| Hotline: 0983.970.780

Không 'bỏ quên' đời sống của nhân viên tuần rừng

Thứ Sáu 12/08/2022 , 06:35 (GMT+7)

Sau loạt bài 'Giữ rừng như người rừng' đăng trên Báo NNVN, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang về vấn đề này.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn tặng quà cho nhân viên tuần rừng tại huyện Na Hang. Ảnh: Việt Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn tặng quà cho nhân viên tuần rừng tại huyện Na Hang. Ảnh: Việt Hòa.

Nâng thu nhập cho nhân viên tuần rừng

Thưa ông, những năm qua đời sống của những người giữ rừng, đặc biệt là nhân viên tuần rừng còn gặp khó khăn, vất vả, nhưng thu nhập chưa cao, vậy xin ông cho biết tỉnh Tuyên Quang đã có chính sách gì để hỗ trợ nâng cao thu nhập cho lực lượng giữ gìn bảo vệ rừng?

Tuyên Quang là tỉnh miền núi với trên 448.000ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh Tuyên Quang đạt trên 65%, đứng thứ 3 cả nước. Để giữ được diện tích rừng ổn định như thế, những năm qua có đóng góp không nhỏ của cán bộ, công chức, viên chức ngành lâm nghiệp, trong đó có những nhân viên tuần rừng.

Do khó khăn về biên chế, hiện nay bình quân 1 biên chế kiểm lâm/1.731ha rừng nên công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn, phức tạp, nhất là tại các khu vực còn nhiều lâm sản quý, hiếm trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hoá, Lâm Bình. Từ năm 2013, UBND tỉnh đã cấp kinh phí để hợp đồng lao động bảo vệ rừng (thường gọi là nhân viên tuần rừng) để hỗ trợ cho lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng.

Đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 84 nhân viên bảo vệ rừng/40 trạm và 40 chốt bảo vệ rừng. Quá trình hoạt động, lực lượng bảo vệ rừng không chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần rừng, cung cấp thông tin mà còn chủ động phát hiện, hỗ trợ lực lượng kiểm lâm bắt giữ, xử lý được nhiều vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Các nhân viên bảo vệ rừng có sức khoẻ tốt, là người địa phương nên thông thạo địa hình rừng, hiểu biết về phong tục, tập quán đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và UBND cấp xã trong công tác bảo vệ rừng.

Từ năm 2013 đến tháng 7/2022, tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm điều chỉnh kịp thời cơ chế chính sách nhằm đảm bảo thu nhập cho nhân viên tuần rừng. Qua 9 năm tỉnh đã điều chỉnh tiền công 5 lần, bình quân 1,8 năm điều chỉnh tiền công 1 lần. Trong khi theo quy định về nâng lương thì phải đủ 3 năm đối với nhân viên có trình độ đại học và 2 năm đối với trung cấp thì mới được nâng lương.

Mức tiền công cho nhân viên tuần rừng tại các Hạt Kiểm lâm hiện nay là 5.000.000 đồng/người/tháng. Mức tiền công này tương đương với kiểm lâm viên và viên chức có trình độ đại học bậc 4, hệ số lương 3,33 tại các hạt kiểm lâm và ban quản lý rừng. Có thể nói đây là sự quan tâm, tạo điều kiện đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đối với lực lượng bảo vệ rừng, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn hạn hẹp.

Ngoài chế độ tiền công (5 triệu đồng/tháng), lực lượng nhân viên tuần rừng còn được đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và các chế độ, chính sách khác theo quy định; hàng năm được trang cấp vật tư thiết yếu để đảm bảo công tác tuần rừng (quần, áo đồng phục; quần áo mưa, mũ, giầy, tất đi rừng). Qua đó bảo đảm tốt hơn thu nhập cho nhân viên tuần rừng để lực lượng này yên tâm công tác, gắn bó hơn với nghề giữ rừng vốn rất vất vả, khó khăn và nguy hiểm.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất trong phạm vi thẩm quyền

Như Báo NNVN có nêu trong loạt bài “Giữ rừng như người rừng”, thì có một số nhân viên tuần rừng nhiều năm gắn bó với rừng (có người hơn 10 năm), dù họ có đủ bằng cấp đáp ứng vị trí tuyển dụng kiểm lâm viên nhưng khi thi thực tế nhiều lần đều không đỗ, vậy tỉnh có chính sách gì ưu tiên cho những đối tượng như vậy trong những lần tuyển dụng tiếp theo hay không?

