| Hotline: 0983.970.780

Không chỉ bảo vệ mà phải tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng

Thứ Tư 14/07/2021 , 15:39 (GMT+7)

Tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng là thông điệp Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan gửi tới lực lượng Kiểm lâm trong buổi làm việc với Cục Kiểm lâm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh không chỉ bảo vệ mà phải tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh không chỉ bảo vệ mà phải tạo ra nguồn lực kinh tế từ rừng. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 14/7, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng Thứ trưởng Lê Quốc Doanh có buổi làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm, đại diện là Tổng Cục trưởng Nguyễn Quốc Trị và Cục trưởng Nguyễn Hữu Thiện.

Tại buổi làm việc, các vấn đề liên quan đến rừng và công tác kiểm lâm được Bộ trưởng Lê Minh Hoan quan tâm bao gồm Chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững, vấn đề chuyển đổi mục đích rừng, phát triển kinh tế dưới tán rừng và kiểm kê rừng. Các vấn đề này sau đó được lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm cùng báo cáo, làm rõ.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, liên quan nhiều đơn vị, địa phương. Do đó, ông cho rằng Bộ NN-PTNT cần chủ động có văn bản gửi các địa phương và các đơn vị liên quan để đánh giá các bất cập trong quá trình làm thủ tục chuyển đổi mục địch sử dung rừng để phục vụ phát triển kinh tế trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng gợi ý cần đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ NN-PTNT để đánh giá chính xác, chi tiết các dự án trước khi triển khai, đặc biệt là đánh giá năng lực và mục đích của chủ đầu tư.

Với phát triển kinh tế dưới tán rừng, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho rằng cần có sự vào cuộc của các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT để tìm ra được mô hình, dự án phù hợp với từng địa phương.

"Trong khi lực lượng kiểm lâm không đủ để trải khắp mọi nơi thì chúng ta cần nghĩ đến việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân tự kiểm soát lẫn nhau trong quá trình canh tác dưới tán rừng vì mục tiêu chung”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Theo ông, dù mô hình là nuôi hay trồng, thì cũng phải tìm cách đưa các hộ nông dân vào một hình thức hợp tác nào đó. Sau khi thành lập được các mô hình hợp tác sẽ hướng dẫn cho họ từ khi sản xuất đến lúc tiêu thụ để đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ rừng.

"Điều quan trọng là chúng ta phải tuyên truyền được cho người dân về sự quan trọng của rừng, làm cho họ hiểu là còn rừng thì còn phát triển kinh tế dưới tán rừng. Như vậy họ không chỉ giữ rừng ở nơi canh tác mà sẽ giữ cả khu rừng, giảm được rủi ro cho rừng”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh và nói nếu làm tốt điều này, chúng ta có thể vừa bảo vệ rừng vừa phát triển tốt kinh tế cho người dân.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về hoạt động của Cục. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Cục Kiểm lâm báo cáo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh về hoạt động của Cục. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, trong tương lai cần chuyển đổi tư duy từ bảo vệ rừng sang vừa bảo vệ rừng vừa đem lại nguồn lực từ rừng bằng cách phát triển bền vững kinh tế dưới tán rừng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý: "Sau mỗi dự án, mỗi mô hình, chúng ta cần chủ động phân tích rủi ro để có phương án quản lý, phòng ngừa và giảm thiểu những rủi ro đó".

Để làm được những điều này, Bộ trưởng cho rằng cần có tư duy quản trị chứ không chỉ dừng lại ở quản lý, cụ thể là cần có tầm nhìn bao quát hơn, xa hơn, cả thuận lợi, cả rủi ro theo phương châm: “Giải quyết hài hòa mối quan hệ nhà nước, thị trường, xã hội trong mọi chương trình phát triển kinh tế xã hội”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo thêm một số vấn đề liên quan đến rừng và công tác kiểm lâm như yêu cầu lực lượng kiểm lâm tăng cường quan hệ với các địa phương và các đơn vị khác để phối hợp làm việc hiệu quả.

Bên cạnh đó, Cục Kiểm lâm cần ứng dụng thêm nhiều tiến bộ công nghệ thông tin vào quản lý rừng và đẩy mạng công tác truyền thông cho người dân hiểu được tầm quan trọng của rừng cũng như những việc đã làm được trong công tác bảo vệ, quản lý rừng.

Kinh tế dưới tán rừng là giải pháp bền vững để bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ảnh: LH.

Kinh tế dưới tán rừng là giải pháp bền vững để bảo vệ rừng trong thời gian tới. Ảnh: LH.

Với công tác kiểm kê rừng, Thứ trưởng yêu cầu Tổng Cục lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm có phương án giải quyết các bất cập còn tồn tại, xử lý triệt để hiện tượng chênh lệch số liệu diện tích rừng khi kiểm kê.

Vấn đề phát triển sinh kế, kinh tế dưới tán rừng được Thứ trưởng lưu ý vì đây là giải pháp bền vững để bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã ký Thỏa thuận Cắt giảm phát thải carbon và giảm phá rừng.

Theo đó, mở ra khoản tài chính 51,5 triệu USD cho những nỗ lực của Việt Nam trong giảm phát thải carbon từ việc mất rừng và suy thoái rừng trong giai đoạn từ nay cho tới năm 2025. Đây sẽ là nguồn tài chính quan trọng để đầu tư vào rừng và giảm mất rừng trong khi vẫn tạo ra thu nhập cho các chủ rừng.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm