau đến vài giờ đồng hồ đi bộ nên việc tuần tra, kiểm soát khó khăn gấp nhiều lần.

“Khó thì nhiều, nhưng anh em vẫn quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch tuần tra, bảo vệ, chứ không thể bỏ bê nhiệm vụ”, ông Quảng nói.

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ông Đinh Thế Huynh

Ông Đinh Thế Huynh được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh vì đã có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Bình luận mới nhất