Thực tế kể từ năm 2015 đến nay, nhiều nhân viên tuần rừng đã thi và trúng tuyển vào các vị trí công chức kiểm lâm, vị trí nhân viên tại các Ban quản lý rừng phòng hộ.

Như với vị trí tuyển dụng kiểm lâm viên: Năm 2015 có 4 nhân viên tuần rừng thi trúng tuyển/4 chỉ tiêu tuyển dụng; năm 2017 có 9 nhân viên tuần rừng thi trúng tuyển/17 chỉ tiêu tuyển dụng; năm 2019 có 4 nhân viên tuần rừng trúng tuyển/12 chỉ tiêu tuyển dụng; năm 2021 có 1 nhân viên tuần rừng trúng tuyển/2 chỉ tiêu tuyển dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, tặng quà Tết cán bộ, kiểm lâm và nhân viên tuần rừng tại huyện Na Hang. Ảnh: Việt Hòa.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn thăm hỏi, tặng quà Tết cán bộ, kiểm lâm và nhân viên tuần rừng tại huyện Na Hang. Ảnh: Việt Hòa.

Với vị trí tuyển dụng vào các Ban quản lý rừng phòng hộ, thì năm 2019 có 4 nhân viên tuần rừng trúng tuyển/4 chỉ tiêu tuyển dụng; năm 2021 có 4 nhân viên tuần rừng trúng tuyển/4 chỉ tiêu tuyển dụng.

Để tạo điều kiện hơn cho lực lượng nhân viên tuần rừng được vào biên chế, UBND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Sở NN-PTNT nghiên cứu đề xuất chính sách ưu tiên cho nhân viên bảo vệ rừng khi thi tuyển vào vị trí công chức Kiểm lâm như: Đối với nhân viên bảo vệ rừng được 1 năm trở lên thì không phải qua sơ tuyển; đối với nhân viên bảo vệ rừng công tác liên tục 5 trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì có chính sách ưu tiên cộng điểm khi thi tuyển; còn đối với nhân viên bảo vệ rừng công tác liên tục 10 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nếu đủ điều kiện thì xét tuyển vào vị trí công chức kiểm lâm; việc ưu tiên trên phải bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay Tuyên Quang là địa phương đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay Tuyên Quang là địa phương đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, việc giữ rừng vất vả, thu nhập lại thấp khiến cán bộ, viên chức và nhân viên tuần rừng gặp khó khăn khi trang trải cuộc sống. Nếu được kiến nghị chính sách, tỉnh Tuyên Quang sẽ kiến nghị gì với Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành ở Trung ương có liên quan?

Thứ nhất đề nghị không tính chỉ tiêu giảm biên chế đối với lực lượng kiểm lâm, nhất là đối với những tỉnh có nhiều rừng và độ che phủ cao hơn so với bình quân chung của cả nước.

Thứ hai, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương nghiên cứu ban hành chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp đối với công chức, viên chức, người lao động trong ngành lâm nghiệp, nhất là đối tượng công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để thu hút nguồn nhân lực, như chính sách đãi ngộ về tiền lương, quy định độ tuổi nghỉ hưu theo tính đặc thù… Bởi trên thực tế hoạt động bảo vệ rừng phải sống và làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn, thường xuyên ở trong rừng dài ngày, điều kiện sinh hoạt, ăn uống thiếu thốn, trong khi phải di chuyển ở địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều rủi ro, nguy hiểm, nguy cơ tai nạn nghề nghiệp cao.

Thứ ba, kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT nghiên cứu, xem xét ban hành chế độ chính sách trong tuyển dụng vào vị trí công chức kiểm lâm đảm bảo phù hợp cho đối tượng là nhân viên hợp đồng bảo vệ rừng đã có nhiều năm công tác gắn bó với rừng.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất